Những bất đồng trong quan hệ Đức - Pháp

.

Trong chuyến công du Paris gần đây, Thủ tướng Đức Olaf Scholz hội đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron để thảo luận hàng loạt thách thức nghiêm trọng đặt ra cho Liên minh châu Âu (EU) và quan hệ song phương nhưng không tổ chức họp báo cũng như không ra tuyên bố về cuộc gặp. Dù trên Twitter, Thủ tướng Scholz khẳng định, cuộc gặp quan trọng với nhà lãnh đạo Pháp diễn ra tốt đẹp nhưng thực tế quan hệ hai nước đang có chiều hướng xấu đi. Vậy đâu là nguyên nhân khiến Pháp và Đức, vốn được xem là hai nền kinh tế chủ chốt trong EU, lại có chuyện “cơm không lành, canh không ngọt”?

Các nhà quan sát chính trị đưa ra các vấn đề chính trong mối quan hệ này. Đầu tiên là trong lĩnh vực năng lượng. Xung đột Nga - Ukraina đẩy EU lâm vào khủng hoảng năng lượng chưa từng có. Đặc biệt, Đức bộc lộ rõ những yếu kém khi dựa vào nguồn năng lượng chủ yếu từ Nga, khiến kinh tế nước này lao đao. Berlin đã tìm mọi cách nhằm hạn chế tác động tiêu cực và cứu vãn lợi ích của mình, bất chấp nguy cơ ảnh hưởng đến các đối tác, nhất là Pháp. Đáp lại, Pháp lên tiếng chỉ trích Đức, bên phải chịu trách nhiệm đầu tiên trong việc để Nga gia tăng áp lực về cung cấp khí đốt cho châu Âu. Trong khi Paris bảo vệ giải pháp áp trần giá khí đốt của châu Âu thì Berlin chỉ đồng ý vào tuần trước với một số điều kiện kèm theo. Trong vấn đề năng lượng này, hai nước còn đối đầu với nhau trong dự án đường ống dẫn khí đốt nối Đức và Tây Ban Nha, băng qua lãnh thổ Pháp.

Vấn đề tiếp theo là các quyết sách mang tính đơn phương. Paris trách cứ Berlin đã “đơn phương độc mã” khi tuyên bố chi tới 200 tỷ euro để hỗ trợ nền kinh tế và người dân ứng phó với “bão” giá năng lượng mà không báo trước cho Pháp và các đối tác khác trong EU. Tổng thống Macron chỉ trích hành động của Đức sẽ làm tổn hại đến sự thống nhất và thị trường chung châu Âu, dẫn đến cạnh tranh bất bình đẳng do hầu hết các nước EU khác không có đủ nguồn lực tài chính để hành động như Đức. Ngay lập tức, Thủ tướng Scholz giải thích, Đức chỉ hành động giống các chính phủ khác tại châu Âu và luôn thể hiện sự đoàn kết với EU khi đóng góp đến 26% ngân sách hằng năm cho EU?!

Xung đột Nga - Ukraina khiến các nước EU phải nhìn lại vấn đề an ninh - quốc phòng. Trước hàng loạt diễn biến nhanh chóng, khó lường trong xung đột, Đức buộc phải đầu tư nguồn lực lớn để đối phó. Sau khi thông báo chi 100 tỷ euro để tái vũ trang cho quân đội, Thủ tướng Scholz bất ngờ đưa ra dự án lá chắn tên lửa với 14 nước châu Âu, trong đó có Anh và các nước vùng Baltic, với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Mỹ và Israel mà không có Pháp, quốc gia vốn cũng có hệ thống phòng không đất đối không.

Bên cạnh đó, Berlin cũng không một lời đả động đến các dự án quốc phòng chung châu Âu mà Tổng thống Macron đã dày công xúc tiến từ nhiều năm qua. Điều này càng khiến Paris cảm thấy khó chịu. Thậm chí, ông Macron cảnh báo Đức đang tự cô lập với các biện pháp của riêng mình. Theo nhiều nhà quan sát, những động thái của Đức được xem như dấu chấm hết cho chương trình hợp tác quốc phòng chung về các loại xe tăng và máy bay chiến đấu cho tương lai giữa hai nước.

Một điểm đáng chú ý khác là việc ông Scholz nói đến một EU mở rộng từ 30 nước thành viên như hiện nay lên thành 36 nước và được điều hành theo đa số. Theo các nhà phân tích, đề xuất của Đức cho thấy tham vọng củng cố vai trò lãnh đạo hàng đầu tại châu Âu khi tìm cách dựa vào các nước vệ tinh xung quanh như các nước Trung Âu, vùng Baltic và Bắc Âu trước một nước Pháp bị cô lập và một vùng Nam Âu bị gạt ra bên lề.

Dù người phát ngôn chính phủ Pháp Olivier Veran bày tỏ, tình bạn với Đức “vẫn tồn tại sống động và tốt đẹp, đáp ứng mong muốn cùng nhau tiến về phía trước”, nhưng dư luận vẫn hoài nghi về mâu thuẫn hiện hữu giữa hai nước trong các vấn đề gai góc nói trên có thể tác động không nhỏ đến sự đoàn kết của EU trong nỗ lực giải quyết các thách thức.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.