Thế giới vừa trải qua một tuần đầy sự kiện nổi bật, trong đó có vụ leo thang bạo lực tại Dải Gaza, các hình thái thời tiết trái ngược ở châu Âu và châu Á, cùng với vụ cháy kho chứa dầu gây thiệt hại nặng ở Cuba.
Khói bốc lên sau loạt không kích của Israel tại Gaza ngày 6-8. Ảnh: THX/TTXVN |
Tuần qua, xung đột đã bùng phát tại Dải Gaza, nơi ghi nhận trận “mưa rocket” giữa quân đội Israel và phong trào Islam Jihad (PIJ) của Palestine.
Kênh truyền hình CNN đưa tin ngày 5-8, Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đã mở chiến dịch tấn công phủ đầu mang tên "Hừng Đông" nhắm vào những mục tiêu của PIJ ở Gaza, làm một chỉ huy cấp cao thiệt mạng. Thủ tướng Israel Yair Lapid tuyên bố các cuộc không kích của nước này nhằm vào Dải Gaza là nhằm chống lại mối đe dọa trực tiếp từ PIJ khi nhóm này đang lên kế hoạch tấn công khủng bố. Ngay lập tức, nhóm PIJ đã đáp trả động thái trên của Israel.
Một nạn nhân bị thương sau loạt không kích của Israel được cấp cứu tại bệnh viện ở Đông Jerusalem. Ảnh: THX/TTXVN |
Báo cáo của IDF cho biết PIJ đã phóng 580 quả rocket vào lãnh thổ nước này trong 3 ngày nổ ra giao tranh, trong đó hệ thống phòng thủ Vòm Sắt đã đánh chặn được 97% số vụ.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Palestine ngày 6-8 đã lên án chiến dịch quân sự của Israel nhằm vào Dải Gaza. Theo giới chức Palestine, ít nhất 44 người dân ở nước này, trong đó có 15 trẻ em và một số chiến binh, đã thiệt mạng trong vụ tấn công từ phía bên kia Bờ Tây.
Cuộc xung đột kéo dài 56 giờ này là vụ leo thang nghiêm trọng nhất trong gần 15 tháng qua, sau khi các lực lượng Israel và phong trào Hồi giáo Hamas giao tranh trong 11 ngày liên tiếp hồi tháng 5-2021. Điểm khác biệt quan trọng lần này là Hamas không tham gia vào cuộc giao tranh.
Trước tình trạng bạo lực leo thang kể trên, Ai Cập đã đẩy mạnh liên lạc với Israel và các phe phái Palestine nhằm làm cầu nối trung gian giúp hai bên chấm dứt căng thẳng. Kết quả, ngày 7-8, Israel và Palestine đã đạt được đồng thuận về một thỏa thuận ngừng bắn mới, có hiệu lực từ 22h giờ địa phương (2h sáng 8-8 theo giờ Việt Nam).
Nhóm PIJ là một trong hai nhóm chiến binh chính của người Palestine ở Dải Gaza, có lực lượng ít hơn nhóm Hamas cầm quyền. Kể từ khi lên nắm quyền kiểm soát tại Dải Gaza vào năm 2007, Hamas đã tham gia 4 cuộc chiến với Israel, thường là với sự hỗ trợ của các chiến binh PIJ.
Theo tuyên bố do Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra ngày 8-8, Ngoại trưởng Antony Blinken đã hoan nghênh lệnh ngừng bắn mới nhất tại Gaza. "Thỏa thuận sẽ cho phép người dân Israel và Palestine được nghỉ ngơi, đồng thời nối lại hoạt động vận chuyển nhiên liệu cùng các nguồn cung cấp khác vào Gaza", tuyên bố nêu rõ.
Cùng ngày, ông Tor Wennesland, Điều phối viên đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) về tiến trình hòa bình Trung Đông cho biết LHQ đã duy trì liên hệ chặt chẽ với cả Israel và Palestine để củng cố lệnh ngừng bắn đã được thực hiện vào cuối tuần qua. Ông Wennesland cho rằng lệnh ngừng bắn là rất mong manh và kêu gọi đối thoại hướng tới giải pháp hai nhà nước nhằm chấm dứt chu kỳ bạo lực tại đây.
Lũ lụt ở châu Á, hạn hán ở châu Âu
Nhiều xe ô tô bị ngập nước sau trận mưa lớn tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 8-8. Ảnh: THX/TTXVN |
Thế giới đang trải qua những hình thái thời tiết vô cùng khắc nghiệt. Trong khi những cơn mưa như trút đang nhấn chìm nhiều thành phố ở Hàn Quốc và Triều Tiên, thì châu Âu lại phải hứng chịu những đợt nắng nóng gay gắt chưa từng có khiến các dòng sông khô cạn, mùa màng bị phá hủy.
Hãng thông tấn Yonhap đưa tin các trận mưa lớn kỷ lục trong lịch sử 80 năm xảy ra vào đầu tuần qua ở thủ đô Seoul và một số nơi khác ở miền Trung và Đông Hàn Quốc đã khiến ít nhất 16 người thiệt mạng và mất tích. Vụ việc gây chấn động nhất là một gia đình 3 người, trong đó có một người khuyết tật sống trong căn hộ tầng bán hầm ở quận Dongjak đã thiệt mạng vì bị ngập nước.
Một tuyến đường bị phá hủy sau trận mưa lớn tại Seoul. Ảnh: THX/TTXVN |
Nước mưa đã nhấn chìm vô số ô tô, làm ngập lụt nhà ở tại những vùng đất thấp, buộc hàng trăm người phải đi sơ tán. Mưa lớn kéo dài 3 ngày cũng khiến nhiều dịch vụ công cộng bị gián đoạn. Nhiều tuyến đường ở vùng đô thị Seoul bị ngập nước khiến một số dịch vụ tàu hỏa và tàu điện phải tạm ngừng hoạt động.
Tại quốc gia láng giềng Triều Tiên, những cơn mưa kéo dài ở Bờ Đông nước này đã khiến trên 1.100 ngôi nhà bị hư hại, hàng ngàn người phải tìm nơi trú ẩn an toàn. Những hình ảnh trên truyền thông địa phương cho thấy các trang trại, đường sá và cầu bắc qua sông bị nước lũ cuốn trôi.
Vụ thiên tai này đã làm dấy lên lo ngại rằng vụ mùa ở quốc gia Đông Á này sẽ chịu thiệt hại nặng nề, cũng như tác động đến nguồn cung thực phẩm trong nước, vốn đã trở nên hạn chế vì các lệnh cấm vận quốc tế và biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt để tránh lây lan COVID-19.
Con đường ven sông Taedong ở thủ đô Bình Nhưỡng bị nước lũ nhấn chìm. Ảnh: Yonhap |
Trái ngược hoàn toàn, người dân nhiều nước Tây Nam châu Âu đang phải vật vã với nhiệt độ cao kỷ lục trong nhiều tuần khi nắng nóng tấn công, gây cháy rừng ở nhiều nơi. Ngày 9-8, Cơ quan khí tượng Anh (Met Office) đã nâng cảnh báo về tình trạng nắng nóng cực đoan lên gần mức cao nhất tại nhiều khu vực thuộc xứ England và xứ Wales.
Đáng chú ý, không chỉ Anh, mà nhiều nước châu Âu khác cũng đối mặt với đợt nắng nóng nghiêm trọng trong vài tuần qua với nhiệt độ vượt trên 40 độ C. Thời tiết khô nóng bất thường đã gây ra cháy rừng ở Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp, Italy, Hy Lạp và nhiều nơi khác. Cháy rừng đã khiến hàng chục nghìn người trên khắp châu Âu buộc phải rời bỏ nhà cửa đi sơ tán. Riêng tại Tây Ban Nha, hơn 4.000 ha đất đã bị thiêu rụi.
Lòng hồ khô cạn do hạn hán tại Manchester, Anh. Ảnh: THX/TTXVN |
Nắng nóng và thiếu nước cũng khiến nhiều người ở châu Âu tử vong do sốc nhiệt. Thậm chí nhiệt độ tại Bồ Đào Nha lên tới 47 độ C trong đợt nắng nóng này. Theo các chuyên gia, hạn hán đang khiến nguy cơ sa mạc hóa tăng cao ở châu Âu, gây ảnh hưởng ngày càng rõ ở các quốc gia Địa Trung Hải, trước khi lan dần đến các quốc gia Bắc Âu. Hạn hán khiến nông dân Bỉ và Pháp trong ngành sản xuất sữa phải chứng kiến sản lượng giảm mạnh. Thiếu nước khiến nền nông nghiệp Tây Ban Nha suy yếu.
Những con sông lớn của châu Âu như Danube và Rhine đều đang cạn nước kỷ lục, đe dọa đến ngành vận tải đường thủy.
Trực thăng cứu hỏa phun nước dập đám cháy rừng tại Manteigas, Bồ Đào Nha ngày 10-8. Ảnh: AFP/TTXVN |
Cháy kho dầu ở Cuba
Hiện trường vụ cháy bể chứa dầu thô trong khu công nghiệp gần thành phố Matanzas của Cuba. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Vụ hỏa hoạn tối 5-8 tại kho chứa nhiên liệu bên Vịnh Matanzas đã bùng phát sau khi một bể chứa dầu thô dung tích 50.000 m3 bị sét đánh trúng. Khói từ vụ hỏa hoạn lan tới tận thủ đô La Habana, cách hiện trường khoảng 124km. Sáng 6-8, lửa lan sang bể chứa thứ 2 và gây ra hàng loạt vụ nổ lớn, khiến nhiều người mất tích và bị thương.
Bất chấp những nỗ lực phối hợp của nhiều lực lượng và sự hỗ trợ quốc tế, ngọn lửa tiếp tục lan rộng và tàn phá 4 trong số 8 bể chứa tại kho nhiên liệu nói trên, một trong những cơ sở hạ tầng chiến lược của đất nước.
Vụ hỏa hoạn tại khu công nghiệp Matanzas đến nay đã khiến 6 người thiệt mạng, 10 người mất tích và 132 người bị thương. Ngày 12-8, Chính phủ Cuba tuyên bố đã dập tắt vụ hỏa hoạn kinh hoàng trên. Đây là thảm họa công nghiệp kinh hoàng nhất trong lịch sử đảo quốc Caribe này.
Theo Báo Tin tức