Nắng nóng kinh hoàng đe dọa kinh tế Trung Quốc

.

Trung Quốc đang đối mặt với đợt nắng nóng kỷ lục trong 6 thập kỷ. Thời tiết cực đoan làm giảm mạnh công suất thủy điện, đảo lộn đời sống của hàng trăm ngàn người dân. Nhiều thành phố phải cắt điện luân phiên trong lúc nông dân khẩn trương tìm cách giải hạn cứu hoa màu.

Lòng sông cạn tại một nhánh của sông Dương Tử ở Trùng Khánh (Trung Quốc) vào ngày 18-8-2022. Ảnh: Reuters
Lòng sông cạn tại một nhánh của sông Dương Tử ở Trùng Khánh (Trung Quốc) vào ngày 18-8-2022. Ảnh: Reuters

Ngày 17-8, trong khi thị sát Tập đoàn lưới điện quốc gia của Trung Quốc (CSGC), Phó Thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính nhấn mạnh việc phải tăng cường phối hợp trên cả nước, bảo đảm nguồn cung điện cho các khu vực trọng yếu, cho người dân và cho các ngành công nghiệp chủ chốt.

Phân bổ lượng điện

Ngày 18-8, mức nhiệt do Trung tâm khí tượng quốc gia Trung Quốc đo tại quận Bắc Bội ở Trùng Khánh là 45oC. Trong tháng 8, cơ quan này nhiều lần phát cảnh báo đỏ vì mức nhiệt tăng cao nguy hiểm. Như vậy, trong vòng nửa năm qua, nước này lại phải giảm công suất, thậm chí đóng cửa tạm thời một số nhà máy, chỉ khác nếu lần trước vì Covid-19 thì lần này vì nắng hạn.

Theo Đài quốc tế Trung Quốc CGTN, tại nhiều vùng, chính quyền phải phân bổ định mức sử dụng điện do nắng nóng kéo dài trong khi lượng mưa ở mức thấp nhất trong lịch sử. Cụ thể, việc áp đặt “quota” điện sử dụng tại các tỉnh Tứ Xuyên, Chiết Giang, Giang Tô và An Huy, chính quyền yêu cầu các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp phải điều chỉnh kế hoạch sử dụng điện để tiết kiệm và phù hợp với tình hình.

Trong số các vùng bị ảnh hưởng nặng nhất vì nắng hạn có tỉnh Tứ Xuyên ở tây nam Trung Quốc. Hạn hán làm công suất thủy điện sụt giảm nghiêm trọng. Ảnh hưởng này rất lớn khi căn cứ vào thực tế thủy điện góp tới 85% lượng điện sản xuất tại tỉnh này, theo dữ liệu của năm 2020, cao hơn 17% so với tỷ lệ thủy điện trên toàn quốc.

Ảnh hưởng nhiều doanh nghiệp

Tuần này, chính quyền Tứ Xuyên - một trong những tỉnh lớn nhất của Trung Quốc với 84 triệu dân - phát thông báo khẩn tới các doanh nghiệp lớn tại 19/21 thành phố trong tỉnh, kêu gọi việc dừng sản xuất trong thời gian từ ngày 14 đến 20-8 để dành ra khoảng 7 triệu kWh cho người dân.

Vì Tứ Xuyên là trung tâm của ngành sản xuất hóa chất công nghiệp lithium carbonate - thành tố quan trọng cho pin xe điện, việc tạm ngưng sản xuất chắc chắn tác động tới các chuỗi ngành liên quan. Công ty chứng khoán Guotai Junan Securities ước tính, việc dừng sản xuất trong 6 ngày trên làm giảm khoảng 1.120 tấn sản lượng lithium carbonate.

Một số nhà sản xuất lớn đã dừng hoạt động vì thiếu điện, trong đó có hãng xe hơi Toyota của Nhật Bản, nhà sản xuất pin lithium khổng lồ CATL của Trung Quốc. Các công ty sản xuất nguyên liệu thô thiết yếu cũng bị ảnh hưởng, trong đó có Tongwei - nhà cung cấp polysilicon (nguyên liệu thiết yếu để sản xuất các tấm pin quang điện) lớn nhất thế giới, nhiều công ty sản xuất chất bán dẫn quốc tế có nhà máy tại Tứ Xuyên như Texas Instruments (TXN), Intel, Onsemi, và Foxconn.

Ngoài việc tạm dừng một số ngành công nghiệp tiêu thụ điện lớn, chính quyền nhiều địa phương Trung Quốc triển khai các biện pháp khác như hỗ trợ tài chính và làm mưa nhân tạo... Tại tỉnh Hồ Bắc, chính quyền thông báo kế hoạch làm mưa nhân tạo để cải thiện lượng mưa sau khi 4,2 triệu dân nơi đây phải chịu đựng hạn hán kéo dài. Theo cơ quan ứng phó tình trạng khẩn cấp của tỉnh này, đến nay, gần 400.000ha hoa màu bị tàn phá, trong khi hơn 150.000 người thiếu nước sạch. Bộ Tài chính Trung Quốc cam kết dành gói cứu trợ khoảng 44 triệu USD giúp đỡ các cộng đồng bị ảnh hưởng trong đợt nắng nóng phức tạp.

Dữ liệu từ Trung tâm thời tiết quốc gia Trung Quốc cho thấy, tính tới ngày 15-8, đợt nắng nóng tại nước này đã kéo dài 64 ngày, lâu nhất kể từ năm 1961. Lượng mưa trung bình toàn quốc trong tháng 7 là 96,6mm, giảm 20,6% so với năm trước và cũng là lượng mưa thấp thứ 2 kể từ năm 1961. Các đợt nắng nóng gia tăng cả về tần suất và mức độ trên toàn thế giới. Theo Văn phòng giảm thiểu rủi ro thiên tai của Liên Hợp Quốc, trong giai đoạn 1998-2017, thế giới trải qua 405 đợt nắng nóng cực đoan, ảnh hưởng khoảng 97 triệu người, cướp đi 166.346 sinh mạng và gây tổn thất kinh tế khoảng 61 tỷ USD. Châu Á - châu lục đông dân nhất - cũng là nơi gánh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với 85% số đợt nắng nóng này.

LÂM PHONG

;
;
.
.
.
.
.