Bà Liz Truss trở thành Tân Thủ tướng Anh: Chặng đường gian nan còn ở phía trước

.

Ngày 5-9, đảng Bảo thủ của Anh bầu nữ Ngoại trưởng Liz Truss làm lãnh đạo mới của đảng này, qua đó mở đường để bà thay ông Boris Johnson trở thành Thủ tướng tiếp theo của “xứ sở sương mù”. Bà Truss lên nắm quyền vào thời điểm đất nước đối mặt với hàng loạt thách thức cam go, trong đó có khủng hoảng giá cả sinh hoạt, nền công nghiệp bất ổn và suy thoái kinh tế, qua đó cho thấy chặng đường phía trước mà bà phải đi không hề được trải hoa hồng.

Bà Liz Truss giành chiến thắng cuộc đua giành vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ và Thủ tướng tiếp theo của nước Anh. Ảnh: Getty Images
Bà Liz Truss giành chiến thắng cuộc đua giành vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ và Thủ tướng tiếp theo của nước Anh. Ảnh: Getty Images

Washington Post dẫn kết quả bỏ phiếu bầu lãnh đạo đảng Bảo thủ do Chủ tịch Ủy ban 1922 Sir Graham Brady công bố cho biết, bà Truss giành được hơn 81.000 phiếu ủng hộ. Chiến thắng không nằm ngoài dự đoán đưa bà Truss trở thành Thủ tướng thứ 3 của Anh trong 6 năm và là nhà lãnh đạo thứ 4 của đảng Bảo thủ dẫn dắt đất nước kể từ cuộc bầu cử năm 2015, qua đó tiếp tục chủ trương cứng rắn trong đường lối lãnh đạo. Trước đó, tháng 7-2022, ông Johnson tuyên bố từ chức sau hàng loạt bê bối.
Thực thi các cam kết táo bạo

Theo hãng tin Reuters, ông Johnson có bài phát biểu chia tay và đệ đơn từ chức lên Nữ hoàng Elizaberth II vào ngày 6-9. Cùng ngày, Nữ hoàng chính thức bổ nhiệm bà Truss vào vị trí Thủ tướng Anh tại buổi lễ ở điền trang Balmoral (Scotland). Sau đó, bà Truss trở lại London để thực hiện bài phát biểu bên ngoài phố Downing vào chiều cùng ngày. Tân Thủ tướng sẽ bổ nhiệm nội các và các bộ trưởng mới sẽ nhóm họp vào ngày 7-9.

Trước đó, bà Truss tiết lộ hàng loạt kế hoạch táo bạo để chèo lái đất nước vượt qua giai đoạn thử thách hiện nay. Bà Truss cho biết, nhiệm vụ ưu tiên của chính phủ sẽ là phục hồi cỗ máy kinh tế vốn đang ở tình thế khó khăn, trong đó kích hoạt biện pháp hỗ trợ các khu vực ở phía Bắc vùng England. Đáng chú ý, bà Truss sẽ tận dụng triệt để thời gian để giải quyết nhanh chóng khủng hoảng chi phí sinh hoạt; đồng thời cam kết trong vòng một tuần sẽ trình kế hoạch giải quyết tình trạng các hóa đơn năng lượng ở mức kỷ lục và bảo đảm nguồn cung nhiên liệu bền vững trong tương lai.

Trong chiến dịch tranh cử, bà Truss báo hiệu các chính sách mới mẻ, trong đó có chủ trương loại bỏ việc tăng thuế và cắt giảm các loại thuế khác trong khi một số chuyên gia kinh tế lo ngại quyết định táo bạo này chẳng khác nào đòn bẩy cho lạm phát leo thang. Song, chính sách cắt giảm thuế có thể sẽ là cứu cánh cho hàng loạt doanh nghiệp bên bờ vực phá sản khi họ có thể được hưởng lợi nhờ hàng tỷ bảng Anh. Bên cạnh cam kết xem xét chuyển nhượng của Ngân hàng trung ương Anh, quyết định cắt giảm thuế cũng khiến một số nhà đầu tư bán phá giá đồng bảng Anh và trái phiếu chính phủ. Viện Nghiên cứu tài khóa nghi ngờ khả năng tân Thủ tướng thực hiện các đợt cắt giảm thuế ở quy mô lớn.

Các đề xuất chính sách dài hạn của bà Truss - nhằm giữ thuế suất doanh nghiệp ở mức 19%, đảo ngược chiều hướng gia tăng bảo hiểm quốc gia, giảm thuế gia đình và tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 2,5% GDP - sẽ tiêu tốn hơn 30 tỷ bảng Anh. Theo Sky News, bà Truss sẽ “bật đèn xanh” cho kế hoạch “rót” 157 tỷ bảng Anh để tăng chi tiêu quốc phòng của Anh lên 3% GDP vào năm 2030, vượt xa mức 2% được yêu cầu bởi NATO.

Thách thức lớn đang chờ đợi

Bà Truss phải gánh trên vai trọng trách nặng nề khi phải giải quyết các vấn đề cần nhiều kinh phí thực hiện mà các nhà lập pháp đối lập chỉ trích chúng là hệ quả của “12 năm cầm quyền kém hiệu quả” của đảng Bảo thủ. Reuters dẫn lời nghị sĩ kỳ cựu của đảng Bảo thủ David Davis mô tả thời kỳ mà nước đang trải qua có lẽ là chặng đường gian nan thứ hai thời hậu chiến, sau thời kỳ lãnh đạo của cựu Thủ tướng Margaret Thatcher vào năm 1979.

Nước Anh liên tục rơi vào các cuộc khủng hoảng và hiện phải đối mặt nguy cơ suy thoái kéo dài vào cuối năm nay khi lạm phát tăng vọt lên 10,1% vào tháng 7-2022. Ngân hàng trung ương Anh cho biết, tỷ lệ vay nợ hằng năm bằng thẻ tín dụng vào tháng 7 tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất trong 17 năm. Có tới 1,7 triệu hộ gia đình không thể thanh toán hóa đơn điện, khí đốt sau đợt tăng tiếp theo vào tháng 10-2022, dự kiến ở mức 80%. Bên cạnh đó, hàng loạt các cuộc đình công quy mô lớn liên tiếp diễn ra trên nhiều lĩnh vực nhằm phản đối chính phủ giảm tiền lương để ngăn chặn vòng xoáy lạm phát chắc hẳn vẫn là “cơn đau đầu” đối với chính phủ trong thời gian tới.

Bên cạnh nỗ lực hàn gắn những chia rẽ ngay trong nội bộ đảng Bảo thủ, tân Thủ tướng Anh sẽ “thừa hưởng” 2 thách thức về chính sách đối ngoại: liên quan xung đột ở Ukraine và mối quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) ngày càng xấu đi do những dùng dằng trong việc thực thi các thỏa thuận thương mại hậu Brexit liên quan Bắc Ireland. Theo giới quan sát, trên cương vị mới, bà Truss sẽ tiếp tục theo đuổi “quan điểm diều hâu”, xây dựng hình ảnh “nước Anh toàn cầu”, nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế và củng cố vai trò dẫn dắt của đảng Bảo thủ.

Bà Mary Elizabeth Truss, sinh ngày 26-7-1975, giữ cương vị  Ngoại trưởng Anh từ năm 2021. Bà là Hạ nghị sĩ đại diện cho khu vực Norfolk từ 2010. Nữ chính khách này từng đảm nhiệm nhiều vị trí trong các thời nội các của các Thủ tướng David Cameron, Theresa May và Boris Johnson. Bà Truss cũng là nữ Bộ trưởng Tư pháp đầu tiên của nước Anh.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.