Cuộc đối đầu giữa cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Bộ Tư pháp vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt sau gần 3 tuần từ khi Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đột kích tư gia của ông tại Mar-a-Lago (bang Florida) để thu hồi các tài liệu mật.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump xuất hiện bên ngoài tòa tháp Trump Tower ở New York vào ngày 10-8. Ảnh: AFP |
Cơ quan Lưu trữ và Hồ sơ quốc gia (NARA) của Mỹ cho biết đã thu hồi khoảng 100 tài liệu có đánh dấu mật với tổng cộng hơn 700 trang từ dinh thự của ông Trump trong năm nay. Giám đốc Tình báo Quốc gia (DNI) Avril Haines cho biết bà đang phối hợp với Bộ Tư pháp Mỹ nhằm “tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân loại” các tài liệu này.
Nước cờ bất ngờ
Trong cuộc chiến pháp lý vẫn chưa có hồi kết này, Bộ Tư pháp Mỹ dường như đã đi trước một bước với nước cờ cao tay nhằm giành thế áp đảo trước ông Trump. Theo hãng tin Reuters, ngày 29-8, Bộ Tư pháp xác định một số tài liệu được thu giữ trong vụ khám xét tư dinh của ông Trump vào ngày 8-8 vừa qua có khả năng là tài liệu thuộc phạm vi “đặc quyền giữa thân chủ - luật sư”. Tiết lộ này có thể thúc đẩy nhóm pháp lý của Trump đưa ra yêu cầu trước tòa án về việc chỉ định “ chuyên gia đặc biệt” để đánh giá độc lập các tài liệu nhằm mục đích hưởng đặc quyền này.
Theo CNN, “đặc quyền giữa thân chủ - luật sư” có nghĩa là việc một thân chủ có quyền không tiết lộ nội dung các cuộc trao đổi mật giữa người này với luật sư, cũng như ngăn người khác tiết lộ nội dung các trao đổi ấy, trừ khi có yêu cầu đặc biệt từ tòa án. Về mặt lý thuyết, các điều tra viên FBI không thể xem xét những tài liệu này.
Song, trong một diễn biến kịch tích mới nhất, một hồ sơ do tòa án Mỹ công bố ngày 29-8 cho thấy FBI đã hoàn tất việc đánh giá sơ bộ các tài liệu thu giữ trong vụ đột kích dinh thự của ông Trump vừa qua, theo đó đã loại bỏ những tài liệu có khả năng được bảo vệ nhờ “đặc quyền luật sư-khách hàng”. Diễn biến này là chỉ dấu cho thấy yêu sách của ông Trump về “chuyên gia đặc biệt” nói trên dường như đã quá muộn.
Theo Reuters, “chuyên gia đặc biệt” là bên thứ ba độc lập đôi khi được tòa án chỉ định trong các trường hợp nhạy cảm để xem xét các tài liệu có khả năng thuộc “đặc quyền của luật sư-khách hàng” để bảo đảm các nhà điều tra không thể xem xét chúng một cách không phù hợp.
Trong khi đó, ông Michael Cohen, cựu luật sư riêng của ông Trump trong 12 năm tin rằng, cựu Tổng thống có thể đã tiết lộ thông tin tuyệt mật của Mỹ trong những chuyến công du nước ngoài trong nhiệm kỳ của mình. Ông Cohen đưa ra giả thuyết rằng, ông Trump dự định sử dụng các tài liệu mật mà ông lưu giữ tại nhà riêng ở Mar-a-Lago như “con bài mặc cả” trong trường hợp ông có nguy cơ bị truy tố.
Ông Trump “phản pháo”
Ngoài FBI, Bộ Tư pháp và Văn phòng Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ đang phối hợp đánh giá phân loại và nhận định nguy cơ tiềm ẩn đối với an ninh quốc gia có thể phát sinh khi để lộ các tài liệu bị thu hồi. Ngày 29-8, Nhà Trắng khẳng định nhiệm vụ này của cộng đồng tình báo Mỹ là phù hợp.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết, Nhà Trắng không tham gia đánh giá các nguy cơ này. Trong khi đó Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre khẳng định, Tổng thống Joe Biden và bất kỳ ai khác tại Nhà Trắng đều không được thông báo về vấn đề này. Trong cuộc khám xét tại tư dinh của ông Trump, FBI đã thu giữ 11 bộ “tài liệu mật”. Tuy nhiên, ông Trump đã phủ nhận việc giữ các tài liệu mật tại tư dinh, nói rằng cuộc khám xét trên là hành động của đảng Dân chủ nhằm ngăn cản ông ra tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024.
Theo Daily Beast, ngày 29-8, ông Trump cáo buộc FBI gian lận và can thiệp bầu cử tổng thống năm 2020. Theo cựu Tổng thống Mỹ, đây là “hành vi gian lận lớn và can thiệp bầu cử ở mức độ chưa từng thấy trước đây ở Mỹ”. Ông Trump nhấn mạnh, ông nên được tuyên bố là “người chiến thắng hợp pháp”, hoặc với giải pháp tối thiểu là chính phủ phải “tuyên bố cuộc bầu cử năm 2020 đã bị dàn xếp không thể sửa chữa và tổ chức cuộc bỏ phiếu mới ngay lập tức”. Động thái đáp trả mới nhất của ông Trump được đưa ra sau khi Facebook hạn chế việc lan truyền thông tin gây tổn hại đến chiến dịch tranh cử của ông Joe Biden theo lời đề nghị của FBI.
Theo ông Trump, trước cuộc bầu cử năm 2020, FBI cố tình “chôn giấu” câu chuyện về máy tính xách tay của Hunter Biden (con trai ông Joe Biden) vốn chứa những thông tin nhạy cảm, bất lợi đối với ông Biden. Khảo sát gần đây của Viện Chính sách và Chính trị Technometrica cho thấy, 79% người được hỏi tin rằng ông Trump có khả năng giành chiến thắng trước ông Biden nếu những thông tin từ chiếc máy tính được tiết lộ.
THƯ LÊ