Các nước châu Á chi 50 tỷ USD cứu nội tệ

.

Chính phủ các nước châu Á đã chi khoảng 50 tỷ USD từ dự trữ ngoại hối để bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ trước sự tăng giá chóng mặt của đồng USD.

Bloomberg dẫn dữ liệu của Exante Data, công ty chuyên theo dõi dòng chảy vốn toàn cầu ước tính, các nền kinh tế mới nổi tại châu Á (trừ Trung Quốc) đã chi gần 30 tỷ USD để can thiệp vào thị trường tiền tệ giao ngay chỉ riêng trong tháng 9-2022. Nếu tính cả Nhật Bản, con số này tăng lên 50 tỷ USD. Trong 9 tháng đầu năm, lượng ngoại tệ được các chính phủ ở châu Á bán ra đã đạt gần 89 tỷ USD, đánh dấu giai đoạn “đốt” dự trữ ngoại hối mạnh nhất ở khu vực này kể từ ít nhất năm 2008. Xu hướng tăng giá của USD diễn ra trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thực hiện chiến dịch tăng lãi suất mạnh nhất kể từ thập niên 1980 để chống lạm phát ở mức cao. Đà tăng của đồng USD đã làm giảm giá trị các tiền tệ khác trong dự trữ của các ngân hàng trung ương.

Chuyên gia Alex Etra của Exante nhận định: “Đồng tiền của các nền kinh tế nói trên đang đối mặt với áp lực giảm trong bối cảnh lãi suất tăng cao. Rất khó đoán về mức tăng lãi suất tiếp theo của Mỹ. Chính sách lãi suất tại Mỹ hiện rất thiếu chắc chắn”. Theo Business Times, việc can thiệp vào thị trường ngoại hối để kiểm soát sự biến động có thể sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới. Đáng chú ý, đồng yên của Nhật Bản vừa giảm giá xuống mức thấp nhất hơn 30 năm so với USD, qua đó nhiều khả năng Tokyo sẽ thực thi đợt can thiệp mới. Năm nay, khối dự trữ trên thế giới giảm hơn 1.000 tỷ USD, tương đương 8,9%, về dưới 12.000 tỷ USD, mức giảm lớn nhất kể từ khi Bloomberg bắt đầu theo dõi số liệu này năm 2003.

NGHI VĂN

;
;
.
.
.
.
.