Châu Âu ảnh hưởng nặng nề do hạn hán lịch sử

.

Đợt hạn hán hoành hành tại gần 1/2 lục địa châu Âu gây ra hậu quả nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và các ngành trọng yếu khác như vận tải đường sông và năng lượng. Đây là cơn ác mộng đúng thời điểm kinh tế của “lục địa già” đang bên bờ suy thoái với loạt thách thức đáng quan ngại, gồm lạm phát tăng vọt, nguồn cung năng lượng bấp bênh…

Đợt hạn hán tồi tệ nhất ở Ý trong nhiều thập kỷ làm nước hồ Garda lớn nhất nước này giảm xuống gần mức thấp nhất từng được ghi nhận, làm lộ ra bãi đá từng chìm trong nước vào ngày 12-8. Ảnh : AP
Đợt hạn hán tồi tệ nhất ở Ý trong nhiều thập kỷ làm nước hồ Garda lớn nhất nước này giảm xuống gần mức thấp nhất từng được ghi nhận, làm lộ ra bãi đá từng chìm trong nước vào ngày 12-8. Ảnh : AP

Trong 2 tháng qua, khắp tây, trung và nam châu Âu không ghi nhận lượng mưa đáng kể nào. Các nhà khí tượng học nhận định, hạn hán tại lục địa này có thể trở nên tồi tệ nhất trong hơn 500 năm.

Vận chuyển đường thủy gặp khó

Theo hãng tin Reuters, các ngành công nghiệp, vận tải hàng hóa, năng lượng, sản xuất lương thực và ngư nghiệp đều chịu ảnh hưởng nặng nề khi những con sông trở nên cạn kiệt nguồn nước trên khắp châu Âu. Mực nước của sông Rhine - một trong những tuyến đường thủy phồn thịnh bậc nhất châu Âu và là “con đường vận chuyển huyết mạch” của Đức, Hà Lan và Thụy Sĩ trong nhiều thế kỷ - xuống chỉ còn bằng một nửa so với mức trung bình, cản trở quá trình vận chuyển dầu diesel và than.

Tương tự, sông Danube, chảy qua trung tâm châu Âu đến Biển Đen, cũng bị bồi lấp, cản trở hoạt động buôn bán ngũ cốc và các hoạt động thương mại khác. Theo tính toán dựa trên số liệu của Eurostat, các con sông và kênh đào của lục địa này giúp vận chuyển hơn 1 tấn hàng hóa mỗi năm cho mỗi cư dân EU và đóng góp khoảng 80 tỷ USD cho nền kinh tế khu vực.

Viện Thủy văn liên bang Đức (BfG) cho biết, mực nước thấp ở sông Rhine khiến nhiều sà lan chở than cho các nhà máy điện và nguyên liệu thô cho các “gã khổng lồ” công nghiệp như nhà sản xuất thép Thyssen và Tập đoàn hóa chất BASF hiện chỉ có thể hoạt động với 25% công suất, qua đó làm tăng chi phí vận chuyển lên gấp 5 lần.

Nền kinh tế đầu tàu của EU đang nỗ lực chuyển hướng vận chuyển bằng đường sắt và đường bộ. Song, giải pháp này cũng chỉ là “cực chẳng đã” khi mạng lưới đường sắt phải đối mặt với tình trạng tắc nghẽn kinh niên, trong khi phải cần hơn 110 xe tải có tải trọng tương đương với một sà lan trung bình để vận chuyển. Theo BfG, mực nước của sông Rhine sẽ tiếp tục giảm xuống còn 35cm (14 inch) vào ngày 16-8 tới.

Trong khi đó, “gã khổng lồ” năng lượng EdF (Pháp) buộc phải giảm mạnh sản lượng tại một số nhà máy điện hạt nhân vì nhiệt độ nước ở sông Rhône và Garonne quá cao không đủ làm mát các lò phản ứng. Trước đó, EdF dự kiến sản lượng điện hạt nhân của nước này trong năm nay sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 30 năm qua. Ngay cả Na Uy, nơi thủy điện chiếm đến 90% sản lượng điện của quốc gia cũng cho biết mực nước thấp bất thường của các hồ chứa cuối cùng có thể buộc họ phải hạn chế xuất khẩu điện.

Nguy cơ thiệt hại hàng tỷ USD

Đài ABC News dẫn lời ông Andrea Toreti, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu chung của Ủy ban châu Âu, cho biết: “Chúng tôi chưa thể phân tích đầy đủ tình hình (hạn hán) năm nay vì mọi chuyện vẫn đang diễn ra. Không có đợt hạn hán nào trong 500 năm qua đạt đến mức độ giống như đợt hạn hán năm 2018. Nhưng tôi nghĩ năm nay tình hình còn tồi tệ hơn rất nhiều”.

Còn ông Albert Jan Swart, chuyên gia kinh tế vận tải tại ABN Amro Bank NV lý giải thêm: “Tình trạng khô cạn ở các con sông dự kiến kéo các nền kinh tế của châu Âu xuống mức tồi tệ hơn nhiều so với mức thiệt hại 5,1 tỷ USD do các vấn đề giao thông đình trệ ở sông Rhine hồi năm 2018. Năng lực vận chuyển nội địa sẽ bị hạn chế nghiêm trọng nếu khu vực này không có nhiều mưa”. Với tình trạng vận chuyển đường thủy bị tê liệt, Đức có khả năng chịu thiệt hại 0,2 điểm tăng trưởng kinh tế trong năm nay. 

Thời tiết khắc nghiệt cũng “tiếp tay” làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực vốn được dự báo sẽ kéo dài trong thời gian sắp tới. Báo cáo gần đây của Trung tâm Nghiên cứu chung (Ủy ban châu Âu) dự báo, sản lượng ngô, hoa hướng dương và đậu tương ở Liên minh châu Âu (EU) giảm 8-9% do điều kiện khô nóng, thấp hơn nhiều so với trung bình 5 năm trở lại đây. Sản lượng ngô của EU dự kiến thấp hơn năm ngoái khoảng 12,5 triệu tấn và sản lượng hướng dương sẽ giảm hơn 1,6 triệu tấn, theo báo cáo của Công ty Nghiên cứu S&P Global Commodity Insights (Mỹ).

Cơ quan Giám sát hạn hán châu Âu cảnh báo, tình trạng khô hạn có nguy cơ rất cao sẽ tiếp tục diễn ra trong 3 tháng tới và ảnh hưởng đến 47% diện tích “lục địa già”; đồng thời cảnh báo, nếu không nhanh chóng thực thi các biện pháp ứng phó thì cường độ và tần suất hạn hán sẽ gia tăng đáng kể ở phía bắc và phía nam châu Âu. Theo Tập đoàn Swiss Re (Thụy Sĩ), trong nửa đầu năm 2022, tổng thiệt hại kinh tế do thiên tai gây ra trên phạm vi toàn cầu ước tính lên tới 72 tỷ USD.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.