Ấn Độ 'đi dây' giữa Nga và phương Tây

.

Xung đột tại Ukraine ở một phương diện khác đặt thêm thách thức về ngoại giao cho Ấn Độ trong bối cảnh quốc gia Nam Á này đang cố gắng duy trì quan hệ cân bằng với cả Nga và phương Tây.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (bên phải) gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bên lề hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo thuộc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Uzbekistan ngày 16-9. Ảnh: AFP
Tổng thống Nga Vladimir Putin (bên phải) gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bên lề hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo thuộc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Uzbekistan ngày 16-9. Ảnh: AFP

Sự gia tăng căng thẳng xung đột tại Ukraine những ngày qua đã làm tăng thêm thách thức mà Ấn Độ phải đối mặt từ tháng 2-2022. Đó là làm sao để vẫn có thể duy trì thế cân bằng giữa một bên là mối quan hệ New Dehli - Moscow mật thiết lâu dài, trong khi bên kia là hợp tác ngày càng sâu rộng hơn với phương Tây.

“Tín hiệu lạ” từ Đức

Những tín hiệu mới nhất phát đi từ New Dehli cho thấy, Ấn Độ vẫn nỗ lực duy trì cam kết với những hành động cân bằng, ngay cả khi rất quan ngại về tác động của xung đột tại Ukraine tới lợi ích quốc gia. Tình hình lúc này dường như phức tạp hơn khi Ấn Độ đang đối mặt với thách thức ngoại giao khác. Cụ thể, sau cuộc gặp với người đồng cấp của Pakistan tại Berlin, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đã kêu gọi chính phủ hỗ trợ giải quyết những tranh chấp tại Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan. Bà Baerbock cũng cho biết, Berlin ủng hộ việc Liên Hợp Quốc (LHQ) tham gia việc này. Phát biểu của bà Annalena Baerbock là một điều rất không thường thấy ở một quan chức phương Tây lâu nay. Thực tế, Ấn Độ luôn bày tỏ quan điểm không chấp nhận mọi sự can thiệp từ bên ngoài vào vấn đề Kashmir, cộng đồng quốc tế nhìn chung lâu nay có xu hướng tôn trọng lập trường đó.

Bình luận về phát biểu này, Foreign Policy, tạp chí chuyên về chính trị có tiếng của Mỹ cho rằng, với tư cách là thành viên đại diện cho liên minh trung tả của Đức, bà Baerbock rất có thể chỉ đơn giản truyền đạt lại những lo ngại từ chính phủ của bà về các vấn đề nhân quyền ở Kashmir. Tuy nhiên, Ấn Độ có thể nhìn nhận những phát biểu ấy giống như một phần trong nỗ lực của phương Tây nhằm hối thúc New Dehli thay đổi lập trường trong việc không lên án Moscow về chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Ở một diễn biến rất đáng chú ý khác, Đại sứ Mỹ tại Pakistan, ông Donald Blome, tuần trước công du 3 ngày tới khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát (dù đây cũng là vùng mà Ấn Độ tuyên bố thuộc lãnh thổ của mình). Chuyến công tác của ông Blome tập trung vào các chương trình hợp tác về giáo dục và thương mại với Pakistan được đánh giá như tín hiệu cho thấy mong muốn của Washington trong việc củng cố quan hệ với Islamabad nhưng không gây sức ép với New Dehli.

Cũng cần phải nói thêm rằng, lâu nay Mỹ áp dụng cách tiếp cận dài hạn nhằm thuyết phục New Dehli rằng Nga không phải là đối tác an ninh tin cậy trong tương lai của họ. Với Ấn Độ, tính thời điểm của hai sự kiện nói trên, dù vô tình trùng khớp hay không thì “yếu tố Kashmir” khiến New Dehli không thể không nghĩ tới việc hai đối tác phương Tây chủ chốt của họ dường như đang thúc đẩy điều đi ngược lại với lập trường của Ấn Độ về vấn đề Kashmir. Đáng nói hơn, điều này diễn ra sau nhiều tháng hai đối tác bày tỏ thái độ không hài lòng với lập trường của New Dehli về chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.
Một điểm cũng đáng chú ý là việc Pakistan, vốn từng có lập trường trung lập với cuộc xung đột tại Ukraine nhưng lúc này lại đang hợp tác với các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hỗ trợ đạn dược cho Ukraine.

Tự chủ chiến lược của Ấn Độ

Tuy nhiên, vốn là quốc gia thượng tôn chính sách tự chủ chiến lược (“strategic autonomy” - khả năng của một nước vì lợi ích quốc gia của mình mà thực thi chính sách đối ngoại không bị lệ thuộc quá nhiều vào các nước khác - PV), giới quan sát nhận định, Ấn Độ sẽ không bao giờ bị chi phối vì sức ép với vấn đề Kashmir. Họ cũng sẽ không để các nước khác làm lung lay những quyết định về chính sách đối ngoại của mình, đặc biệt là với chính sách quan trọng như mối quan hệ truyền thống với Moscow.

Biểu hiện rõ nhất gần đây là việc Ấn Độ bỏ phiếu trắng với nghị quyết của Đại Hội Đồng LHQ lên án Nga sáp nhập 4 vùng của Ukraine ngày 12-10. Trước đó, trong lần bỏ phiếu nghị quyết của LHQ ngày 2-3 có nội dung lên án chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, Ấn Độ cũng có động thái tương tự. Dù vậy, cũng đã có lúc Ấn Độ bày tỏ sự không hài lòng với chiến dịch quân sự này và hối thúc Nga kết thúc sớm. Trong một hội nghị tháng trước, khi ngồi cạnh Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Ấn Độ Modi phát biểu công khai hiếm hoi chỉ trích trực tiếp cuộc xung đột. Vì dù sao, xung đột Nga - Ukraine cũng đã gây tổn hại cho lợi ích của New Delhi khi liên quan tới đối thủ lớn của họ là Trung Quốc khi Moscow dường như đang xích lại gần hơn với Bắc Kinh.

LÂM PHONG

;
;
.
.
.
.
.