QUAN SÁT BÌNH LUẬN

Bi kịch lịch sử và lời xin lỗi của Giáo hoàng

.

Tiến trình phát triển của Canada ẩn chứa một “bi kịch” mang tính lịch sử bắt đầu xuất hiện kể từ năm 1890, khiến dư luận nước này và quốc tế cảm thấy vô cùng đau đớn.

Từ cuối thế kỷ XIX, chính sách đồng hóa những người gọi là thổ dân da đỏ được triển khai ở Canada nhằm làm cho họ sống theo những giá trị và lối sinh hoạt xã hội kiểu mà người Âu mang vào nước này. Để làm được điều đó, theo hãng tin AP, từ cuối thế kỷ XIX đến những năm 1970, chính quyền liên bang tách khoảng 150.000 em nhỏ thuộc các sắc dân thổ địa khỏi vòng tay cha mẹ để học tại các trường nội trú công giáo do chính phủ Canada tài trợ, qua đó giáo dục các em thành những người mà họ gọi là “người da trắng tử tế”?! Đây được xem là nỗ lực nhằm cô lập trẻ em bản địa khỏi ảnh hưởng gia đình và bản sắc văn hóa của họ. Mục tiêu là Cơ đốc giáo hóa và đồng hóa trẻ em bản địa vào “xã hội chính thống”, vốn được các chính phủ trước đây của Canada xem là cao cấp hơn. Nhưng rốt cuộc, nhiều em bị đối xử tàn tệ về thể xác và tinh thần, suy dinh dưỡng, lâm bệnh, bị bạo hành...

Ủy ban “Sự thật và Hòa giải” trong giai đoạn 2008-2015 của Canada tiến hành điều tra và đưa ra kết luận cho hay, chính quyền nước này tiến hành “một cuộc diệt chủng văn hóa thực sự” từ giữa thế kỷ XIX, đặc biệt là từ những năm 1880 đến năm 1996. (Năm 1996 đánh dấu hoàn tất việc đóng cửa các trường nội trú cho trẻ em thổ dân). Thế nhưng, trong khoảng thời gian đó, có tổng cộng khoảng 4.000 em mất mạng tại 139 trường nội trú Công giáo rải rác trên cả nước.

Đài Radio Canada thậm chí còn cho biết, Ủy ban “Sự thật và Hòa giải” nhận định con số trẻ em thổ dân thiệt mạng trên thực tế rất có thể cao gấp 5-10 lần so với con số trên. Đặc biệt, vào năm 2021, Canada liên tiếp phát hiện những ngôi mộ của trẻ em các bộ tộc bản địa được chôn cất từ lâu gần các trường nội trú cũ. Đáng chú ý, trong số đó là vụ phát hiện được hơn 750 ngôi mộ vô danh gần trường nội trú cũ Marieval ở tỉnh Saskatchewan, miền tây nước này.

Sau những phát hiện nói trên, Thủ tướng Canada Justin Trudeau gọi nạn đồng hóa thổ dân trước kia là sự bất công, kỳ thị, phân biệt đối xử, những sai lầm khủng khiếp của đất nước trong quá khứ, những bài học cần rút ra cho hiện tại và tương lai. Ông Trudeau yêu cầu khởi tố các tội hình sự và đề nghị Giáo hoàng Francis trực tiếp đến Canada để xin lỗi cộng đồng thổ dân. Vì thế, ngày 1-7-2021 là ngày Quốc khánh Canada nhưng đã bị  “bóng tối lịch sử” phủ kín, thay vì vui mừng chào đón thì nhiều nơi treo cờ rủ, nhiều cuộc tuần hành thể hiện tình đoàn kết với cộng đồng thổ dân Canada được tổ chức.

Và để hóa giải “bi kịch lịch sử”, ngày 25-7-2022, Giáo hoàng Francis tiến hành chuyến thăm Canada và cử hành thánh lễ lớn đầu tiên tại một sân vận động ở phía tây nước này. Phát biểu trước khoảng 2.000 thủ lĩnh và đại diện các sắc tộc thổ dân từ các tỉnh đổ về Maskwacis, gần Edmonton, Giáo hoàng Francis lên tiếng lấy làm tiếc về sự hợp tác của nhiều thành viên Giáo hội Công giáo với các dự án phá hủy văn hóa và đồng hóa cưỡng bức qua nhiều đời chính phủ thời kỳ đó, dẫn đến sự hình thành hệ thống trường học nội trú Công giáo. Giáo hoàng Francis nói: “Tôi xin lỗi vì những việc đáng tiếc mà nhiều người Công giáo đã làm để ủng hộ tư duy thực dân hóa của các thế lực đã áp bức người dân bản địa. Tôi xin lỗi về những tội lỗi đáng lên án này”.

Trong khi đó, RFI (Pháp) dẫn lời ông Cha Yoland Ouellet, lãnh đạo các hội truyền giáo của Giáo hoàng tại vùng Canada Pháp ngữ cho rằng chuyến thăm của Giáo hoàng Francis sẽ giúp Giáo hội Công giáo và những bộ tộc thổ dân hòa giải. Còn bà Evelyn Korkmaz, người từng là học sinh trong trường nội trú, nghẹn ngào chia sẻ sau khi tham dự sự kiện với nhiều cảm xúc trái ngược: “Tôi đã chờ đợi suốt 50 năm và cuối cùng cũng được nghe lời xin lỗi này. Một phần trong tôi vui mừng, một phần trong tôi đau buồn và một phần trong tôi tê liệt cảm xúc”.

Có thể nói, lời xin lỗi của Giáo hoàng Francis được xem là “biểu tượng” để khép lại một “bi kịch lịch sử” nhưng nỗi đau thì vẫn còn đọng lại trong tiến trình phát triển của Canada.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.