Trong hai ngày 28 và 29-9 (giờ Mỹ), tại Washington D.C, Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa nước này và các quốc đảo Thái Bình Dương. Sự kiện quan trọng này là minh chứng cho cam kết mạnh mẽ của Washington về nâng tầm quan hệ đối tác bền vững và sâu sắc với các nước này.
Các lãnh đạo tham dự Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương ở Fiji tháng 7-2022 sẽ dự hội nghị thượng đỉnh tại Washington D.C ngày 28 và 29-9. Ảnh: Xinghua |
Hội nghị thượng đỉnh là bước đi mới nhất trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Nhà Trắng, trong đó Mỹ tuyên bố sẽ “tìm cách trở thành đối tác không thể thiếu đối với các nước ở Thái Bình Dương”- khu vực vốn được xem là ưu tiên đối ngoại số một của Washington.
Chương trình nghị sự đa dạng
Theo Reuters, hội nghị thượng đỉnh lần này phát tín hiệu về sự trở lại mạnh mẽ nhất từ trước đến nay của Washington tại Thái Bình Dương. Chương trình nghị sự tập trung các vấn đề kinh tế-thương mại; sáng kiến hợp tác mới; biến đổi khí hậu; các sự kiện ở Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và Bộ An ninh Nội địa Mỹ.
Nhà Trắng cho biết, tại hội nghị lần này, chính phủ Mỹ sẽ công bố chiến lược quốc gia đầu tiên của nước này đối với các quốc đảo Thái Bình Dương trong khuôn khổ Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng lớn hơn. Theo đó, Washington cam kết thúc đẩy “hợp tác rộng mở và sâu sắc hơn” trong các vấn đề chính như biến đổi khí hậu, ứng phó với Covid-19, phục hồi kinh tế, an ninh hàng hải, bảo vệ môi trường và thúc đẩy một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương “tự do và cởi mở”.
Tổng thống Biden hy vọng, các nước Thái Bình Dương sẽ thông qua tuyên bố chung của hội nghị về hợp tác bền vững trong bối cảnh khủng hoảng khí hậu và môi trường địa chính trị phức tạp. Theo dự thảo tuyên bố, Mỹ sẽ hỗ trợ tài chính cho các quốc đảo trong khu vực. Bà Anna Powles, chuyên gia an ninh Thái Bình Dương tại Đại học Massey (New Zealand) nhận định, mục tiêu cốt lõi của chính quyền Biden là bảo đảm “quan hệ chiến lược tầm khu vực giữa Washington và các nước Thái Bình Dương dựa trên lợi ích chung”.
Bên cạnh đó, hội nghị hứa hẹn tạo cơ hội cho các đồng minh của Mỹ tại khu vực - Úc và New Zealand - tăng cường quan hệ với các nước Thái Bình Dương; đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của nhóm Bộ Tứ kim cương (QUAD - gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc) đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Thách thức không nhỏ đối với Washington
Các nước Thái Bình Dương vốn không nhận được sự quan tâm xứng đáng từ Mỹ và đồng minh trong quá khứ. Do đó, hội nghị lần này là sự xác nhận của chính phủ Mỹ về tầm quan trọng và nhu cầu nâng cấp quan hệ với các nước ở khu vực đang trở thành tâm điểm cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ cùng các đồng minh.
Trong khi đó, theo Viện Hòa bình Mỹ (USIP), các quốc đảo Thái Bình Dương kỳ vọng Mỹ thực thi cam kết nhất quán giúp khu vực này thu hút ủng hộ ngoại giao và viện trợ tài chính thông qua các biện pháp thiết thực đối với các vấn đề ưu tiên hàng đầu như biến đổi khí hậu và tác động của Covid-19...; đồng thời tăng sự hiện diện thường xuyên hơn ở khu vực thông qua mở các đại sứ quán mới tại các quốc đảo, đưa tổ chức Hòa bình Mỹ trở lại khu vực và tăng ngân sách cho nghề cá. Đáng chú ý, Washington cần tăng cường can dự vì lợi ích của chính các quốc đảo này, chứ không chỉ để tạo đối trọng với tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực.
Thực tế, Bắc Kinh đã đi trước một bước trước với các khoản viện trợ phát triển và kinh tế khổng lồ cho các nước ở khu vực này hàng chục năm qua. Theo điều phối viên khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Nhà Trắng Kurt Campbell, dù Washington phải đối mặt một số thách thức ở Trung Đông và các vấn đề cấp bách ở châu Âu nhưng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ trở thành khu vực quan trọng nhất, lâu dài nhất với những thách thức và cơ hội chiến lược.
Theo The Guardian, hội nghị lần này đối mặt với sự khởi đầu khó khăn khi lãnh đạo một số nước Thái Bình Dương từ chối lời đề nghị của Washington. Một công hàm bị rò rỉ của Đại sứ quán Quần đảo Solomon ở New York gửi tới Ban thư ký Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương cho biết, nước này sẽ không tán thành dự thảo tuyên bố chung tại hội nghị.
Ngoài ra, các đại sứ Palau, Liên bang Marshall và Quần đảo Marshall cũng thể hiện sự do dự trước dự thảo tuyên bố khi cho rằng những hỗ trợ của Washington dành cho khu vực Thái Bình Dương hiện không phù hợp với những đóng góp của các quốc đảo đối với an ninh và ổn định của khu vực vốn cũng hỗ trợ lợi ích của Mỹ tại đây. Trước đó, Mỹ đã công bố khoản ngân sách mới trị giá 600 triệu USD nhằm hỗ trợ khu vực này, cùng kế hoạch mở các đại sứ quán Mỹ tại Tonga và Kiribati.
THƯ LÊ