Nga khẳng định nước này sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine cho dù Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có tham gia vào cuộc xung đột hay không; đồng thời cho biết, liên minh quân sự lớn nhất thế giới đã có động thái can thiệp thông qua nỗ lực ủng hộ quân sự cho Kiev.
Khói xuất hiện tại hiện trường vụ nổ ở thủ đô Kiev (Ukraine) ngày 17-10. Ảnh: AP |
Tuyên bố của Điện Kremlin càng làm gia tăng lo ngại về nguy cơ xung đột Nga-Ukraine còn kéo dài trong bối cảnh các bên liên quan vẫn chưa tìm thấy tiếng nói chung để tháo gỡ bất đồng.
Moscow không dao động
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Rossiya-1 ngày 16-10, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov nói rõ: “Thực tế, NATO đã tham gia vào cuộc xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, điều đó không hề ảnh hưởng đến các mục tiêu của chúng tôi. Chiến dịch quân sự sẽ tiếp tục và chúng tôi sẽ vượt qua nó”. Ông Peskov cũng thừa nhận: “Rõ ràng, sự can thiệp của NATO buộc chúng tôi phải huy động các công cụ kinh tế và các nguồn lực khác. Chính quyền Kiev là một chuyện nhưng năng lực của NATO lại là một chuyện khác. Điều này đồng nghĩa xuất hiện gánh nặng bổ sung. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn có khả năng tiếp tục chiến dịch quân sự trong tình huống này”.
Theo TASS, phát biểu tại cuộc họp giao ban ngày 16-10, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov cho biết, lực lượng vũ trang Nga đã thực hiện các cuộc không kích có độ chính xác cao để nhắm vào những cơ sở quân sự và năng lượng của Ukraine trong 24 giờ qua. Theo AFP, Thị trưởng Kiev Vitali Klitschko cho biết, sáng 17-10, một số vụ nổ đã xảy ra tại thủ đô Kiev, trong đó có một vụ nổ ở quận trung tâm Shevchenkivsky. Theo Klimenko Time, còi báo động không kích vang lên khắp Ukraine ngày 16-10. TASS dẫn thông tin từ Ukraine cho biết, một số khu vực ở miền nam và trung Ukraine tiếp tục trong trạng thái báo động rạng sáng 17-10. Chính quyền các vùng Odessa, Nikolayev và Poltava, cũng như một số vùng phía tây, kêu gọi người dân ở lại các nơi trú ẩn.
Không chỉ Thổ Nhĩ Kỳ, mới đây, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng đề nghị làm trung gian hòa giải cho xung đột Nga - Ukraine khi sẵn sàng tiếp tục các nỗ lực và ủng hộ mọi bước đi góp phần giảm căng thẳng. Nga đã để ngỏ khả năng đàm phán và sẵn sàng đón nhận các đề xuất mới cũng như làm việc với các nước có ảnh hưởng để tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột.
Nỗ lực duy trì thỏa thuận ngũ cốc
Theo TASS, ngày 16-10, Bộ Ngoại giao Nga thông báo, Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Vershinin đã gặp Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Martin Griffiths và Tổng Thư ký Hội nghị LHQ về thương mại và phát triển (UNCTAD) Rebeca Grynspan để thảo luận thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen và một số vấn đề cấp bách khác. Ông Griffiths dự kiến tham dự các cuộc họp tại Bộ Quốc phòng Nga.
Trước đó, tháng 7-2022, Nga và Ukraine ký các thỏa thuận riêng rẽ với LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giải quyết vấn đề cung cấp lương thực và phân bón cho thị trường toàn cầu. LHQ nhiều lần bày tỏ ủng hộ gia hạn thỏa thuận này khi nó sẽ hết hiệu lực vào cuối tháng 11-2022. Ngoài ra, có biên bản ghi nhớ giữa Bộ Quốc phòng Nga và LHQ về việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga có thời hạn 3 năm.
Nỗ lực duy trì thỏa thuận này đang gặp nhiều thách thức không nhỏ. Tổng thống Putin đã nhiều lần chỉ trích thỏa thuận ngũ cốc vẫn tồn tại những hạn chế. Theo Republicworld.com, phát biểu tại thủ đô Astana (Kazakhstan) nhân tham dự hội nghị thượng đỉnh Trung Á - Nga gần đây, Tổng thống Putin kêu gọi đóng cửa các hành lang xuất khẩu ngũ cốc Ukraine nếu chúng được sử dụng cho “các hành động khủng bố”.
Theo RT, lời cảnh báo này được đưa ra sau khi Cơ quan An ninh Liên bang (FSB) Nga cho rằng, Ukraine dường như đã vận chuyển số chất nổ được sử dụng trong vụ tấn công cầu Crimea hồi tuần trước bằng đường biển.
Bên cạnh đó, dựa trên các số liệu thống kê, Nga cho rằng, các nước dễ bị tổn thương chỉ nhận được một phần nhỏ hàng xuất khẩu mà họ mong đợi thông qua Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen do LHQ làm trung gian. Về vấn đề này, Reuters dẫn lời Đại sứ Nga tại LHQ Gennady Gatilov cho biết, Moscow đã gửi thư tới LHQ để khiếu nại về việc thỏa thuận nói trên đã không được thực hiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu phân bón và ngũ cốc của chính Nga. “Nếu chúng tôi thấy không có gì thay đổi với phía Nga theo đúng thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc và phân bón thì Nga sẽ phải xem xét lại thỏa thuận này”, ông Gatilov nói.
NATO tập trận răn đe hạt nhân Theo Sputnik, cuộc tập trận răn đe hạt nhân Steadfast Noon của NATO, với sự tham gia của 14 quốc gia, diễn ra từ ngày 17 đến 30-10 ở khu vực phía tây bắc châu Âu - trong không phận của Bỉ và Anh, cũng như trên Biển Bắc. Các loại vũ khí chiến đấu không được huy động trong cuộc tập trận này. Trung tâm của cuộc tập trận là căn cứ không quân Kleine Brogel của Bỉ. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg giải thích, “đây là các cuộc tập trận thường niên theo lịch trình được tiến hành để duy trì khả năng hạt nhân của NATO luôn trong trạng thái an toàn và hiệu quả”; đồng thời nhấn mạnh, cuộc tập trận này không liên quan đến khủng hoảng Ukraine hiện nay. |
THƯ LÊ