Nguy cơ bùng phát các làn sóng Covid-19 mới vẫn hiện hữu

.

Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp khi dịch bệnh tái bùng phát tại một số quốc gia trong bối cảnh xuất hiện nhiều dòng phụ của biến thể siêu lây nhiễm Omicron. Chính việc phần lớn các nước dần dỡ bỏ biện pháp phòng dịch, khôi phục hoạt động kinh tế-xã hội, cùng với sự hoành hành của các biến thể khiến làn sóng dịch bùng phát trở lại.

Tính riêng trong tuần qua, Nhật Bản là quốc gia ghi nhận số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới với 1,33 triệu ca, theo sau là Đức với trên 821.000 ca và Hàn Quốc với trên 542.800 ca. Ngày 1-8, Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc mới dưới ngưỡng 50.000 ca, song số bệnh chuyển nặng tiếp tục ở mức cao nhất trong 2 tháng. Trong khi đó, Mỹ có số ca tử vong nhiều nhất trong tuần qua với 2.200 ca, tiếp đến là Brazil với 1.500 ca và Ý với 1.200 ca.

Người dân xếp hàng để xét nghiệm Covid-19 ở Bắc Kinh (Trung Quốc) vào ngày 6-7-2022. Ảnh: Getty Images
Người dân xếp hàng để xét nghiệm Covid-19 ở Bắc Kinh (Trung Quốc) vào ngày 6-7-2022. Ảnh: Getty Images

Bắc bán cầu có thể là “điểm nóng”
Hãng tin Reuters dẫn nhận định của giới khoa học cảnh báo, chính phủ và người dân các nước ở Bắc bán cầu sẽ đối mặt thêm nhiều làn sóng Covid-19 trong bối cảnh sắp bước vào mùa đông thứ ba kể từ khi dịch bệnh bùng phát.

Ông Chris Murray, người đứng đầu Viện Đánh giá và đo lường sức khỏe (IHME) thuộc Đại học Washington (Mỹ) dự báo, riêng tại Mỹ, số ca mắc mới có thể lên tới 1 triệu ca/ngày vào mùa đông, gấp đôi số ca mắc hằng ngày hiện nay. Giới khoa học cũng cho rằng, nhiều nước châu Âu nhiều khả năng ghi nhận hàng loạt đợt bùng phát mới do mọi người ở trong nhà nhiều hơn vào những tháng lạnh trong khi không áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội hay đeo khẩu trang.

Những dự báo trên đặt ra câu hỏi mới về thời điểm các nước sẽ thoát khỏi giai đoạn khẩn cấp Covid-19 và chuyển sang tình trạng dịch bệnh lưu hành, nơi các cộng đồng có tỷ lệ tiêm chủng cao chứng kiến ​​các đợt bùng phát nhỏ hơn, có thể theo mùa. Trước đó, nhiều chuyên gia dự kiến giai đoạn chuyển tiếp này bắt đầu từ đầu năm 2022 nhưng sự xuất hiện của Omicron đã phá vỡ những kỳ vọng đó.

Giới quan sát dấy lên lo ngại về khả năng xuất hiện một biến thể mới có tốc độ và phạm vi lây lan không kém gì với các biến thể phụ của Omicron đang thống trị hiện nay. Theo báo cáo gần đây của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ở châu Âu, nếu biến thể đó cũng gây ra bệnh nặng hơn và có khả năng né tránh kháng thể (vốn được tạo ra sau khi mắc bệnh hoặc tiêm vắc-xin) thì đó sẽ là “tình huống xấu nhất”.

Báo cáo dựa trên mô hình của Đại học Hoàng gia London cho biết: “Tất cả các kịch bản (với các biến thể mới) đều chỉ ra khả năng xảy ra một đợt sóng lớn trong tương lai ở mức độ tồi tệ hơn các đợt bùng phát trong giai đoạn 2020-2021”.

Tiến sĩ David Dowdy, nhà dịch tễ học về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y tế công cộng Johns Hopkins Bloomberg cho biết: “Bất cứ ai nói rằng họ có thể dự đoán tương lai của đại dịch là quá tự tin hoặc đang nói dối”. Theo một nghiên cứu của Tổ chức Y tế cộng đồng Pháp, một phần đáng kể dân số Pháp mắc phải tình trạng hậu Covid-19. Một nghiên cứu khác gần đây cũng ước tính, rối loạn khứu giác và vị giác tồn tại trong thời gian dài ở khoảng 5% bệnh nhân.

Vắc-xin vẫn là vũ khí hữu hiệu

Theo ước tính của WHO, việc triển khai tiêm các mũi vắc-xin cơ bản giúp gần 20 triệu người trên toàn cầu tránh nguy cơ tử vong. Song, do miễn dịch giảm dần theo thời gian và các biến thể mới có khả năng né tránh tốt hơn nên tấm khiên vững chắc này đã không còn kiên cố. Do vậy, việc khuyến khích người dân đi tiêm phòng mũi tăng cường, nhất là nhóm nguy cơ cao như người già và trẻ em, vẫn là biện pháp quan trọng.

Ngày 2-8, Hong Kong (Trung Quốc) - một trong những nơi duy trì biện pháp phòng, chống dịch khắc nghiệt nhất thế giới - giảm độ tuổi tối thiểu được tiêm vắc-xin Sinovac xuống còn 6 tháng từ 3 tuổi sau khi phát hiện một số trẻ nhỏ nhiễm bệnh. Người lớn và trẻ em ở trung tâm tài chính này phải được tiêm ít nhất 3 mũi vắc-xin.

Hiện, chính quyền Mỹ đẩy mạnh bào chế nhiều loại vắc-xin thế hệ mới nhằm tăng cường khả năng bảo vệ lâu dài trước sự tấn công của SARS-CoV-2. Các cơ quan quản lý yêu cầu hãng dược phẩm Pfizer cùng đối tác BioNTech (Đức) và Moderna phát triển các vắc-xin thế hệ mới, với những thành phần được hiệu chỉnh nhắm mục tiêu vào hai dòng phụ BA.4 và BA.5, cũng như biến thể gốc Omicron. Dự kiến sản phẩm này sẽ lưu hành vào tháng 10.

Theo UTMB News, Đại học Y khoa Texas và Đại học Công giáo Hoa Kỳ (CUA) vừa đồng phát triển một loại vắc-xin dạng lỏng nhỏ vào mũi nhằm tạo ra loại phản ứng miễn dịch khác có thể tiêu diệt hiệu quả mầm bệnh tại đường hô hấp - “cổng xâm nhập” của SARS-CoV-2. Hiện các vắc-xin dạng tiêm có hiệu quả trong việc ngăn ngừa nhưng không tạo ra khả năng miễn dịch hiệu quả trong niêm mạc hoặc ngăn chặn sự lây truyền của vi-rút. Trong khi đó, vắc-xin dạng xịt mũi dường như không ảnh hưởng hệ vi sinh vật đường ruột và hiệu quả hơn trong việc tạo ra các phản ứng miễn dịch toàn thân và niêm mạc.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.