Đại hội lần thứ XX Đảng Cộng sản Trung Quốc: Xây dựng đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại, toàn diện

.

Ngày 16-10, lễ khai mạc Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XX Đảng Cộng sản Trung Quốc (Đại hội XX) diễn ra trọng thể tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh. Đại hội lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Trung Quốc trong thời khắc then chốt khi bước vào hành trình mới xây dựng toàn diện đất nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) hiện đại về mọi mặt.

Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình trình bày báo cáo chính trị tại phiên khai mạc Đại hội lần thứ XX ở Bắc Kinh ngày 16-10. Ảnh: Tân Hoa xã
Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình trình bày báo cáo chính trị tại phiên khai mạc Đại hội lần thứ XX ở Bắc Kinh ngày 16-10. Ảnh: Tân Hoa xã

Đại hội nhấn mạnh những nhiệm vụ chiến lược và các bước đi then chốt mà Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ thực hiện trong 5 năm tới và xa hơn nhằm hiện thực hóa mục tiêu nói trên.

Xây dựng mô hình phát triển mới, chất lượng cao

Trong 5 năm tới, các chính sách của Trung Quốc sẽ xoay quanh chiến lược “vòng tuần hoàn kép” vốn được công bố vào tháng 5-2020 với mục tiêu tăng cường năng lực độc lập, tự chủ kinh tế; đồng thời củng cố vị trí của Trung Quốc trong nền kinh tế thế giới, nhất là trong các chuỗi sản xuất - cung ứng toàn cầu. Tân Hoa xã dẫn phát biểu của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình tại phiên khai mạc đại hội khẳng định, Trung Quốc sẽ tăng tốc tạo mô hình phát triển mới và theo đuổi phát triển chất lượng cao.

“Để xây dựng đất nước XHCN hiện đại về mọi mặt, trước hết, chúng ta phải theo đuổi phát triển chất lượng cao. Phải vận dụng đầy đủ và trung thành triết lý phát triển mới ở mọi mặt, tiếp tục đổi mới để phát triển kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy mở cửa tiêu chuẩn cao, xây dựng một mô hình phát triển mới, với trọng tâm là nền kinh tế trong nước, với những tác động tích cực qua lại giữa các dòng chảy kinh tế trong nước và quốc tế”, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh.

Cụ thể, Trung Quốc sẽ tập trung xây dựng nền kinh tế hiện đại hóa, nâng cao năng suất các yếu tố tổng thể, bảo đảm các chuỗi cung ứng và công nghiệp linh hoạt và an toàn hơn, thúc đẩy phát triển tổng hợp thành thị - nông thôn và phát triển khu vực để nâng cao sản lượng kinh tế hiệu quả. Ngoài ra, chính phủ sẽ đề ra các biện pháp để xây dựng nền kinh tế thị trường XHCN tiêu chuẩn cao; trong đó phát triển hệ thống sở hữu công, hỗ trợ kinh tế tư nhân, phát huy triệt để vai trò quyết định của thị trường trong phân bổ nguồn lực và bảo đảm chính phủ sẽ thực hiện tốt hơn vai trò của mình.

Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng nhấn mạnh các nhiệm vụ quan trọng khác, bao gồm hiện đại hóa hệ thống công nghiệp; thúc đẩy sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng không vũ trụ, giao thông vận tải, không gian mạng và kỹ thuật số; thúc đẩy sự hồi sinh nông thôn toàn diện; mở rộng thể chế mở cửa đối với các quy tắc, tiêu chuẩn; thúc đẩy sự phát triển chất lượng cao của Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường...

Đáng chú ý, theo báo cáo trình tại Đại hội, Trung Quốc phản đối chủ nghĩa bảo hộ; đồng thời cam kết tuân thủ đúng đường lối của toàn cầu hóa kinh tế; thúc đẩy tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, tăng cường hợp tác song phương và đa phương và ở tầm khu vực; phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô quốc tế; bảo đảm môi trường quốc tế thuận lợi cho sự phát triển và tạo các động lực mới cho tăng trưởng toàn cầu.

Thành tựu ấn tượng trong thập niên qua

Từ năm 2012, thời điểm diễn ra Đại hội XVIII bầu thế hệ lãnh đạo mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc với việc ông Tập Cận Bình được bầu làm Tổng Bí thư, Trung Quốc đã đạt được những thành tựu ấn tượng trên nhiều lĩnh vực. Hiện, nước này là một trong những đầu tàu của nền kinh tế thế giới, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng của kinh tế toàn cầu. Tổng Bí thư Tập Cận Bình nhận định, sức mạnh kinh tế quốc gia có “bước nhảy vọt” trong thời gian qua, hướng đến giải quyết “mâu thuẫn nền tảng” của phát triển là nhu cầu cải thiện cuộc sống và tình trạng phát triển thiếu đồng đều.

Theo Tân Hoa xã, sau khi trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới từ năm 2010, thập niên qua chứng kiến nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Năm 2021, GDP đạt hơn 114.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương khoảng 17.000 tỷ USD), chiếm hơn 18% tổng GDP toàn cầu trong khi con số này năm 2012 là 11,4%. Tổng kim ngạch thương mại hàng hóa và dịch vụ cũng có bước tiến dài từ 4.400 tỷ USD năm 2012 lên 6.900 tỷ USD năm 2021, qua đó giữ vị trí số một thế giới. Thu nhập của người dân cũng bắt kịp với tốc độ phát triển kinh tế mạnh mẽ. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người (sau khi nộp thuế và bảo hiểm xã hội) đạt 35.128 nhân dân tệ (tương đương 4.940 USD), tăng 112,8% so với năm 2012. Ngoài ra, cường quốc này cũng đạt được nhiều thành tựu nổi bật về khoa học công nghệ.

Năm 2021, thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập đảng, Trung Quốc tuyên bố hoàn thành mục tiêu “100 năm lần thứ nhất” với việc xây dựng xã hội khá giả toàn diện. Đại hội XX lần này đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ của Trung Quốc, bước sang giai đoạn thực hiện mục tiêu “100 năm lần thứ hai” là trở thành một nước XHCN hiện đại, giàu mạnh, dân chủ, văn minh và hài hòa vào năm 2049 - dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước CHND Trung Hoa.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.