Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres tới thành phố Lviv (Ukraine) trong chuyến thăm lần thứ hai kể từ khi xung đột bùng nổ ở nước này, sau chuyến thăm lần đầu vào tháng 4-2022. Tại đây, ông có cuộc thảo luận trực tiếp với hai nhà lãnh đạo Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ về các vấn đề quan trọng, trong đó có xuất khẩu ngũ cốc.
(Từ trái qua) Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gặp mặt và thảo luận trực tiếp tại Lviv vào ngày 18-8. Ảnh: Kibrishaberajans |
Tìm kiếm giải pháp chính trị
Ba nhà lãnh đạo dự kiến họp báo chung sau cuộc gặp tại Lviv. Ông Guterres tới Lviv từ chiều 17-8 và dự kiến ngày 19-8 tới thăm cảng Odesa để thị sát việc nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine, theo thỏa thuận giữa Nga và Ukraine do LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian dàn xếp vào tháng 7-2022. Sau đó, ngày 20-8, ông Guterres sẽ tới Thổ Nhĩ Kỳ để thăm Trung tâm điều phối chung - đơn vị giám sát việc thực thi thỏa thuận ngũ cốc.
Theo ông Stephane Dujarric, Người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ, tại cuộc gặp, các nhà lãnh đạo tập trung thảo luận về thỏa thuận ngũ cốc cũng như việc “cần phải có một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột hiện nay”. Ông Stephane tin rằng, “vấn đề của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia” cũng sẽ là chủ đề được bàn thảo trong chương trình nghị sự.
Tháng trước, theo thỏa thuận ngũ cốc, 3 cảng trên Biển Đen được khai thông, giúp hàng trăm ngàn tấn ngũ cốc của Ukraine đến với các đối tác. Kiev hy vọng có thể sớm tăng lượng ngũ cốc xuất khẩu đường biển hằng tháng lên 3 triệu tấn để giải phóng hết lượng hàng tồn còn khoảng 18 triệu tấn từ năm ngoái, qua đó nhường chỗ chứa cho vụ thu hoạch năm nay.
Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, văn phòng Tổng thống Erdogan cho biết, nhà lãnh đạo này sẽ bàn về các giải pháp tăng cường xuất khẩu ngũ cốc, cũng như các bước đề xuất để có thể kết thúc xung đột Nga - Ukraine thông qua con đường ngoại giao.
Căng thẳng vì Zaporizhzhia
Cùng với xuất khẩu ngũ cốc thì tình hình căng thẳng tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia cũng là vấn đề được ba nhà lãnh đạo quan tâm. Trong những tuần gần đây, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu với công suất khoảng 6.000 MW này liên tục hứng chịu hỏa lực tấn công. Hiện Zaporizhzhia đang do phía Nga kiểm soát.
Trong tuần này, ông Guterres đã thảo luận với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu về các điều kiện cần thiết để vận hành an toàn nhà máy Zaporizhzhia. LHQ cho biết có thể tổ chức cho các thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) từ Kiev tới nhà máy Zaporizhzhia. Tuy nhiên Moscow cho rằng, bất cứ phái đoàn nào đi qua khu vực thủ đô Ukraine cũng đều rất nguy hiểm.
Theo hãng tin TASS, ngày 18-8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Ukraine Dmitry Kuleba có cuộc điện đàm thảo luận về những diễn biến liên quan tới nhà máy Zaporizhzhia cũng như hỗ trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine. Hãng Ukrinform ngày 17-8 dẫn lời Bộ trưởng Năng lượng Ukraine, ông Herman Galushchenko cho biết, nước này vừa thành lập trung tâm xử lý khủng hoảng để ứng phó với nguy cơ xảy ra tình trạng khẩn cấp tại nhà máy này.
Trước chuyến thăm của ông Guterres, trong ngày 18-8, theo hãng tin RIA (Nga), Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc Ukraine có ý đồ “khiêu khích” tại nhà máy điện hạt nhân trong ngày 19-8, thời điểm ông Guterres dự kiến có mặt tại đây. Bộ Quốc phòng Nga khẳng định, không có bất cứ loại vũ khí hạng nặng nào của Nga tại nhà máy này.
Trong khi đó, các nước Mỹ, Albania, Pháp, Ireland, Na Uy và Anh yêu cầu Hội đồng bảo an LHQ nhóm họp ngày 24-8 để thảo luận về tác động của xung đột tại Ukraine sau nửa năm. Tại một diễn biến đáng chú ý khác, ngày 17-8, RIA dẫn nguồn riêng cho biết Tư lệnh Hạm đội Biển Đen Igor Osipov đã được thay thế bởi ông Viktor Sokolov. Đây là một trong những thay đổi nhân sự quân đội lớn nhất của Nga từ khi mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Nga vẫn tiếp tục chuyển viện trợ nhân đạo cho người dân Ukraine. Ngày 17-8, có 6 hoạt động nhân đạo diễn ra tại các vùng lãnh thổ Luhansk và Donetsk, cũng như tại Zaporizhzhia, Kharkov và Kherson, với 466,7 tấn hàng viện trợ nhân đạo được chuyển tới cho người dân Ukraine.
Theo số liệu của LHQ, trong nửa đầu tháng 8, có 21 tàu chở hàng rời cảng theo thỏa thuận ngũ cốc đạt được trong tháng 7, vận chuyển hơn 563.000 tấn nông sản. Đáng chú ý, ngày 17-8, lô hàng cứu trợ lương thực đầu tiên của LHQ cho châu Phi kể từ khi xảy ra xung đột tại Ukraine đã tới eo biển Bosphorus (Thổ Nhĩ Kỳ) chở 23.000 tấn bột mì hướng về Ethiopia. |
LÂM PHONG