Đức đang đối mặt với nguy cơ suy thoái vào cuối năm nay khi nền kinh tế nước này trì trệ trong quý 2 trong bối cảnh nền kinh tế đầu tàu của châu Âu phải vật lộn với hàng loạt thách thức, gồm lạm phát tăng vọt, tình trạng thiếu lao động và nguy cơ thiếu khí đốt.
Hãng tin Reuters dẫn kết quả cuộc khảo sát được công bố ngày 1-8 cho biết, khu vực sản xuất của Đức trong tháng 7 lần đầu tiên bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong hơn 2 năm qua do sự sụt giảm mạnh của các đơn đặt hàng mới. Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) do S&P Global công bố đối với lĩnh vực sản xuất - chiếm khoảng 1/5 nền kinh tế Đức - giảm xuống còn 49,3 điểm vào tháng 7 từ 52 điểm trong tháng 6. Chỉ số về số lượng đơn đặt hàng mới ở 40,1 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 5-2020. Theo Cục Thống kê Liên bang Đức, doanh số bán lẻ trong tháng 6 giảm 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm sâu nhất kể từ năm 1994.
Các chuyên gia kinh tế tại S&P Global Market Intelligence cho biết: “Khả năng thiếu hụt nguồn cung cấp khí đốt khiến các nhà sản xuất Đức lo lắng nghiêm trọng về triển vọng sản xuất trong năm tới”. Nếu nguồn cung khí đốt không được bảo đảm, mạng lưới công nghiệp - vốn được coi là “xương sống” của nền kinh tế Đức sẽ sụp đổ nhanh chóng. Nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng, GDP của Đức so với mức cơ bản có thể giảm khoảng 1,5% vào năm 2022, 2,7% vào năm 2023 và 0,4% vào năm 2024. Giá khí đốt tăng cao có thể làm tăng lạm phát đến 2 điểm phần trăm vào năm 2022 và 2023.
TẤN PHÁT