Pháp với chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

.

Bên cạnh Anh và Đức thì Pháp là nước thứ ba ở châu Âu đặc biệt quan tâm các vấn đề thuộc khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bởi một số lý do sau đây.

Một là, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vốn không chỉ là nơi cạnh tranh chiến lược trên quy mô rộng lớn về an ninh, kinh tế toàn cầu mà còn nắm giữ lợi ích an ninh quốc gia trực tiếp đối với Pháp. Hơn nữa, Paris có lãnh thổ ở Nam Ấn Độ Dương, gồm quần đảo Mayottes và Réunion, quần đảo Eparses và các vùng đất ở châu Đại Dương và Nam Cực.

Riêng ở Thái Bình Dương, Pháp có các vùng hải ngoại như New Caledonia, Wallis-et-Futuna, quần đảo Polynésie thuộc Pháp và đảo Clipperton. Khu vực này tập trung 60% dân số thế giới, chiếm 1/3 thương mại toàn cầu, với sự hiện diện 1,5 triệu công dân Pháp sống ở các lãnh thổ và vùng hải ngoại. Ngoài ra, hơn 7.000 quân nhân Pháp đang làm nhiệm vụ và gần 9 triệu km2 vùng đặc quyền kinh tế của Pháp (EEZ) ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, lớn thứ hai trên thế giới, sau Mỹ. Xét về mặt địa chính trị, những tài sản và các đặc quyền kinh tế liên quan này chính là cơ sở khẳng định vai trò của Pháp là “cường quốc tầm trung”.

Hai là, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là cực tiềm năng để mở rộng kinh tế của Pháp. Những năm gần đây, trọng tâm kinh tế toàn cầu dịch chuyển từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương. Sáu thành viên của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) gồm Úc, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản đều ở tại khu vực này. Đáng chú ý, các tuyến đường thương mại hàng hải, hàng không thông qua Ấn Độ Dương và Đông Nam Á ngày càng chiếm ưu thế. Tỷ trọng trao đổi thương mại trong khu vực và đầu tư của thế giới khiến Pháp trở thành một tác nhân hàng đầu trong tiến trình toàn cầu hóa.

Ba là, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là nhân tố quan trọng giúp Pháp có thể khôi phục vị thế cường quốc. Pháp muốn đóng vai trò quan trọng trong sự hợp tác giữa các nước cùng có sự quan tâm tới Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhằm duy trì trật tự dựa trên luật lệ và tạo ra đối trọng với sức mạnh và ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở khu vực.

Xuất phát từ 3 mục tiêu trên, Pháp có những bước đi cụ thể nhằm gia tăng sự hiện diện tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tại Đối thoại Shangri-La tại Singapore vào tháng 6-2022, tân Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sébastien Lecornu cho biết, Paris sẽ tăng cường và hiện đại hóa năng lực quân sự được triển khai ở châu Á - Thái Bình Dương.

Ông Lecornu khẳng định, chiến lược này “không nhằm chống lại bất kỳ quốc gia nào” nhưng ủng hộ các giải pháp phòng thủ đa phương. Lãnh đạo Bộ quốc phòng Pháp tái khẳng định nguyện vọng của Paris muốn gia nhập hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), quy tụ các nước thuộc ASEAN và 8 cường quốc chính của khu vực, trong đó có Trung Quốc và Mỹ.

Nhà nghiên cứu Pháp Emmanuel Véron phân tích tầm quan trọng của việc triển khai quân sự của Pháp trong khu vực cho rằng: “Điều cốt lõi về vấn đề Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chính là các hình thức chủ quyền lãnh thổ. Điều hiển nhiên là mong muốn tăng cường các phương tiện, gia tăng hiện diện thông qua tập trận chung với các đối tác trong khu vực nhằm ủng hộ chủ nghĩa đa phương trong mối quan hệ với các tác nhân trong hay ngoài khu vực”.

Để cụ thể hóa mục tiêu này, ngày 13-8 vừa qua, các máy bay chiến đấu Rafale xuất phát từ Pháp, bay vượt qua chặng đường dài nhất chưa từng được thực hiện đến căn cứ không quân ở Nouvelle Calédonie (châu Đại Dương) để tiến hành diễn tập nhằm thể hiện khả năng tác chiến ngay lập tức, trong khuôn khổ chiến dịch Pegase 2022/Henri Brown, qua đó khẳng định Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là ưu tiên đối với Pháp.

Pháp đang hướng tới quy trình hoạch định chiến lược nhiều sắc thái hơn, trong đó có xu hướng giảm sự phụ thuộc vào các cường quốc lớn cũng như tăng cường năng lực nội tại để thích ứng với mọi sự thay đổi. Trong lúc Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đối mặt nhiều thách thức, Pháp muốn thúc đẩy trật tự đa cực ổn định dựa trên luật pháp và công ước quốc tế để bảo đảm chủ quyền và lợi ích chính đáng của các bên liên quan.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.