Châu Á - điểm sáng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động

.

Châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á, vẫn là điểm sáng hiếm hoi trong bối cảnh kinh tế thế giới ngày càng ảm đạm, ngay cả khi nguy cơ suy thoái toàn cầu năm 2023 thành hiện thực.

IMF dự đoán tăng trưởng của châu Á-Thái Bình Dương ở mức 4% năm 2022 và 4,3% năm 2023. TRONG ẢNH: Công nhân làm việc tại một nhà sản xuất ô-tô ở tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc). Ảnh: Getty Images
IMF dự đoán tăng trưởng của châu Á-Thái Bình Dương ở mức 4% năm 2022 và 4,3% năm 2023. TRONG ẢNH: Công nhân làm việc tại một nhà sản xuất ô-tô ở tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc). Ảnh: Getty Images

Trong báo cáo mới nhất, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đưa ra triển vọng tích cực về kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, trong khi đó “các cơn gió ngược đáng gờm”, gồm lãi suất tăng, lạm phát phi mã, tác động của xung đột Nga - Ukraine, tiếp tục phủ bóng kinh tế châu Âu.

Tăng trưởng nổi bật

Trên website của IMF, tổ chức này dự đoán tăng trưởng của châu Á -Thái Bình Dương ở mức 4% năm 2022 và 4,3% năm 2023. Dù cả hai con số này đều dưới mức trung bình 5,5% trong hai thập niên qua nhưng vẫn cao hơn so với dự báo dành cho châu Âu và Mỹ. Theo đó, IMF dự kiến tăng trưởng tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) ở mức 3,1% trong năm 2022 và 0,5% năm 2023, trong khi con số này ở Mỹ là 1,6% năm 2022 và 1% năm 2023.

Đáng chú ý, châu Á có thể là nơi trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư chứng khoán ở mùa đông này trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp khó. Nhận định về triển vọng này, FT Advisers dẫn lời ông Taosha Wang, Giám đốc danh mục đầu tư của Tập đoàn Fidelity International cho biết, các nền kinh tế lớn của châu Á đang đi trên “con đường khác” với châu Âu và ít bị tác động bởi “bão giá” năng lượng so với “lục địa già”. Các nền kinh tế chủ chốt của châu Á dường như tránh rơi vào những thách thức mà châu Âu đang phải đối mặt. Điều này cho thấy, châu Á có nhiều dư địa hơn để theo đuổi các chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế với sự tự do so với các khu vực khác, nơi lạm phát cao buộc các ngân hàng trung ương phải thắt chặt điều kiện tài chính.

Theo CNBC, trong số các “gã khổng lồ” của châu Á, Trung Quốc có sự phục hồi khiêm tốn trong nửa cuối năm nay để đạt mức tăng trưởng 3,2% năm 2022 và sẽ tăng tốc lên 4,4% năm 2023 nếu tiếp tục nới lỏng các biện pháp phòng, chống Covid-19. Trong khi đó, kinh tế Ấn Độ sẽ mở rộng với mức tăng trưởng 6,8% năm 2022 và 6,1% năm 2023, thấp hơn so với dự kiến trước đây do nhu cầu ở bên ngoài suy yếu và các điều kiện tài chính và tiền tệ thắt chặt. Bên cạnh đó, IMF cũng đặt kỳ vọng về bước tiến nổi bật của kinh tế các quốc đảo Thái Bình Dương khi “phi mã” từ 0,8% năm 2022 lên 4,2% năm 2023 với sự bứt phá của ngành du lịch.

Đông Nam Á phục hồi mạnh mẽ

Trong số các khu vực, Đông Nam Á gây chú ý với khả năng phục hồi mạnh mẽ. Đáng chú ý, Việt Nam đóng vai trò ngày càng lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Báo cáo Triển vọng kinh tế châu Á của IMF công bố mới đây dự báo tăng trưởng GDP thực của Việt Nam năm 2022 đạt 7%. Đáng chú ý, trong khi IMF cho rằng, có đến 1/3 nền kinh tế trên thế giới sẽ suy giảm thì mức tăng trưởng này có thể coi là kỳ tích. Đài Sputnik cho rằng, các định chế tài chính và tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới đưa ra những nhận định tích cực về tăng trưởng kinh tế Việt Nam là hoàn toàn có cơ sở. Từ Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Moody’s, Fitch, Standard & Poor’s (S&P), đến các ngân hàng như United Overseas Bank (UOB) của Singapore hay Standard Chartered của Anh đều đánh giá lạc quan về triển trọng kinh tế Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động.

Trong khi đó, kinh tế Philippines sẽ tăng trưởng 6,5% năm 2022, trong khi mức này sẽ đạt 5% ở Indonesia và Malaysia. Tương tự, Campuchia và Thái Lan sẽ ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh hơn vào năm 2023 với tín hiệu tích cực trong thu hút khách du lịch nước ngoài.

Theo Ngân hàng DBS, Đông Nam Á đang thể hiện tốt vị thế là trung tâm xuất khẩu mới của thế giới. Xuất khẩu từ ASEAN - 6, gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, vượt trội hơn khu vực Bắc Á và các nước còn lại trong châu lục. Bên cạnh đó, tháng 9-2022, chỉ số quản lý mua hàng tại Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam nhìn chung đều trên mốc 50, vốn  được coi là mức tăng trưởng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tăng trưởng thấp hơn, các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt với những thách thức phức tạp đòi hỏi phải thực hiện các bước phản ứng mạnh mẽ hơn. Các chuyên gia nhận định, châu Á vẫn phải vật lộn với các “cơn đau đầu”, gồm lạm phát ở mức cao và nợ công tăng đáng kể trong 15 năm qua, đặc biệt là ở các nền kinh tế tiên tiến. Trước tình hình này, IMF kêu gọi chính phủ các nước tiếp tục củng cố chính sách tài khóa và tiền tệ, trong đó tập trung vào mục tiêu trung hạn là ổn định nợ công. Bên cạnh đó, chủ nghĩa đa phương và hợp tác quốc tế mạnh mẽ là điều cần thiết để giảm sự phân mảnh địa kinh tế, bảo đảm thương mại hỗ trợ tăng trưởng, thúc đẩy tiềm năng sản xuất của khu vực và thực thi các cam kết về chống biến đổi khí hậu.

THƯ LÊ 

;
;
.
.
.
.
.