Ngày 26-9, bà Giorgia Meloni, lãnh đạo đảng Anh em nước Ý (FdI) tuyên bố chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử, qua đó mở đường để bà trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của nước này sau khi ông Mario Draghi từ chức.
Bà Giorgia Meloni phát biểu tại cuộc vận động cho đảng FdI ở Milan (Ý) ngày 11-9. Ảnh: Euronews |
Theo ANSA, liên minh trung hữu, gồm đảng FdI của bà Meloni (45 tuổi), đảng Liên đoàn của ông Matteo Salvini và Forza Italia (FI) của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi, có nhiều khả năng giành chiến thắng. Chiều 26-9, Reuters dẫn kết quả tại hơn 97% điểm bỏ phiếu cho thấy, liên minh trung hữu giành được khoảng hơn 43% số phiếu bầu, tiếp theo là Đảng Dân chủ thuộc liên minh trung tả với 19%. Kết quả mới nhất cho thấy, liên minh trung hữu chiếm đa số ghế ở cả Thượng viện và Hạ viện, qua đó nhiều khả năng mang đến cơ hội ổn định chính trị hiếm có sau nhiều năm biến động và liên minh mong manh ở Ý. Đây sẽ là chính phủ cánh hữu nhất của nước này kể từ Thế chiến 2.
Thay đổi lớn về đường lối lãnh đạo?
Thắng lợi của liên minh trung hữu do đảng FdI dẫn dắt không gây bất ngờ bởi liên minh này duy trì vị trí dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận trước thềm bầu cử. Reuters dẫn lời bà Meloni nói rằng, bà hiểu trọng trách nặng nề đặt lên vai mình trong chặng đường sắp tới; đồng thời cam kết chính phủ mới sẽ tuyệt đối trung thành với đất nước. Bà Meloni nói: “Chúng ta đang ở điểm xuất phát. Từ ngày mai, chúng ta phải thể hiện giá trị của mình. Người Ý chọn chúng ta, và chúng ta sẽ không phản bội điều đó. Chúng ta sẽ làm việc với mục đích đoàn kết đất nước”.
Chương trình hành động của liên minh trung hữu vạch rõ đường lối dân tộc chủ nghĩa mạnh hơn, bảo hộ mạnh hơn trước sự can thiệp từ Ủy ban châu Âu (EC), theo đuổi các chính sách dân tộc chủ nghĩa, bảo vệ các giá trị gia đình truyền thống, chống nhập cư, chống xu hướng đồng tính, chống các trào lưu văn hóa bị xem là đe dọa đến nền tảng của nền văn minh thiên chúa giáo phương Tây. Đây sẽ là các thay đổi rất lớn tại một trong những nước là thành viên sáng lập Liên minh châu Âu (EU). Đáng chú ý, các chính sách của bà Meloni pha trộn nền chính trị mang bản sắc của lòng yêu nước với các chính sách kinh tế thân thiện với doanh nghiệp có chủ đích với hy vọng mang lại sức sống mới cho nền kinh tế Ý.
Xét về lập trường đối với EU, nữ chính trị gia từng kêu gọi khối này phát triển chính sách quốc phòng hiệu quả hơn, đầu tư vào an ninh năng lượng và duy trì chuỗi giá trị ngắn về khí đốt, nguyên liệu thô, hàng hóa, chip và các hàng hóa khác để tránh phụ thuộc vào các nước thứ ba vốn không đáng tin cậy. Bà Meloni cũng lạc quan rằng bà có thể giúp Ý khôi phục vai trò chính đáng trên chính trường châu Âu.
EU lo ngại
Trong số các nền kinh tế lớn tại châu Âu, Ý thường đối mặt với nhiều diễn biến chính trị khó lường khi nước này sắp có Thủ tướng thứ 4 chỉ trong vòng 4 năm. Theo Reuters, việc liên minh trung hữu giành chiến thắng trong cuộc đua này khiến EU thật sự bất an. Trái ngược với ông Draghi, người ủng hộ tuyệt đối EU, bà Meloni lại có một số quan điểm đối lập với khối này. Theo đó, Ý sẽ thực thi các chính sách cứng rắn nhất để chấm dứt làn sóng người tị nạn đổ về nước này, qua đó, đi ngược lại quan điểm của EU về phân bổ hạn ngạch tị nạn công bằng giữa các nước thành viên.
Bên cạnh đó, bà Meloni từng tuyên bố muốn xóa bỏ hoàn toàn các quy định vàng của EU về kỷ luật ngân sách như việc không thâm hụt ngân sách hằng năm quá 3% GDP hay nợ công không quá 60%. Đáng chú ý, bà Meloni có nhiều tư tưởng tương đồng với Thủ tướng Hungary Viktor Orban, người gần đây lên tiếng phản đối các chính sách của EU, trong đó có lệnh trừng phạt Nga. Ở châu Âu, những người đầu tiên ca ngợi chiến thắng của bà Meloni là thành viên các đảng đối lập cực hữu ở Tây Ban Nha và Pháp, và các đảng bảo thủ của Ba Lan và Hungary vốn có quan hệ căng thẳng với Brussels. Cuối tuần qua, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho biết, EU có “công cụ” để đối phó nếu tình hình chính trị Ý “đi chệch hướng”; đồng thời cảnh báo nước này có thể phải đối mặt với các hình phạt nếu cuộc bầu cử có những dấu hiệu “đáng lo ngại”.
Người đứng đầu chính phủ mới ở nền kinh tế lớn thứ ba của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ phải đối mặt với một loạt thách thức không nhỏ, gồm lạm phát cao, tỷ lệ nợ công lên mức trên 150% GDP, tăng trưởng âm, thời tiết khắc nghiệt, khủng hoảng năng lượng trầm trọng khiến nguy cơ suy thoái kinh tế hiện hữu. Trước mắt, chính phủ mới sẽ gặp khó khi thuyết phục EU giải ngân được gói trợ lên tới hàng trăm tỷ euro để phục hồi kinh tế hậu Covid-19. Dự kiến, việc lập được chính phủ mới sẽ phải mất vài tuần. Quốc hội mới được triệu tập ngày 13-10 để bầu Chủ tịch Thượng viện và Hạ viện. Tân Thủ tướng sẽ trình danh sách các bộ trưởng để Tổng thống phê chuẩn và sau đó Quốc hội sẽ bỏ phiếu tín nhiệm.
THƯ LÊ