Kinh tế Nga xoay xở trụ vững trước lệnh trừng phạt

.

Kinh tế Nga đang sụt giảm khi đối mặt với hàng loạt lệnh trừng phạt hà khắc chưa từng có tiền lệ của phương Tây liên quan đến xung đột tại Ukraine. Song, trái ngược với suy đoán trước đó của giới chuyên gia Mỹ về sự tê liệt ngay lập tức của cỗ máy kinh tế Nga, các báo cáo mới nhất cho thấy, Moscow dường như vẫn trụ vững trước các đòn trừng phạt.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (bên trái) gặp ông Yury Chikhanchin, người đứng đầu Cơ quan Dịch vụ Giám sát Tài chính Liên bang Nga (Rosfinmonitoring) tại Điện Kremlin vào ngày 27-6. Ảnh: Reuters
Tổng thống Nga Vladimir Putin (bên trái) gặp ông Yury Chikhanchin, người đứng đầu Cơ quan Dịch vụ Giám sát Tài chính Liên bang Nga (Rosfinmonitoring) tại Điện Kremlin vào ngày 27-6. Ảnh: Reuters

Phương Tây áp loạt biện pháp trừng phạt Nga theo 3 mũi chính, nhắm vào hệ thống tài chính, doanh nghiệp và giới tinh hoa nhằm tạo sức ép đủ lớn buộc Moscow tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Song, các biện pháp phòng thủ kinh tế được dựng lên với “pháo đài tài chính” vững vàng giúp Nga tránh những ảnh hưởng kinh tế tồi tệ nhất như lo sợ ban đầu. Ngày 24 -8 đánh dấu tròn 6 tháng từ khi các lệnh trừng phạt lần đầu tiên được áp dụng. Theo thống kê, Moscow đang chống chọi với hơn 11.000 lệnh trừng phạt quốc tế.

Không rơi vào khủng hoảng kinh tế

Theo CNBC, GDP của Nga trong quý 2-2022 giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giới phân tích dự báo giảm 5%. Ông Chris Weafer, Giám đốc điều hành công ty Macro-Advisory có trụ sở tại Moscow cho rằng, dù đối mặt với nguy cơ giảm 5-6% trong năm nay, Nga vẫn không rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế hay tài chính. Ông Weafer nhận định kinh tế Nga sẽ “loạng choạng chứ không bị nhấn chìm”.  

Bàn về yếu tố giúp kinh tế Nga không sụp đổ trước loạt thách thức lớn, ông Liam Peach, chuyên gia kinh tế về các thị trường mới nổi tại Capital Economics nhận định, tác động tức thì của các lệnh trừng phạt giảm nhẹ nhờ Ngân hàng trung ương Nga (CBR) chủ động triển khai hàng loạt biện pháp kiểm soát vốn và tăng mạnh lãi suất nhằm ngăn chặn khủng hoảng tài chính. Những biện pháp này giúp ổn định thị trường nội địa, thậm chí tạo đà cho đồng ruble trở thành một trong những đồng tiền tăng giá mạnh nhất trên thế giới kể từ đầu năm nay.

Tiếp đó, biện pháp kích thích tài khóa và giảm mạnh lãi suất cũng phát huy hiệu quả. “Bên cạnh đó, có vẻ như khả năng phục hồi của lĩnh vực năng lượng của Nga cũng góp phần giảm mức độ ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt từ phương Tây”, ông Peach nói thêm. Thực tế, bằng cách tận dụng vai trò là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho “lục địa già”, Nga đã yêu cầu thanh toán tiền mua khí đốt bằng ruble, qua đó “phản công” một cách hiệu quả các biện pháp trừng phạt kinh tế.

Những nhận định trên hoàn toàn trái ngược với dự báo trước đó về tác động nghiêm trọng của đòn trừng phạt đối với Nga được đưa ra trong nghiên cứu của Đại học Yale (Mỹ). Theo đó, nghiên cứu này cho rằng, các lệnh trừng phạt bủa vây và tình trạng hơn 1.000 công ty toàn cầu rời khỏi Nga đang làm tê liệt nền kinh tế nước này.

Dự báo khả quan

Hãng tin TASS cho biết, Bộ Phát triển Kinh tế Liên bang Nga (MED) vừa công bố các thông số chính trong bản dự thảo triển vọng phát triển kinh tế - xã hội của nước này đến năm 2025; trong đó điều chỉnh dự báo lạm phát từ 17,6% xuống 13,4% vào cuối năm 2022; tiếp đó giảm xuống 5,5% vào năm 2023. Chỉ số giá tiêu dùng dự kiến tăng 4,2% vào năm 2024 và 4% vào năm 2025. GDP sẽ giảm 4,2% trong năm 2022 thay vì dự báo 7,8% đưa ra hồi tháng 5; dự kiến chỉ còn sụt 2,7% vào năm 2023 và tiến trình phục hồi bắt đầu với mức tăng 3,7% vào năm 2024 và 2,6% vào năm 2025.

MED cũng dự báo xuất khẩu tăng lên 585,3 tỷ USD trong năm 2022 và nhập khẩu giảm còn 285,7 tỷ USD. Dự kiến thặng dư xuất khẩu là 190,8 tỷ USD vào năm 2023, với 505,4 tỷ USD xuất khẩu và 314.5 tỷ USD nhập khẩu. Thặng dư cán cân thương mại sẽ ở mức 169,2 tỷ USD vào năm 2024 và 153,6 tỷ USD năm 2025.

Dù tình hình suy thoái trong doanh số bán lẻ và sản xuất đã dịu lại, lạm phát giảm bớt và các điều kiện tiền tệ cũng được nới lỏng nhưng kinh tế Nga phải đối mặt với những thách thức không nhỏ trong dài hạn, gồm hạn chế tiếp cận công nghệ phương Tây và lệnh cấm cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho việc vận chuyển dầu của Nga, có khả năng khiến GDP giảm 10% vào năm 2023.

Bên cạnh đó, Macro-Advisory ước tính, các doanh nghiêp thuộc sở hữu của nhà nước chiếm hơn 60% GDP, trong khi các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ chỉ chiếm dưới 25%. Sự mất cân bằng này hạn chế tăng trưởng trong điều kiện bình thường, đồng thời sẽ ngăn cản nền kinh tế trong thời kỳ khủng hoảng tiềm tàng.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.