Châu Âu hối hả trữ củi cho mùa đông trước "cơn khát" khí đốt

.

Châu Âu đang tiến đến mùa đông được dự báo rất khó khăn khi khủng hoảng năng lượng chưa dứt và lạm phát tiếp tục “phi mã”. Lường trước việc giá nhiên liệu sẽ tiếp tục tăng, ngày càng nhiều người chuyển sang phương án trữ củi để sưởi ấm những ngày đông tháng giá.

Củi sưởi ấm trở thành mặt hàng khan hiếm ở nhiều vùng của Đức. TRONG ẢNH: Người dân tích trữ củi tại căn hộ của mình ở Berlin để phục vụ sưởi ấm. Ảnh: Getty Images
Củi sưởi ấm trở thành mặt hàng khan hiếm ở nhiều vùng của Đức. TRONG ẢNH: Người dân tích trữ củi tại căn hộ của mình ở Berlin để phục vụ sưởi ấm. Ảnh: Getty Images

Tuy nhiên, khi ai cũng có chung nỗi lo, cả châu lục lại đối mặt với những vấn đề tương tự: giá củi tăng vọt theo nhu cầu trong khi chính quyền nhiều nước lo ngại xu hướng quay lại dùng củi đốt có thể tàn phá môi trường.

“Trở lại thời trung cổ”

Thời gian qua, giới lãnh đạo châu Âu không thể nhất trí về việc áp mức giá trần với khí đốt vì sợ việc này có thể đe dọa nguồn cung khí đốt cho khu vực. Theo Bloomberg, khoảng 70% người dân châu Âu dùng khí đốt và điện để sưởi ấm trong mùa đông. Từ khi nguồn cung khí đốt từ Nga giảm đột ngột do các lệnh trừng phạt của EU, hiện có khoảng 40 triệu người châu Âu đang phải dùng củi để sưởi ấm. Vì thế, củi bất ngờ trở thành hàng hóa được săn lùng khắp nơi. Một số tờ báo, trong đó Philstockworld mô tả nhu cầu trữ củi tăng nhanh trong những tháng qua “đang đưa rất nhiều khu vực ở châu Âu trở lại thời trung cổ” khi phải dùng lò sưởi đốt củi sưởi ấm.

Sự cố xảy ra với hệ thống đường ống Nord Stream đi qua biển Baltic nối giữa Nga và Đức thời gian qua càng làm tăng thêm sự bất an với nhiều người dân Đức khi trước mắt họ là thời kỳ lạnh giá, thậm chí có thể là mùa đông “tối đen” do nguy cơ mất điện. Hơn bất cứ quốc gia nào khác ở châu Âu, Đức phụ thuộc đáng kể vào khí đốt Nga với hơn một nửa lượng khí đốt nhập khẩu đến từ Moscow năm 2021 nhưng tới tháng 9-2022, con số này giảm về 0.

Anh Konrad Kötterl, chủ doanh nghiệp Brennholz München Palette kinh doanh củi đốt và viên nén gỗ (hay viên nén mùn cưa, một loại nhiên liệu) khoảng 10 năm nay cho biết, anh chưa từng thấy cơn sốt tìm mua củi nào “sôi sục” như lúc này. Theo ông Gerd Müller, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và sản xuất củi liên bang Đức, giá củi đã tăng từ 30-40% tại hầu hết các nhà bán sỉ, tương đương khoảng 150 euro/m3 gỗ. Theo văn phòng thống kê liên bang Đức, tháng 8-2022, giá củi và viên nén gỗ tăng 86%. Tại Pháp, giá viên nén gỗ đã tăng gần gấp đôi, lên 600 euro/tấn và đã có tín hiệu cho thấy nhiều nơi ồ ạt mua trữ loại nhiên liệu này. Tại Bulgaria, nơi mà hầu hết các hộ gia đình vẫn lệ thuộc nhiều vào việc đốt củi sưởi ấm, giá mặt hàng này cũng tăng gấp đôi lên gần 100 euro/m3 gỗ.

Tháng trước, truyền thông Ba Lan khẳng định, giá củi đã tăng gần gấp đôi trong năm nay. Ông Jarosław Kaczyński, Chủ tịch đảng cầm quyền tại Ba Lan thậm chí còn cho rằng, mọi người sẽ “đốt gần như mọi thứ, tất nhiên ngoại trừ lốp xe hay những thứ gây hại tương tự”. Trong khi đó Telegraph cho biết, doanh số bán củi tại Vương quốc Anh đã tăng gấp 5 lần trong năm 2022.

Lo phát sinh rắc rối

Chính phủ của nhiều nước châu Âu đã bày tỏ lo ngại về tình trạng đốn củi phi pháp khi nhiều người tự ý vào rừng chặt cây lấy củi. Theo Bloomberg, Hungary thậm chí đã cấm xuất khẩu viên nén gỗ bên cạnh việc triển khai các quy định cấm đốn củi trong các khu rừng được bảo vệ, trong khi Romania thậm chí phải áp mức giá trần cho củi đốt trong 6 tháng để ổn định thị trường. Trong khi đó, các đơn hàng mua lò đốt củi sẽ phải chờ nhiều tháng mới được giao do số người đặt hàng rất lớn.

Một số nhà khoa học và các nhà hoạt động môi trường đưa ra cảnh báo về tác động xấu tới môi trường vì so sánh trên một đơn vị năng lượng, củi sẽ thải nhiều khí carbon hơn so với than đá. Theo nghiên cứu công bố hồi đầu năm nay trên tạp chí European Public Health Alliance, ô nhiễm không khí từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch và củi trong các gia đình sẽ gây ra thiệt hại khoảng 27 tỷ euro mỗi năm liên quan tới vấn đề sức khỏe cho toàn xã hội ở cả EU và Anh.

Khi nhà nhà tìm mua củi đốt, Euronews cảnh báo nạn lừa đảo liên quan tới củi lại cũng đã nở rộ. Cảnh sát Đức cho biết làn sóng lừa đảo “kinh hoàng” trên mạng internet xuất hiện với nhiều cửa hàng online giả mạo quảng cáo trên mạng có thể bán củi với giá rẻ chỉ bằng 1/10 giá thị trường.

Trung Quốc dừng bán khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) cho nước ngoài
Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu các nhà nhập khẩu khí đốt lớn thuộc quản lý nhà nước dừng bán lại LNG cho các đối tác ở châu Á và châu Âu để bảo đảm đủ nguồn cung khí đốt nội địa trong mùa đông sắp tới. Bloomberg dẫn các nguồn tin riêng cho biết, Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia đã yêu cầu các công ty PetroChina, Sinopec và Cnooc phải giữ lại LNG để phục vụ nhu cầu trong nước. Với động thái này của Bắc Kinh, châu Âu có thể sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tìm kiếm nguồn cung khí đốt. Những dự báo về khả năng thâm hụt nguồn cung khí đốt có thể đã thúc đẩy động thái mới của Bắc Kinh. Việc bán lại LNG đã đánh dấu bước chuyển mình rõ rệt đối với Trung Quốc, nước vượt Nhật Bản để trở thành nhà nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới năm 2021 nhờ lượng mua tăng trên thị trường giao ngay.

LÂM PHONG

;
;
.
.
.
.
.