Ngày 19-7, Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Tehran để hội đàm với các nhà lãnh đạo đồng cấp Iran và Thổ Nhĩ Kỳ về các vấn đề cấp bách mà khu vực đang đối mặt, trong đó xung đột ở Syria và cơ chế khơi thông xuất khẩu ngũ cốc Ukraine để xoa dịu khủng hoảng lương thực toàn cầu là trọng tâm trong chương trình nghị sự.
Ngày 19-7, Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Tehran để hội đàm với các nhà lãnh đạo đồng cấp Iran và Thổ Nhĩ Kỳ về các vấn đề cấp bách mà khu vực đang đối mặt, trong đó xung đột ở Syria và cơ chế khơi thông xuất khẩu ngũ cốc Ukraine để xoa dịu khủng hoảng lương thực toàn cầu là trọng tâm trong chương trình nghị sự. |
Theo hãng tin Reuters, đây là chuyến công du nước ngoài thứ hai của ông Putin, và là chuyến thăm đầu tiên của nhà lãnh đạo Nga bên ngoài khu vực Liên Xô cũ, kể từ khi Mocsow mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Chuyến công du mang ý nghĩa quan trọng, thể hiện tầm ảnh hưởng của Nga trong bối cảnh nước này bị bủa vây bởi hàng loạt lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Dàn xếp những khác biệt
Theo trang France24, Tổng thống Putin gặp Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại hội nghị thượng đỉnh ba bên lần thứ 7 theo định dạng Astana ngày 19-7. Trọng tâm của hội đàm ba bên xoay quanh xung đột kéo dài hàng thập kỷ ở Syria, nơi Iran và Nga ủng hộ chính phủ của Tổng thống Bashar Assad trong khi Thổ Nhĩ Kỳ lại ủng hộ các phe đối lập có vũ trang.
Cố vấn đối ngoại của Tổng thống Nga, ông Yuri Ushakov cho biết, các bên cố gắng tìm tiếng nói chung để giảm bạo lực ở Syria. Theo đó, các nỗ lực nhằm đạt được giải pháp chính trị, tình hình nhân đạo và sự tự nguyện hồi hương của người dân Syria là nội dung chính được bàn thảo. Trên Twitter, Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian nói thêm, các cuộc họp sẽ “phát triển hợp tác kinh tế, tập trung vào an ninh của khu vực thông qua các giải pháp chính trị... và bảo đảm an ninh lương thực”.
Trong chuyến thăm Iran, ông Putin cũng gặp lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei. Reuters dẫn lời ông Ushakov nói rõ: “Cuộc đối thoại tin cậy giữa hai bên tập trung vào vấn đề quan trọng nhất trong chương trình nghị sự song phương và quốc tế. Trong hầu hết các khía cạnh, lập trường của hai bên gần hoặc đồng nhất”. Ông Ushakov gọi Iran là đối tác quan trọng đối với Nga, và hai bên mong muốn đưa quan hệ lên tầm đối tác chiến lược mới. Một quan chức cấp cao của Iran đề nghị giấu tên cho biết: “Chúng tôi cần một đồng minh mạnh mẽ và Moscow là một siêu cường”.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ - thành viên “cá biệt” của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vẫn vướng vào những rạn nứt âm ỉ với các thành viên khác trong khối. Việc Thổ Nhĩ Kỳ duy trì chính sách cân bằng tốt liên quan đến Nga và không tham gia các biện pháp trừng phạt của phương Tây khiến Ankara trở thành đối tác cực kỳ cần thiết đối với Moscow. Bên cạnh đó, đối mặt với lạm phát tăng vọt và nội tệ mất giá nhanh chóng, Thổ Nhĩ Kỳ cũng phụ thuộc nhiều vào thị trường Nga.
Cuộc gặp tại Tehran tạo cơ hội cho ông Putin có sự trao đổi thẳng thắn với ông Erdogan để Ankara tiếp tục phát huy vai trò hòa giải trong xung đột ở Ukraine và góp phần vào sự thành công của các vòng đàm phán về khơi thông xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine. Dự kiến, Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc sẽ ký một thỏa thuận vào cuối tuần này nhằm nối lại việc vận chuyển 22 triệu tấn ngũ cốc và các sản phẩm nông nghiệp khác của Ukraine đang bị mắc kẹt tại Biển Đen.
Thông điệp gửi đến phương Tây
Trong chuyến công cán đến Iran, Tổng thống Putin gửi thông điệp rõ ràng tới phương Tây rằng Nga sẽ tìm cách xây dựng quan hệ với Iran-nước đang đối lập với Mỹ. Nhà lãnh đạo Nga muốn củng cố quan hệ với Iran - một đối tác thương mại và quân sự tiềm năng của Moscow vốn cũng đang hứng chịu lệnh trừng phạt nghiêm khắc của Mỹ.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, với Tehran, việc xây dựng quan hệ với Moscow là cách để cân bằng ảnh hưởng của Mỹ và liên minh của nước này ở vùng Vịnh. Trước đây, Tehran nhiều lần bày tỏ ý định sẵn sàng ký kết các thỏa thuận kinh tế dài hạn với các doanh nghiệp Nga.
Trong bối cảnh giá dầu biến động liên tục, Tehran đang đánh cược rằng với sự hỗ trợ của Nga, điều này có thể gây áp lực buộc Washington phải có bước đi nhượng bộ cần thiết để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân năm 2015 - Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).
Tổng thống Nga coi nỗ lực làm tê liệt kinh tế Nga thông qua các lệnh trừng phạt mạnh nhất trong lịch sử gần đây của phương Tây là “lời tuyên chiến kinh tế” và khẳng định Moscow muốn làm sâu sắc hơn mối quan hệ với các đối thủ nặng ký trong khu vực như một phần thách thức đối với Mỹ và châu Âu.
THƯ LÊ