Trước những động thái đáng chú ý gần đây của Nga, Liên minh châu Âu (EU) đang thực hiện những bước tính toán cứng rắn hơn đối với Moscow, trong đó có gói trừng phạt tiếp theo được thông qua ngày 5-10.
EU thông qua gói trừng phạt thứ 8, gồm áp trần giá dầu của Nga. TRONG ẢNH: Một tàu chở dầu của Nga đang trên đường đến Mỹ tháng 4-2022. Ảnh: New York Times |
Gói trừng phạt thứ 8 này được xem là sự phản ứng trực tiếp của EU về việc Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh động viên một phần quân đội và quyết định sáp nhập 4 khu vực từ Ukraine vào Nga. Song, EU phải tính toán các bước thực hiện mà không gây ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của một số nước thành viên.
Áp giá trần lên dầu Nga
Theo Euronews, ngày 5-10, Cộng hòa Czech, nước chủ tịch luân phiên Hội đồng EU cho biết: “Đại sứ các nước thành viên EU đạt thỏa thuận chính trị về vòng trừng phạt mới”; trong đó trọng tâm là áp trần giá dầu mỏ và các sản phẩm tinh chế của Nga. Cụ thể, bên cạnh các hạn chế đối với dầu Nga, gói trừng phạt cũng bao gồm lệnh cấm nhập khẩu nghiêm ngặt hơn nhằm đưa một số sản phẩm chủ chốt khác của Nga ra khỏi thị trường EU, qua đó dự kiến làm giảm nguồn thu nhập của Nga thêm khoảng gần 7 tỷ euro.
Theo đó, EU cấm nhập khẩu sản phẩm thép, gỗ, giấy, chế tạo máy, kỹ thuật gia dụng, sản phẩm hóa học, nhựa và thuốc lá từ Nga, cũng như cấm cung cấp một loạt dịch vụ như công nghệ thông tin, kỹ thuật và pháp lý cho các công ty Nga. Ngoài ra, các công nghệ chủ chốt được sử dụng cho quân đội Nga, chẳng hạn như các mặt hàng hàng không, linh kiện điện tử và nhiều sản phẩm hóa chất khác cũng bị cấm.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nói rõ, gói trừng phạt mới nhất sẽ tạo “cơ sở pháp lý” cho EU thực hiện quyết định áp giá trần lên dầu Nga mà Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã đưa ra; đồng thời cấm công dân EU tham gia vào ban quản trị các công ty thuộc sở hữu của chính phủ Nga. EC cũng kỳ vọng, việc áp giá trần lên dầu Nga sẽ làm giảm nguồn thu của Nga và đưa thị trường năng lượng toàn cầu trở lại trạng thái ổn định như trước đây.
Các nước phương Tây có ý định cấm các công ty bảo hiểm và vận chuyển của họ cung cấp dịch vụ cho các tàu Nga bán dầu với giá vượt quá mức giới hạn đã thỏa thuận. Thực tế, các tàu chở dầu thương mại luôn cần có bảo hiểm để chi trả cho các sự cố ngoài tầm kiểm soát của họ, chẳng hạn như sự chậm trễ, hư hỏng vật tư, trộm cắp hoặc thậm chí xung đột quân sự. Hiện, các công ty bảo hiểm có trụ sở tại EU và Vương quốc Anh có vị trí thống lĩnh trong thị trường dịch vụ bảo hiểm này. Do vậy, với lệnh trừng phạt mới nhất này, các tàu của Nga sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm “vùng phủ sóng” ở những nơi khác.
Lo ngại gia tăng trong nội bộ
Theo Reuters, gói trừng phạt nói trên sẽ được thảo luận cụ thể tại hội nghị không chính thức lãnh đạo các nước EU ngày 6 và 7-10 tại Praha (Cộng hòa Czech). Một số quốc gia, trong đó có Hungary, vẫn tiếp tục tỏ thái độ không ủng hộ việc áp các biện pháp trừng phạt lên Nga. Do vậy, lãnh đạo EU giờ đây phải tỏ ra thận trọng khi dàn xếp những vướng mắc ngay trong nội bộ khối này.
Ba nước thành viên EU là Hy Lạp, Cyprus và Malta, những nước đóng vai trò then chốt trong việc vận chuyển dầu của Nga đi khắp thế giới cho rằng, lệnh trừng phạt mới đối với Nga có thể ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của họ. Các nước này lo ngại cơ hội kinh doanh của họ sẽ bị các nước như Liberia, Panama hay Quần đảo Marshall nắm bắt. Bên cạnh đó, EU cũng sẽ tự làm khó chính mình nếu cấm đội tàu chở dầu của mình vận chuyển dầu của Nga nhưng không thuyết phục được các nước khác có đội tàu vận tải biển áp đặt hạn chế tương tự.
Trước đó, ngày 3-10, TASS dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov nói rằng, Moscow đã đoán trước việc phương Tây đưa ra các hạn chế mới; đồng thời khẳng định nước này đã chuẩn bị các biện pháp ứng phó phù hợp. Ông Peskov cho rằng tất cả các lệnh trừng phạt đều phản tác dụng vì đã “tiếp tay” gây ra lạm phát, nạn đói, khủng hoảng năng lượng ở phạm vi toàn cầu. Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cũng cảnh báo, nước này sẽ ngừng cung cấp dầu mỏ và các sản phẩm dầu cho các nước tham gia vào việc áp đặt hạn chế “hoàn toàn vô lý” đối với giá dầu Nga.
EPC nhóm họp lần đầu tiên Ngày 6-10, Cộng đồng Chính trị châu Âu (EPC) dự kiến nhóm họp lần đầu tiên tại thủ đô Praha. Theo đó, 27 lãnh đạo các nước EU và 17 lãnh đạo của các nước không thuộc EU, gồm Anh, Na Uy, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine, sẽ cùng thảo luận xung đột Nga - Ukraine, năng lượng và tình hình kinh tế. EPC ra đời dựa trên ý tưởng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tháng 5-2022 như một cách để thúc đẩy đối thoại và hợp tác chính trị về các vấn đề cùng quan tâm và củng cố an ninh, ổn định và thịnh vượng của châu Âu. Song, giới chức Nga cho rằng, việc thành lập khối này không mang lại lợi ích kinh tế hoặc tài chính cụ thể nào hay giúp xoa dịu tình hình căng thẳng hiện giờ mà chỉ mang chủ ý nhằm kiềm chế tầm ảnh hưởng của Nga ở “lục địa già”. |
THƯ LÊ