Trong nỗ lực “hãm phanh” lạm phát ở mức kỷ lục trong nhiều thập kỷ, các ngân hàng trung ương lớn ở những thị trường phát triển và mới nổi đang gia nhập cuộc đua tăng lãi suất. Dẫu có lo ngại về tác động đến hoạt động kinh tế nhưng động thái quyết liệt của các ngân hàng dường như phát đi tín hiệu khả quan ban đầu, mở rộng cánh cửa cho các thị trường mới nổi.
Theo hãng tin Reuters, các ngân hàng trung ương lớn ở các thị trường mới nổi và phát triển toàn cầu tăng lãi suất gần 1.200 điểm cơ bản chỉ trong tháng 7, trong đó Canada gây bất ngờ với cú tăng tốc mạnh nhất.
Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) là một trong số các ngân hàng trung ương châu Á nâng lãi suất để chống lạm phát gia tăng. TRONG ẢNH: Trụ sở của BOK ở Seoul (Hàn Quốc). Ảnh: AFP |
“Chiến dịch diều hâu” áp đảo
Các ngân hàng trung ương trong nhóm G10 (bao gồm các thành viên G7 cùng với Úc, Hàn Quốc và Ấn Độ) “chốt” 325 điểm cơ bản trong đợt tăng lãi suất vào tháng 7-2022, qua đó nâng tổng mức tăng kể từ đầu năm nay lên 1.100 điểm.
Đáng chú ý, Ngân hàng trung ương Canada (BoC) nổi lên như “diều hâu chính hiệu” với mức tăng lãi suất 100 điểm cơ bản đầu tiên trong số các nền kinh tế tiên tiến trong chu kỳ hiện tại, qua đó nâng lãi suất chủ chốt từ mức 1,5% lên 2,5%, đánh dấu đợt tăng mạnh nhất kể từ năm 1998. Động thái này đưa BoC vượt lên các ngân hàng trung ương khác (ở các nền kinh tế tương đồng) trên lộ trình áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt khi phải đối mặt với cú sốc lạm phát lớn nhất trong một thế hệ.
Và tất nhiên, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) cũng không nằm ngoài cuộc với mức tăng lãi suất 75 điểm cơ bản lần thứ hai liên tiếp nhằm kiềm chế lạm phát “phi mã” ở mức cao nhất trong 40 năm. FED cũng để ngỏ khả năng lãi suất sẽ tiếp tục có thêm một đợt tăng lớn bất thường khác vào tháng 9. Ngân hàng Dự trữ New Zealand cũng tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản lần thứ ba liên tiếp trong chu kỳ thắt chặt chính sách mạnh mẽ nhất trong hơn 20 năm qua.
Tương tự, New Zealand thực hiện đợt tăng lãi suất thứ sáu liên tiếp. Reuters dẫn lời ông Christian Kopf, người đứng đầu bộ phận thu nhập cố định tại công ty quản lý tài sản Union Investment nhận định: “Chính sách diều hâu của các ngân hàng trung ương đã đạt đến mức đỉnh. Song, họ sẽ không lạm dụng kế hoạch tăng lãi suất theo thông điệp của Chủ tịch FED Jerome Powell.
Trong khi đó, các ngân hàng trung ương ở thị trường mới nổi tăng lãi suất 5,265 điểm cơ bản từ đầu năm đến nay - gần gấp đôi so với 2,745 điểm cho cả năm 2021. Hungary tăng thêm 1%, nâng lãi suất lên 10,75%, mức hai chữ số đầu tiên kể từ cuối năm 2008 và sẽ có nhiều đợt tăng nữa sắp tới.
Ông David Hauner, trưởng nhóm chiến lược các thị trường mới nổi tại Bank of America Global Research cho biết: “Các ngân hàng trung ương của thị trường mới nổi vẫn lo lắng về lạm phát hơn là tăng trưởng”.
Châu Á dường như không thể đứng ngoài làn sóng tăng lãi suất khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khuyến cáo nhiều nước ở châu lục này nhanh chóng tăng lãi suất để đối phó với áp lực lạm phát. Hàn Quốc, Philippines, thậm chí Sri Lanka vốn đang rơi vào kinh tế suy thoái, cũng rục rịch tăng lãi suất.
Những tín hiệu khả quan ban đầu
Những phản ứng ban đầu cho thấy, các thị trường mới nổi tại châu Á vẫn giữ chân giới đầu tư khi họ đặt cược động thái tăng lãi suất của FED có thể kiểm soát lạm phát mà không gây ra cuộc tháo chạy của dòng vốn khỏi châu lục này như trong các chu kỳ trước đó. Thị trường tiền tệ, giá trái phiếu và cổ phiếu cho thấy nhà đầu tư có thể đã tạm ngừng thoái vốn vội vã ra khỏi khu vực.
Hàn Quốc - một trong những thị trường được xem là “hàn thử biểu” về triển vọng của các thị trường mới nổi - phát đi những tín hiệu khả quan. Tuần trước, đồng won (Hàn Quốc) bắt đầu tăng trở lại sau khi bị mất giá nghiêm trọng. Chiến lược gia Moh Siong Sim của Ngân hàng Bank of Singapore nhận định: “Trong 6-12 tháng tới đây, khi lạm phát dịu đi trên toàn cầu và Fed giãn tiến độ thắt chặt, đồng won sẽ hưởng lợi”.
Trong khi đó, các thị trường trái phiếu và cổ phiếu ở Seoul, Kuala Lumpur, Jakarta và Manila phản ứng tích cực với đợt tăng lãi suất của FED. Masafumi Yamamoto, chiến lược gia tiền tệ tại Mizuho Securities ở Tokyo, cho biết: “Thị trường chứng khoán đang lên của Mỹ và phát ngôn ít cứng rắn hơn của Chủ tịch FED đang hỗ trợ các đồng tiền châu Á và các loại tiền tệ của thị trường mới nổi khác phục hồi”.
Theo hãng AFP, ngày 2-8, Chủ tịch chi nhánh FED tại St Louis, ông James Bullard nhận định Mỹ và EU có thể tránh rơi vào suy thoái và “hạ cánh mềm” bằng cách đưa lạm phát xuống mức có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, để làm được điều đó đòi hỏi sự thay đổi trong chính sách tiền tệ, khi các ngân hàng trung ương tích cực tăng lãi suất để làm chậm tình trạng tăng lạm phát, phải được thực thi tốt. Theo trang weforum.com của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), các nước cần kiểm soát tốc độ tăng lãi suất, nếu tăng quá nhanh có thể khiến nền kinh tế đi vào bế tắc nhưng nếu quá chậm sẽ không kiềm chế được lạm phát.
THƯ LÊ