Nguy cơ suy thoái toàn cầu trước cuộc đua tăng lãi suất

.

Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo, một khi các ngân hàng trung ương toàn cầu đồng loạt tăng lãi suất để “hãm phanh” lạm phát, thế giới có thể tiến tới cuộc suy thoái vào năm 2023 cùng một loạt khủng hoảng tài chính ở thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển với hệ lụy lâu dài.

WB kêu gọi các nước cải thiện nguồn cung hàng hóa để “hãm phanh” lạm phát. TRONG ẢNH: Container hàng hóa tại Cảng Los Angeles (Mỹ). Ảnh: Port of LA
WB kêu gọi các nước cải thiện nguồn cung hàng hóa để “hãm phanh” lạm phát. TRONG ẢNH: Container hàng hóa tại Cảng Los Angeles (Mỹ). Ảnh: Port of LA

Các ngân hàng trung ương chủ chốt đang duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng chi phí cho vay để làm giảm nhu cầu và kiềm chế lạm phát vốn đang ở mức kỷ lục trong nhiều thập niên.

GDP toàn cầu sẽ giảm?

Theo nghiên cứu mới nhất của WB được công bố ngày 15-9, các ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất trong năm nay với mức độ đồng bộ chưa từng thấy trong vòng 5 thập niên và xu hướng này có khả năng tiếp tục được duy trì trong năm tới. Tiếp bước Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định tăng lãi suất ở mức cao kỷ lục: 75 điểm cơ bản trong một lần tăng, đối với cả ba loại lãi suất chính - mức tăng chưa từng có kể từ khi đồng euro chính thức được đưa vào lưu hành. Trong khi đó, FED cũng để ngỏ khả năng về các đợt nâng lãi suất kế tiếp trong những ngày tới. 

Theo WB, quỹ đạo thắt chặt tiền tệ dường như vẫn chưa đủ để đưa lạm phát toàn cầu trở lại mức như thời kỳ trước khi Covid-19 bùng phát. Giới đầu tư đặt cược ngân hàng trung ương các nước sẽ nâng lãi suất tham chiếu lên gần 4% năm 2023, gấp đôi mức trung bình năm 2021, để ghìm lạm phát cơ bản (không tính các mặt hàng có giá cả dễ biến động như năng lượng và thực phẩm) ở 5%. Lãi suất có thể lên tới 6% nếu các ngân hàng muốn kiềm chế lạm phát trong mục tiêu. Trong kịch bản này, tăng trưởng GDP toàn cầu có thể giảm xuống 0,5% vào năm 2023 - tức giảm 0,4% tăng trưởng tính theo đầu người, đồng nghĩa với suy thoái toàn cầu.

Ngoài nguy cơ giảm GDP bình quân, suy thoái còn kích hoạt sự sụt giảm mạnh về sản xuất công nghiệp, thương mại, dòng vốn, tỷ lệ việc làm và mức tiêu thụ dầu toàn cầu, qua đó khiến đà phục hồi kinh tế giảm mạnh rồi mới quay về mức tiền Covid-19.

WB cũng công bố một số chỉ báo lịch sử về suy thoái toàn cầu. Theo đó, nền kinh tế toàn cầu hiện tăng trưởng chậm nhất sau giai đoạn phục hồi hậu suy thoái kể từ năm 1970. Niềm tin của người tiêu dùng sụt giảm mạnh hơn nhiều so với thời kỳ suy thoái trước đó. Các nền kinh tế lớn nhất, gồm Mỹ và các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), đã giảm tốc đáng kể. Trong hoàn cảnh đó, ngay cả một tác động ở mức vừa phải cũng đẩy kinh tế toàn cầu vào suy thoái trong năm tới. Hãng tin Reuters dẫn lời Chủ tịch WB David Malpass nêu rõ: “Tăng trưởng toàn cầu đang giảm mạnh và có thể giảm hơn nữa do nhiều nước rơi vào suy thoái. Xu hướng này sẽ tiếp tục và gây hậu quả lâu dài, ảnh hưởng đến người dân ở các nền kinh tế mới nổi và phát triển”.

Cần chính sách tiền tệ linh hoạt

Giới phân tích từng cảnh báo, động thái nâng lãi suất chẳng khác gì “con dao hai lưỡi” bởi có thể khiến tăng trưởng kinh tế suy giảm khi giới đầu tư tỏ ra thận trọng với các kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Trước nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng hiện hữu, WB khuyến nghị các ngân hàng trung ương tiếp tục kiểm soát lãi suất mà không gây ra suy thoái toàn cầu. Theo đó, để đạt tỷ lệ lạm phát thấp, ổn định tiền tệ và thúc đẩy tăng trưởng nhanh hơn, các nhà hoạch định chính sách có thể chuyển trọng tâm từ giảm tiêu dùng sang thúc đẩy sản xuất nhằm tăng nguồn cung để nới lỏng những hạn chế khiến giá cả leo thang. Bên cạnh đó, các chính sách nên tìm cách tạo ra đầu tư bổ sung, cải thiện năng suất và phân bổ vốn - những yếu tố quan trọng đối với tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo.

Báo The Guardian dẫn lời ông Ayhan Kose, quyền Phó Chủ tịch về Tăng trưởng Công bằng, Tài chính và Thể chế của WB cho biết, việc thắt chặt các chính sách tài chính và tiền tệ gần đây có thể hữu ích trong giảm lạm phát. Tuy nhiên, động thái này được thực thi đồng loạt tại nhiều nước, vô hình trung gây ra hậu quả lan truyền của chính sách thắt chặt tài chính, qua đó dẫn đến sự suy giảm tăng trưởng toàn cầu. Do vậy, các nhà hoạch định chính sách ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển cần sẵn sàng quản lý các tác động lan tỏa tiềm tàng từ việc thắt chặt đồng bộ các chính sách toàn cầu. Đặc biệt, các nước mới nổi cần củng cố chính sách vĩ mô thận trọng và gây dựng dự trữ ngoại hối. Các nhà hoạch định cũng nên phát triển các kế hoạch tài khóa trung hạn đáng tin cậy và tiếp tục hỗ trợ có mục tiêu cho các hộ gia đình dễ bị tổn thương.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.