Nga - Mỹ và chiến lược địa chính trị ở Trung Đông

.

Sự kiện được cộng đồng quốc tế rất quan tâm là việc lãnh đạo Mỹ -Nga công du tới Trung Đông, nơi thường xuất hiện các cuộc xung đột vũ trang, nhất là vấn đề Israel - Palestine, nhưng cũng là khu vực tranh giành ảnh hưởng của các cường quốc bởi “kho nhiên liệu” khổng lồ.

Ngày 13-7, Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt đầu chuyến công du đầu tiên tới Trung Đông trên cương vị Tổng thống Mỹ. Sau Israel, ông Biden gặp các nhà lãnh đạo Palestine ở Bờ Tây ngày 15-7, hội đàm với các nhà lãnh đạo Saudi Arabia và các đồng minh vùng Vịnh khác tại thành phố Jeddah. Mục tiêu của người đứng đầu Nhà Trắng rất rõ ràng: đạt được đột phá cho chương trình hạt nhân Iran, thúc đẩy các đồng minh “bơm” thêm dầu ra thị trường, và thiết lập lại quan hệ với Saudi Arabia mà không bị mang tiếng phớt lờ nguyên tắc nhân quyền.

Theo New York Times, khác với chuyến đi trên cương vị Phó Tổng thống cách đây 6 năm, lần này ông Biden không có trong tay nhiều đòn bẩy hữu dụng và cả 3 bài toán cần giải quyết đều tiềm ẩn những rủi ro chính trị khó lường.

Trong khi đó, ngày 12-7, Điện Kremlin thông báo, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ đến Iran vào tuần tới để tham dự hội nghị thượng đỉnh về Syria với Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Các chuyến công du của ông Putin và ông Biden diễn ra trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine sắp bước sang tháng thứ 5. Nga và Iran luôn giữ quan hệ chặt chẽ về chính trị, kinh tế lẫn quân sự, còn Thổ Nhĩ Kỳ - thành viên thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - giữ vai trò hòa giải trong cuộc xung đột Ukraine. Cả Israel và Saudi Arabia đều phản đối việc tham gia các nỗ lực toàn cầu do Mỹ đứng đầu nhằm trừng phạt Nga vì lợi ích của hai nước này.

Theo giới quan sát, việc hai lãnh đạo Nga - Mỹ đến Trung Đông gần như cùng một lúc là dấu hiệu phản ánh cuộc “đọ sức” đang càng lúc càng gay gắt giữa hai nước trên khu vực địa chính trị quan trọng và đầy biến động này.

Tổng thống Biden chọn thăm Israel và nhất là Saudi Arabia vì ở Trung Đông, đây là hai nước được coi là “kẻ thù không đội trời chung” của Iran - nước đang đối kháng với Mỹ và xích lại gần Nga, kể cả trong các vấn đề quốc tế nổi cộm. Washington cho rằng, “trục liên kết” đang hình thành giữa Moscow - Teheran càng lúc càng chặt chẽ nên cần phải có biện pháp ứng phó kịp thời và “việc hình thành và củng cố tam giác an ninh Mỹ-Israel-Saudi Arabia thật sự cần thiết”, chí ít là trong giai đoạn này.

Đặc biệt, sau 18 tháng ròng rã đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), đối thoại vẫn bế tắc. Một quan chức cấp cao của chính quyền ông Biden tiết lộ, Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Israel Lapid ký một thỏa thuận chung “bao gồm cam kết không bao giờ cho phép Iran sở hữu vũ khí hạt nhân cũng như đối phó với hoạt động gây bất ổn của Iran, đặc biệt là mối đe dọa đối với Israel”.

Ngược lại, ngày 13-7, trong khuôn khổ chương trình làm việc tại Tehran, ông Nikolai Spassky, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Năng lượng hạt nhân nhà nước Nga (Rosatom) phụ trách về các vấn đề quốc tế đã tham vấn với Phó Chủ tịch Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran Behrouz Kamalvandi và người đứng đầu Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran Mohammad Eslami. Tuyên bố sau các cuộc tham vấn nêu rõ: “Tất cả các vấn đề chính trong chương trình nghị sự hiện nay và giai đoạn sắp tới của hợp tác Nga-Iran trong việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình đã được thảo luận. Các bên nhất trí tăng cường đối thoại để đạt được các giải pháp cụ thể”.

Đánh giá về diễn biến này, chuyên gia Pháp Dominique Moisi, cố vấn đặc biệt của Viện Nghiên cứu Montaigne tại Paris nhận định, xung đột Nga - Ukraina buộc Mỹ phải thay đổi cách nhìn về thế giới nói chung và khiến Mỹ nhận ra Trung Đông vẫn là “quân cờ quan trọng trên bàn cờ thế giới” và Washington không thể rời bỏ khu vực này cho những tham vọng của Nga, Trung Quốc, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.

Bên cạnh đó, Tổng thống Biden tới Saudi Arabia có vẻ là “nhằm xử lý nhiều vấn đề an ninh quốc gia chứ không riêng dầu mỏ”. Thực ra, dầu mỏ vẫn là lý do cấp thiết nhất trong bối cảnh giá năng lượng toàn cầu ở mức rất cao suốt nhiều tháng qua tác động đến các nền kinh tế lớn như Mỹ và châu Âu. Dù ông Biden không có ý định công bố bất cứ thỏa thuận nào về dầu mỏ trong chuyến thăm, cả hai bên đều ngầm hiểu Saudi Arabia sẽ tăng sản lượng ngay khi thỏa thuận giới hạn sản lượng hiện nay của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) kết thúc vào tháng 9.

Có thể nói, từ khi chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama chuyển hướng chiến lược từ Trung Đông sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để đối phó với Trung Quốc, thì Nga đã nâng tầm ảnh hưởng ở khu vực này thông qua “can thiệp quân sự chống khủng bố” ở Syria và gia tăng hợp tác với Iran và các nước khác để giải quyết xung đột Israel - Palestine.

Trước những biến chuyển khó lường, Mỹ nhận ra “mối nguy hiểm” xuất hiện ở Trung Đông có thể đe dọa đến đồng minh số một ở khu vực này là Israel cũng như lợi ích của mình nên Washington đã thúc đẩy các biện pháp ngoại giao lẫn kinh tế và quân sự nhằm ngăn chặn tầm ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc.

Vậy là sức nóng của “chảo lửa” Trung Đông đã trở lại trên bàn cờ địa chính trị thế giới khi các cường quốc gia tăng kêu gọi các nước tham gia các liên minh do mình tạo ra.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.