Đã 1 năm trôi qua kể từ thời điểm Mỹ rút toàn bộ quân đội khỏi Afghanistan và phong trào Taliban trở lại nắm quyền tại nước này, cuộc sống của 40 triệu người dân nơi đây vẫn đang chồng chất khó khăn.
Các chiến binh Taliban kỷ niệm tròn 1 năm sự kiện giành thắng lợi của họ trước trụ sở Đại sứ quán Mỹ tại Kabul (Afghanistan) ngày 15-8. Ảnh: Lorenzo Tugnoli/FTWP |
Trong ngày 15-8, những tiếng hô lớn “Chiến thắng! Tự do!” rền vang tại trung tâm thủ đô Kabul khi hàng trăm chiến binh của phong trào Taliban tập hợp trong buổi lễ kỷ niệm tròn 1 năm sự kiện lực lượng này tiến vào thủ đô, kết thúc cuộc chiến kéo dài nhiều năm. 12 tháng sau cuộc rút quân hỗn loạn của quân đội Mỹ, an ninh tại Afghanistan đã phần nào cải thiện song cuộc sống của đại đa số người dân vẫn rất chật vật khi cùng lúc đối mặt với nghèo đói, hạn hán.
Kinh tế còn nhiều khó khăn
Cuộc sống của hầu hết 40 triệu dân Afghanistan vẫn còn rất nhiều thách thức. Thu nhập bình quân đầu người tại Afghanistan sụt xuống 375 USD/năm, mức thấp nhất trong hơn 1 thập kỷ. Theo số liệu do Liên Hợp Quốc (LHQ) công bố trong tháng 5-2022, gần 20 triệu người dân, tức là gần một nửa dân số nước này đối mặt nạn đói nghiêm trọng. Ông Richard Trenchard, trưởng đại diện của Tổ chức Nông lương LHQ tại Afghanistan, mô tả tình trạng mất an ninh lương thực tại đây ngày càng tồi tệ.
Thực tế, nền kinh tế của nước này đã sụp đổ, vì trước năm 2021, có tới khoảng 75% chi tiêu công lệ thuộc vào viện trợ nước ngoài. Khi Mỹ rút đi, “bầu sữa viện trợ” bị cắt nên kinh tế Afghanistan lao dốc không phanh. Cùng với đó, các lệnh trừng phạt nhắm vào Taliban khiến nhiều ngân hàng nước ngoài hạn chế hoặc chặn các giao dịch liên quan tới những tài khoản ngân hàng Afghanistan.
Theo ông David Miliban, Chủ tịch Ủy ban Cứu hộ quốc tế (IRC), sau khi quân đội Mỹ rút đi, các tổ chức kinh tế và tài chính nước ngoài cũng rút theo. Cùng với đó, việc Mỹ phong tỏa hàng tỷ USD trong các khoản dự trữ tại nước ngoài của Ngân hàng trung ương Afghanistan khiến chính quyền Taliban không cách nào xoay xở với những hoạt động điều tiết cần thiết. Hãng tin Reuters dẫn ước tính của LHQ cho biết, khoảng 25 triệu người Afghanistan đang sống trong nghèo đói, khoảng 900.000 việc làm có thể mất trong năm nay do kinh tế đình đốn.
“Đừng quên phụ nữ, trẻ em gái”
Trong ngày 15-8, nhân sự kiện 1 năm Taliban lên nắm quyền tại Afghanistan, LHQ phát thông điệp kêu gọi thế giới đừng bỏ quên thân phận và cảnh sống cùng cực của phụ nữ và trẻ em gái ở nước này. Theo hãng tin AFP, bà Natalia Kanem, Giám đốc điều hành Chương trình Dân số LHQ cảnh báo, có thể có tới 90% dân số Afghanistan đang bị thiếu ăn. “Khi thế giới đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng chồng lấn, chúng ta hãy nhớ là đừng quên những phụ nữ và trẻ em gái ở Afghanistan”, bà Kanem kêu gọi, nhấn mạnh tình trạng không thể tiếp cận giáo dục và chăm sóc y tế.
Theo bà Kanem, sau 1 năm Taliban lên nắm quyền, Afghanistan vẫn lún sâu trong khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng nhân đạo. “Giá lương thực và nhiên liệu tăng cao, tình cảnh trầm trọng hơn do hạn hán và xung đột tại Ukraine khiến khoảng 95% dân số và gần như tất cả các gia đình cho phụ nữ đứng mũi chịu sào, đã không có đủ lương thực”, bà nói. Trong diễn biến liên quan, ngày 15-8, Liên minh châu Âu cũng kêu gọi Taliban tôn trọng các quyền của phụ nữ, trẻ em gái và người thiểu số tại nước này.
Đảng Cộng hòa chỉ trích cách xử lý vấn đề Afghanistan Các dân biểu Cộng hòa thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ vừa công bố báo cáo mới, chỉ trích chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã xử lý không tốt về tình huống tại Kabul một năm trước. Họ cho rằng, chính quyền của ông Biden chỉ đưa ra những quyết định quan trọng về kế hoạch sơ tán dân khỏi Kabul vào những giờ cuối cùng trước khi thủ đô rơi vào tay Taliban. Thực tế, sau cuộc rút quân hỗn loạn ở Kabul, Tổng thống Biden thừa nhận chính quyền của ông không ngờ Kabul thất thủ nhanh như vậy nhưng khẳng định “chúng tôi đã lên kế hoạch cho mọi tình huống bất ngờ”. Dù vậy, báo cáo của đảng Cộng hòa cho rằng, chính sự trù trừ trong kế hoạch đã gây ra những hậu quả lớn. |
LÂM PHONG