Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) nhóm họp trong hai ngày 20 và 21-10 tại Brussels (Bỉ) để nỗ lực tìm kiếm những phương án khả dĩ giúp giảm bớt hóa đơn năng lượng cho người dân trong bối cảnh lạm phát tăng chóng mặt, khiến làn sóng đình công, biểu tình lan rộng ở “lục địa già”.
Người dân ở nhiều nước châu Âu đã đổ ra đường tuần hành, phản đối chi phí sinh hoạt tăng quá cao. Ảnh: AP |
Tại hội nghị thượng đỉnh lần này, các lãnh đạo EU sẽ tập trung bàn thảo những vấn đề lớn như giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng và hỗ trợ thêm cho Ukraine. Ngoài ra, chính sách của EU với Trung Quốc cũng là một nội dung nghị sự. Tuy nhiên, không khó để nhận ra việc tìm kiếm phương án giúp “hạ nhiệt” hóa đơn năng lượng cho người dân sẽ là trọng tâm của kỳ họp quan trọng này.
Bài toán nan giải
Lần đầu tiên các lãnh đạo châu Âu họp bàn về vấn đề giá năng lượng tăng là một năm trước. Khi đó, xung đột tại Ukraine chưa xảy ra nhưng Covid-19 đã gây áp lực lạm phát với giá năng lượng, vốn được quyết định bởi giá của khí đốt, than đá và dầu mỏ. Cuộc xung đột ở Ukraine hiện nay chỉ làm vấn đề này thêm căng thẳng. Ngay từ cuộc họp năm ngoái, thảo luận diễn ra sôi nổi giữa các thành viên EU khi các nước ở phía nam, mà dẫn đầu là Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, bày tỏ lo ngại về những hậu quả của việc tăng giá năng lượng. Ngày 20-10, một lần nữa các lãnh đạo EU lại gặp nhau ở Brussels để bàn tiếp vấn đề nan giải này.
DW (Đức) dẫn nhận định của chuyên gia thuộc Viện Jacques Delors Institut (Paris) cho rằng, nếu xung đột Nga-Ukraine vẫn leo thang, giá khí đốt ở châu Âu sẽ tiếp tục duy trì mức tương đối cao. “Giá khí đốt có thể ở mức khoảng 80 euro/MWh năm 2025, gấp hơn 4 lần hiện nay. Đây sẽ là vấn đề lớn đối với ngành công nghiệp cũng như người tiêu dùng”, chuyên gia này cho biết.
Ngày 18-10, Ủy ban châu Âu trình bày các đề xuất mới cho lĩnh vực năng lượng, nhưng họ chưa giải quyết triệt để và dứt khoát vấn đề hóa đơn năng lượng của người dân. Cho tới nay, Le Monde (Pháp) cho rằng, về cơ bản, 27 nước thành viên EU đã có thể ứng phó với thách thức đầu tiên đặt ra từ hệ lụy của xung đột tại Ukraine: họ có thể vượt qua mùa đông trước mắt mà không cần tới nguồn khí đốt của Nga. Để làm được điều này, EU đã phải cắt giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt, giảm tiêu thụ điện khoảng 5% vào giờ cao điểm, bơm đầy các kho dự trữ khí đốt ở mức trên 92% và tăng mua thêm từ các nhà cung cấp khác như Mỹ và Na Uy.
Tuy nhiên, vấn đề giá khí đốt và giá điện, vốn có liên quan chặt chẽ với nhau, vẫn chưa được giải quyết. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel bày tỏ hy vọng hội nghị sẽ giải quyết các can thiệp thị trường ngắn hạn và dài hạn khác, chẳng hạn như một khuôn khổ của EU để giới hạn giá khí đốt cho sản xuất điện.
Theo đề xuất của Chủ tịch Ủy ban châu Âu, để giải quyết tình trạng giá khí hóa lỏng nhập khẩu vào châu Âu đang ở mức cao, Cơ quan hợp tác và quản lý năng lượng châu Âu sẽ thiết lập mức giá trần nhập khẩu chung cho các nước thành viên, thay thế cơ chế định giá khí hóa lỏng dựa trên giá cơ sở chuyển nhượng quyền sở hữu. Hiện, trong nội bộ EU vẫn có sự chia rẽ quan điểm về việc áp đặt các mức giá trần cho khí đốt.
Một số nước như Bỉ, Ý, Ba Lan và Hy Lạp muốn có mức giá trần bán sỉ của khí đốt trên toàn châu Âu. Trong khi đó, một số nước khác như Hà Lan và Đức phản đối điều này vì lo ngại nó sẽ ảnh hưởng xấu tới nguồn cung toàn cầu và nhu cầu khí đốt.
Mùa đông quyết định
Trong thông cáo ngày 17-10, Liên đoàn doanh nghiệp châu Âu cho biết, tình hình hiện nay có thể dẫn tới việc “đóng cửa hàng ngàn công ty” vì không thể thanh toán các hóa đơn năng lượng, cùng với sự dịch chuyển hạ tầng cơ sở của toàn bộ các lĩnh vực ngành nghề công nghiệp của châu Âu.
Đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao và nhanh cùng “mây đen” suy thoái kinh tế đang kéo tới, nhiều lãnh đạo châu Âu còn lo ngại rằng, sự ủng hộ của công luận các nước đó dành cho Ukraine sẽ sụt giảm. Cùng với đó là những tranh cãi ngày càng tăng về các mục tiêu chống biến đổi khí hậu và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy. “Nếu không tìm ra giải pháp, người dân sẽ tiếp tục biểu tình; nền kinh tế suy yếu, các cuộc phá sản diễn ra và sự ủng hộ của công chúng đối với các chính sách khí hậu cũng như hỗ trợ cho Ukraine sẽ giảm. Mùa đông này sẽ mang tính quyết định”, Bộ trưởng Công nghiệp Cộng hòa Czech, ông Jozef Sikela cảnh báo.
Thời gian qua, chính phủ của nhiều nước châu Âu đã triển khai các kế hoạch quốc gia để hỗ trợ chi phí năng lượng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp thuộc nhóm dễ tổn thương nhất. Tuy nhiên, giải pháp tốn kém này là không khả thi xét về lâu dài. Hơn nữa, không phải mọi nước thành viên EU đều có nguồn lực lớn như Đức - nền kinh tế đầu tàu của châu lục - quốc gia quyết định chi tới 200 tỷ euro ngân sách để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong cuộc khủng hoảng giá năng lượng hiện nay.
LÂM PHONG