Nguy cơ bùng nổ xung đột Israel - Liban do tranh chấp trên biển

.

Với việc quân đội Israel trong tình trạng báo động và Hezbollah đe dọa phá hủy các cơ sở dầu khí của Tel Aviv, hai nước đang trên bờ vực xung đột.

Các tàu hải quân Israel ngoài khơi bờ biển Rosh Hanikra, một khu vực ở biên giới giữa Israel và Lebanon, vào ngày 6/6/2022. Ảnh: AFP
Các tàu hải quân Israel ngoài khơi bờ biển Rosh Hanikra, một khu vực ở biên giới giữa Israel và Lebanon, vào ngày 6-6-2022. Ảnh: AFP

Theo đài RT (Nga), Israel tuyên bố sẵn sàng chiến tranh với Liban khi các cuộc đàm phán phân định biên giới trên biển do Mỹ làm trung gian đang đi vào ngõ cụt. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ là tranh chấp giữa Beirut và Tel Aviv mà nằm ở tác động mạnh trong chính trường Israel khi nước này đang tiến tới một vòng tổng tuyển cử mới.

Hôm 7-10, Thủ tướng Israel Yair Lapid đã bác bỏ các sửa đổi của Liban đối với thỏa thuận phân định biên giới trên biển do Mỹ đề xuất. Một nguồn tin giấu tên tiết lộ với trang tin Axios rằng ông Lapid đã “nói rõ rằng Israel sẽ không thỏa hiệp về lợi ích kinh tế và an ninh của mình, ngay cả khi điều đó có nghĩa là sẽ không sớm có thỏa thuận”.

Cuối ngày 6-10, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz đã ra lệnh quân đội chuẩn bị cho một cuộc đối đầu vũ trang với Liban. Một cuộc họp nội các kéo dài 4 giờ, có sự tham dự của các quan chức an ninh Israel hàng đầu, sau đó kết thúc bằng thông báo công khai rằng thủ tướng và bộ trưởng quốc phòng Israel đã được phép ra lệnh tấn công Liban mà không cần nội các phê duyệt thêm.

Tại sao Liban và Israel đến bên bờ vực xung đột?

Đầu tháng 6, một con tàu thuộc sở hữu của công ty khí đốt Energean đã đến mỏ Karish ở phía Đông Địa Trung Hải để bắt đầu sản xuất khí đốt tự nhiên cho Israel. Tổng thống Liban, Michel Aoun đã lên án động thái này, đồng thời cảnh báo Tel Aviv không nên thực hiện bất kỳ “hành động gây hấn” nào nữa.

Mỏ Karish, và mỏ Qana gần đó, trong nhiều năm qua đã là trọng tâm của các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Liban và Israel, do Mỹ làm trung gian. Hai quốc gia vẫn chưa đạt được bất kỳ thỏa thuận nào về việc phân định biên giới trên biển, trong khi Beirut coi Karish và Qana là những yếu tố quan trọng để vực dậy nền kinh tế đang sụp đổ của mình.

Liban khẳng định, dựa trên các lập luận pháp lý đưa ra trong các cuộc đàm phán trước đó thì toàn bộ khu vực được coi là 'vùng biển tranh chấp'. Tuy nhiên, Israel vẫn cho rằng toàn bộ mỏ Karish và phần lớn mỏ Qana đều nằm trong phạm vi Vùng Đặc quyền kinh tế của nước này. Đảng chính trị và quân sự của Liban là Hezbollah, tổ chức tuyên bố có 100.000 quân sẵn sàng chiến đấu, sau đó đã tham gia vào tranh cãi, thề bảo vệ các quyền về dầu và khí đốt của Liban.

Lãnh đạo Hezbollah Seyyed Hassan Nasrallah tuyên bố rằng nếu không đạt được thỏa thuận biên giới trên biển và Liban không thể đảm bảo các quyền của mình thì hành động quân sự sẽ được thực hiện. Ranh giới đỏ của Hezbollah là việc Israel khai thác mỏ Karish trước khi bất kỳ thỏa thuận nào được ký kết. Nếu điều này xảy ra, nhóm vũ trang Liban đã đe dọa tấn công không chỉ cơ sở hạ tầng của Tel Aviv tại vị trí tranh chấp, mà còn mọi cơ sở dầu khí khác của Israel ở Địa Trung Hải.

Israel kể từ đó cũng đáp trả bằng những lời đe dọa, như xóa sổ toàn bộ vùng ngoại ô đông dân cư Beirut, nơi đóng vai trò là thành trì của Hezbollah, và gần đây Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz nói Liban sẽ "phải trả giá đắt" cho bất kỳ hành động quân sự nào của Hezbollah.

Các mối đe dọa chỉ dừng ở khẩu chiến?

Những lời đe dọa gần đây nhất do giới lãnh đạo quân sự và chính trị ở Tel Aviv đưa ra đã khiến người dân Israel sống gần biên giới Liban hoảng sợ. Tuy nhiên, có một khả năng đáng kể là những đe dọa đó thực ra nhắm đến công chúng trong nước. Israel sẽ bước vào một vòng tổng tuyển cử mới vào tháng 11 và việc phân định biên giới trên biển gần đây đã được sử dụng nhằm chống lại giới lãnh đạo hiện tại của Israel, khiến các bộ trưởng phải hành động để cứu vãn thể diện.

Các mối đe dọa do Hezbollah đưa ra là rất nghiêm trọng và nhóm này rõ ràng có đủ năng lực để phá hủy tất cả các cơ sở dầu khí của Israel. Tuy nhiên, tại thời điểm này, phe cực hữu ở Israel do cựu Thủ tướng Netanyahu đứng đầu đang đổ lỗi cho tình hình là do sự quản lý yếu kém của Thủ tướng Lapid, nói rằng ông đã sẵn sàng từ bỏ lãnh thổ thuộc về Israel. Vì lý do này, có khả năng ông Yair Lapid sẽ cố gắng trì hoãn việc khai thác khí đốt từ mỏ Karish để không khoét sâu căng thẳng với Liban cho đến sau cuộc bầu cử.

Liban coi vấn đề mỏ Karish và Qana là một phần không thể thiếu đối với sự sống còn của nước này. Một số chuyên gia của Liên Hợp Quốc đưa ra tỷ lệ người Liban sống trong cảnh nghèo đói vào khoảng 80%, cùng với tình trạng mất điện suốt ngày đêm, tỷ lệ tội phạm gia tăng và bất ổn dân sự. Quyền khai thác một mỏ dầu khí trị giá hàng tỷ USD có thể là vấn đề sinh tử đối với Liban - nhưng không phải đối với Israel, đất nước có sự ổn định kinh tế hơn nhiều.

Đầu năm nay, khi Liên minh châu Âu tìm kiếm các nhà cung cấp khí đốt thay thế cho Nga, một thỏa thuận đã được ký kết giữa Tel Aviv và Brussels, theo đó Israel sẽ chuyển khí đốt đến châu Âu qua Ai Cập. Điều này đã khuyến khích Tel Aviv công bố kế hoạch tăng gấp đôi sản lượng khí đốt và mỏ Karish là chìa khóa để đạt được điều này.

Liệu chiến tranh có xảy ra hay không sẽ xoay quanh việc liệu những cuộc tranh luận giữa các đảng phái chính trị của Israel và các quan chức có khiến Tel Aviv áp dụng cách tiếp cận hiếu chiến và thúc đẩy sản xuất khí đốt tại các mỏ tranh chấp trước khi đạt được thỏa thuận với Liban hay không.

Nếu đúng như vậy, có thể chắc chắn rằng Hezbollah sẽ nổ súng nếu lằn ranh đỏ bị vượt qua.

Theo Báo Tin tức

;
;
.
.
.
.
.