Ấn Độ dự tính hạn chế xuất khẩu gạo, thị trường thế giới lo lắng

.

Ấn Độ, nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, có thể cắt giảm xuất khẩu vì nguồn cung trong nước đang bị đe dọa. Động thái này có nguy cơ gây thêm hỗn loạn cho thị trường lương thực toàn cầu.

Gạo được vận chuyển tại một chợ bán buôn ngũ cốc ở Dankaur, Uttar Pradesh, Ấn Độ. Ảnh: Bloomberg
Gạo được vận chuyển tại một chợ bán buôn ngũ cốc ở Dankaur, Uttar Pradesh, Ấn Độ. Ảnh: Bloomberg

Theo một số nguồn tin của hãng Bloomberg, Chính phủ Ấn Độ đang thảo luận về hạn chế xuất khẩu gạo tấm, chiếm gần 20% lượng xuất khẩu của Ấn Độ ra nước ngoài, do giá nội địa đã tăng vọt. Các nguồn tin giấu tên cho biết tiến trình thảo luận về vấn đề trên đang ở giai đoạn cuối và giới chức trách sẽ sớm đưa ra quyết định cuối cùng.

Hiện người phát ngôn của Bộ Lương thực và Thương mại Ấn Độ đã từ chối bình luận về thông tin trên, trong khi Bộ Tài chính cũng chưa đưa ra phản hồi.

Thông tin này xuất hiện trong bối cảnh mới đây, ngày 25/8, Chính phủ Ấn Độ vừa thông qua chính sách hạn chế xuất khẩu bột mì nhằm giảm giá trên thị trường nội địa.

Ấn Độ chiếm 40% tỷ trọng trong ngành thương mại gạo toàn cầu, và việc quốc gia này hạn chế xuất khẩu sẽ giáng một cú đánh mạnh hơn vào những quốc gia đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt và nạn đói ngày càng trầm trọng.

Động thái trên sẽ tác động đến hàng tỷ người sống phụ thuộc vào loại lương thực chính này, với khoảng 90% lượng gạo trên thế giới được trồng và tiêu thụ ở châu Á.

Không giống như giá lúa mì và ngô vốn tăng lên sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, giá gạo lại giảm xuống do lượng dự trữ dồi dào và giúp thế giới tránh được một cuộc khủng hoảng lương thực quy mô lớn hơn. Trở lại năm 2008, giá gạo tăng vọt lên trên 1.000 USD/tấn, cao gấp đôi so với mức hiện tại, khiến thị trường hoang mang về nguồn cung.

Thị phần xuất khẩu gạo của các quốc gia giai đoạn 2021 - 2022. Nguồn: Bloomberg
Thị phần xuất khẩu gạo của các quốc gia giai đoạn 2021 - 2022. Nguồn: Bloomberg

Gạo tấm chủ yếu được sử dụng làm thức ăn gia súc hoặc sản xuất ethanol ở Ấn Độ. Giá của loại hạt này đã tăng lên trong năm nay do nhu cầu xuất khẩu tăng cao. Những nước nhập khẩu hàng đầu, trong đó có Trung Quốc và một số quốc gia châu Phi, đã nhập khẩu gạo tấm để làm thực phẩm hoặc thức ăn chăn nuôi.

Cổ phiếu của các nhà sản xuất và xuất khẩu gạo Ấn Độ đã rớt giá trước thông tin về việc hạn chế xuất khẩu. Cổ phiếu của KRBL, một trong những nhà giao hàng lớn nhất, giảm tới 8,8% giá trị. Cổ phiếu LT Foods giảm khoảng 7,5%, trong khi Chaman Lal Setia Exports giảm 3%.

Những tháng qua, Ấn Độ đã hạn chế xuất khẩu lúa mì và đường, gây chấn động khắp các thị trường toàn cầu, cho thấy dấu hiệu leo thang chủ nghĩa bảo hộ lương thực, khi các quốc gia cắt giảm nguồn cung cấp sản phẩm ra thế giới. Điều đó đã đẩy giá các loại lương thực chủ lực lên mức kỷ lục mới, mặc dù chúng đã giảm gần đây khi triển vọng mùa màng trên toàn cầu được cải thiện.

Khả năng hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ xuất hiện trong bối cảnh diện tích canh tác lúa ở quốc gia này đã bị thu hẹp 8% trong vụ mùa vừa qua do thiếu mưa. Lượng mưa đã giảm đến 40% so với mức trung bình ở các bang trồng trọt chính là Uttar Pradesh và Bihar.

Đầu tháng 5, Ấn Độ đã khiến cả thế giới bất ngờ khi ban bố lệnh cấm xuất khẩu lúa mì do bị mất mùa, khiến giá tiêu chuẩn tăng vọt. Những tuần gần đây, kể từ khi bất ổn ở Ukraine đẩy giá lương thực toàn cầu tăng vọt hơn nữa, chính phủ các nước, đặc biệt là ở châu Á, đã phải áp dụng biện pháp cấm xuất khẩu hàng hoá và lương thực. Điển hình, Indonesia đã cấm xuất khẩu dầu cọ, trong khi Malaysia ngừng xuất khẩu thịt gà.

Theo Báo Tin tức

;
;
.
.
.
.
.