Chính phủ Cuba thông báo sẽ cho phép đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bán buôn và bán lẻ trong nước lần đầu tiên sau 60 năm nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt hàng hóa nghiêm trọng.
Theo hãng tin AFP, quyết định trên cũng có thể thúc đẩy ngành công nghiệp địa phương, song không từ bỏ quyền kiểm soát của nhà nước đối với hoạt động ngoại thương. Ngày 16-8, Bộ trưởng Kinh tế Cuba Alejandro Gil cho biết: “Đầu tư nước ngoài vào bán buôn và bán lẻ, với sự điều tiết của nhà nước, cho phép mở rộng và đa dạng hóa nguồn cung cho người dân và góp phần vào sự phục hồi của ngành công nghiệp nội địa”.
Theo Thứ trưởng Thương mại Cuba Ana Gonzalez Fraga, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ được phép sở hữu hoàn toàn các nhà bán buôn Cuba lần đầu tiên kể từ cuộc cách mạng năm 1959, trong khi các nhà bán lẻ có thể tham gia liên doanh công - tư. Thứ trưởng Fraga khẳng định, biện pháp này bảo đảm đầu tư trong lĩnh vực nguyên liệu thô, đầu vào, thiết bị và những hàng hóa khác có thể thúc đẩy phát triển sản xuất nội địa.
Động thái nói trên được cho là nhằm giải quyết khó khăn của các công ty nhà nước trong việc tiếp cận ngoại tệ và nguyên liệu thô. Trước đó, giới đầu tư nước ngoài chỉ được phép đầu tư vào lĩnh vực sản xuất hàng hóa và dịch vụ nội địa. Cuba đang tìm cách phục hồi kinh tế trước những khó khăn do Covid-19 gây ra, trong đó có thiếu hụt nghiêm trọng các loại hàng hóa cơ bản như thực phẩm, thuốc men và nhiên liệu.
TẤN PHÁT