Tín hiệu khả quan ban đầu từ IPEF

.

Với chương trình nghị sự tích cực, cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của các bộ trưởng 14 nước tham gia Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF) do Mỹ dẫn dắt đã đạt những kết quả ấn tượng. Các bên đã tìm tiếng nói chung trong việc khởi động đàm phán chính thức về trật tự kinh tế dựa trên các quy tắc tại khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh này.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo phát biểu tại hội nghị bộ trưởng các nước tham gia đàm phán IPEF ở Los Angeles vào ngày 8-9.Ảnh : AFP
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo phát biểu tại hội nghị bộ trưởng các nước tham gia đàm phán IPEF ở Los Angeles vào ngày 8-9. Ảnh : AFP

Diễn ra tại Los Angeles (Mỹ) từ ngày 8 đến 9-9 (giờ địa phương), đàm phán trong khuôn khổ IPEF tập trung vào 4 trụ cột chính: thương mại tự do, khả năng chống chịu của chuỗi cung ứng, năng lượng sạch thông qua giảm phát thải carbon và cơ sở hạ tầng, vấn đề thuế quan và chống tham nhũng. Tuyên bố chung cho biết, 13 nước tham gia thảo luận về tất cả trụ cột trong khi Ấn Độ không tham gia thảo luận về trụ cột thương mại.

Đồng thuận về các nội dung quan trọng 

Theo hãng tin Reuters, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết, các bộ trưởng tham gia các cuộc thảo luận chuyên sâu, tích cực, mang tính xây dựng và công bố cột mốc quan trọng trong việc theo đuổi một khuôn khổ kinh tế tiêu chuẩn cao và mang tính bao trùm. Sau hai ngày nhóm họp, hội nghị đưa ra tuyên bố chung; trong đó nhấn mạnh các bên sẽ tìm những cách tiếp cận mới và sáng tạo đối với các chính sách thương mại và công nghiệp giúp thực hiện một loạt mục tiêu kinh tế, tạo động lực cho các hoạt động kinh tế và khởi động các dự án đầu tư tiềm năng.

Bà Raimondo nhận định, đây là kết quả ấn tượng, phản ánh sự đồng thuận và cam kết của các bên tham gia; đồng thời cho biết hội nghị đánh dấu giai đoạn quan trọng tiếp theo của IPEF từ việc xác định tầm nhìn tham vọng sang lập biểu đồ công việc cụ thể để hoàn thiện khuôn khổ và xác định những lợi ích cụ thể, hữu hình đối với các nước tham gia.

Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yasutoshi Nishimura nói rõ, các nước tham gia đàm phán mong muốn thúc đẩy các sáng kiến tập trung vào an ninh kinh tế, bao gồm cả năng lượng. Bên cạnh đó, các bên cũng nhất trí về việc tăng cường các chuỗi cung ứng khu vực, đặc biệt đối với thị trường chất bán dẫn và các vật liệu quan trọng chiến lược khác. Theo đó, các thành viên cùng chia sẻ nhận thức về tầm quan trọng trong bảo đảm tính bền vững của các chuỗi cung ứng sau những xáo trộn liên quan đợt bùng phát Covid-19 và xung đột Nga-Ukraine bằng cách phối hợp hành động để giảm thiểu và ngăn chặn sự gián đoạn, duy trì tính ổn định của các ngành quan trọng và sản phẩm chủ chốt.

Tiềm năng và thách thức

Theo Hindustan Times, đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai khẳng định: “IPEF sẽ mở ra giá trị kinh tế to lớn cho Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và là hình mẫu cho khu vực còn lại trên thế giới noi theo”. Theo đó, IPEF sẽ giải quyết các vấn đề mà các hiệp định thương mại tự do truyền thống không thể làm được. Washington mô tả khuôn khổ này là “chương trình nghị sự kinh tế độc đáo và tích cực, giúp thúc đẩy tăng trưởng bao trùm trong dài hạn”, và không mang ý định buộc các nước phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc. 

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về tương lai của khuôn khổ kinh tế mới này. Các chuyên gia lo ngại, trụ cột thương mại trong IPEF đang gặp nhiều thách thức vì nó đặt ra kỳ vọng cao với yêu cầu nghiêm ngặt về một loạt các vấn đề, gồm kỹ thuật số, môi trường và lao động, mà không cung cấp bất kỳ khả năng tiếp cận thị trường nào. Điều này vô hình trung khiến khuôn khổ này sẽ thiếu tính chặt chẽ. Bên cạnh đó, việc Ấn Độ-nền kinh tế lớn trong khu vực-không tham gia thảo luận về trụ cột thương mại cũng là vấn đề đáng lo ngại. Business Standards dẫn lời Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Piyush Goyal cho hay: “Chúng tôi sẽ chờ những cam kết ràng buộc rõ ràng trong trụ cột thương mại được đưa ra tại các cuộc bàn thảo sắp tới và chúng tôi sẽ hành động tương ứng dựa trên lợi ích quốc gia”.

Tuy nhiên, quan chức Mỹ tuyên bố, IPEF sẽ giải quyết tốt các vấn đề về các chuỗi cung ứng, năng lượng sạch, thương mại kỹ thuật số vốn là những rào cản lớn trong thời đại này; đồng thời ứng phó hiệu quả rất nhiều hàng rào phi thuế quan. Theo Japan Times, hội nghị bộ trưởng các nước tham gia đàm phán IPEF lần thứ 2 sẽ diễn ra vào đầu năm 2023. Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho biết, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden mong đợi cuộc đàm phán liên quan đến từng trụ cột sẽ kết thúc sau 1 năm hoặc tối đa 18 tháng. Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) dự kiến ​​diễn ra tháng 11-2023 được xem là thời hạn không chính thức để hoàn tất các thỏa thuận IPEF.

IPEF là trung tâm của Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được khởi xướng bởi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden. IPEF chiếm khoảng 40% GDP thế giới và 28% thương mại hàng hóa và dịch vụ toàn cầu. Khuôn khổ này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy khả năng phục hồi, tính bền vững và bao trùm, tăng trưởng kinh tế, công bằng và khả năng cạnh tranh cho các nền kinh tế trong khu vực.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.