Vì sao bế tắc chính trị ở Iraq kéo dài?

.

Iraq tiến hành bầu cử Quốc hội hồi tháng 10-2021, trong đó đảng của giáo sĩ Hồi giáo dòng Shi’ite Moqtada al-Sadr giành nhiều ghế nhất, với 73/329 ghế. Tuy nhiên, 2 nhóm theo dòng Shi’ite trong Quốc hội gồm liên minh do giáo sĩ Sadr đứng đầu và nhóm Coordination Framework (thân Iran) đều tuyên bố chiếm đa số trong Quốc hội và có quyền bổ nhiệm Thủ tướng.

Dù liên minh của giáo sĩ al-Sadr còn gồm các nghị sĩ theo dòng Sunni trong đảng của Chủ tịch Quốc hội al-Halbussi và đảng Dân chủ người Kurd (KDP). Song, con số 155 nghị sĩ vẫn thấp hơn mức đa số cần thiết trong Quốc hội.

Căng thẳng tiếp diễn giữa các chính đảng Shi’ite thời gian qua khiến Iraq cho đến nay vẫn rơi vào bế tắc chính trị do Quốc hội không bầu được Tổng thống mới với 2/3 số phiếu cần thiết theo Hiến pháp để lập chính phủ.

Một trong những nguyên nhân chủ yếu là giáo sĩ al-Sadr, người từng lãnh đạo phong trào dân quân chống Mỹ và có vai trò then chốt trong tiến trình chính trị của Iraq đã phản đối Coordination Framework khi nhóm này đề cử ông Mohammed al-Sudani làm tân Thủ tướng thay thế ông Mustafa al-Kadhimi. Giáo sĩ al-Sadr kêu gọi “tiến trình cách mạng và hòa bình, sau đó giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử dân chủ sớm” và sửa đổi Hiến pháp, sau khi ra lệnh các nghị sĩ thuộc phe cánh của mình rời khỏi Quốc hội hồi tháng 6-2022.

Đỉnh điểm cho sự phản ứng này là vào ngày 30-7, những người ủng hộ giáo sĩ al-Sadr biểu tình ngồi trước tòa nhà Quốc hội, sau đó xông vào chiếm toàn bộ trụ sở, gây nên hỗn loạn. Lực lượng an ninh phải sử dụng hơi cay và “bom âm thanh” để giải tán dòng người biểu tình, khiến hàng trăm người bị thương. Tuy nhiên, những người biểu tình chỉ rời tòa nhà Quốc hội để về nhà sau khi giáo sĩ al-Sadr yêu cầu họ làm điều đó trên Twitter và nhấn mạnh rằng, thông điệp của họ đã được ghi nhận?!

Phản hồi về đòi hỏi của giáo sĩ al-Sadr, hệ thống tư pháp Iraq cho rằng “Hội đồng Tư pháp Tối cao không có thẩm quyền giải tán Quốc hội”, viện dẫn “nguyên tắc phân quyền”. Theo Hiến pháp Iraq, Quốc hội chỉ có thể bị giải tán thông qua đa số phiếu của các nghị sĩ theo yêu cầu của 1/3 nghị sĩ hoặc của Thủ tướng và được Tổng thống phê chuẩn.

Trước những diễn biến phức tạp, ngày 3-8, Phái bộ Liên Hợp Quốc (LHQ) hỗ trợ Iraq (UNAMI) kêu gọi giới lãnh đạo nước này nên đặt lợi ích quốc gia lên trên hết và chấm dứt bế tắc chính trị vốn kéo dài khiến tình hình đất nước ngày càng căng thẳng.

Ngày 17-8, các nhà lãnh đạo chủ chốt của Iraq cùng lãnh đạo các lực lượng chính trị, ngoại trừ giáo sĩ al-Sadr, tiến hành đàm phán và nhất trí hợp tác về lộ trình chấm dứt bế tắc chính trị sau các cuộc đối thoại do Thủ tướng Mustafa al-Kadhemi kêu gọi.

Theo đó, các bên nhất trí về một số điểm, trong đó có cam kết tìm kiếm giải pháp thông qua tiếp tục đối thoại “nhằm xây dựng lộ trình hợp hiến và hợp pháp để giải quyết khủng hoảng hiện nay”. Các bên tham gia cũng kêu gọi chấm dứt tất cả hình thức leo thang căng thẳng chính trị, hối thúc những người ủng hộ giáo sĩ al-Sadr tham gia đối thoại. Các bên cũng không loại trừ khả năng tiến hành bầu cử sớm.

Diễn biến trên cho thấy, thể chế nhà nước ở Iraq đã suy yếu nghiêm trọng do nhiều thập kỷ chìm trong chiến tranh, nhất là khi Mỹ và các đồng minh lật đổ chính quyền Saddam Husein vào năm 2003, tạo ra khoảng trống quyền lực rất lớn để các tổ chức khủng bố hoành hành trong nhiều năm, đe dọa an ninh đất nước và nạn tham nhũng tràn lan.

Thực trạng này dẫn đến nghịch lý: Dù có trữ lượng dầu và khí đốt khổng lồ nhưng Iraq vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu năng lượng. Một phần ba trong số 41 triệu dân Iraq đang sống trong cảnh nghèo đói. Trong hoàn cảnh như vậy, bế tắc chính trị tại Baghdad sẽ còn kéo dài vì mâu thuẫn giữa các phe phái khó có thể được giải quyết một sớm một chiều. Điều này có nghĩa là bất kỳ chính phủ mới nào nếu được thành lập cũng phải đối mặt với vô số thách thức. 

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.