Thủ tướng Anh nỗ lực giữ ghế giữa khủng hoảng

.

Cách đây không lâu, người dân xứ sở sương mù kỳ vọng tân Thủ tướng Liz Truss sẽ nhanh chóng hóa giải những “điểm nghẽn” mà người tiền nhiệm để lại và vực dậy kinh tế nước Anh vốn đứng trước nguy cơ suy thoái. Tuy nhiên, chỉ chưa đầy một tháng sau khi nhậm chức, quyền lực chính trị của bà Truss nhanh chóng bị ảnh hưởng khi đề xuất kinh tế táo bạo của bà vượt khỏi tầm kiểm soát.

Ngày 23-9, Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng công bố kế hoạch cắt giảm thuế trị giá 50 tỷ USD nhưng không giải thích rõ làm cách nào để bù đắp cho nguồn thu ngân sách bị giảm vì biện pháp thuế mới này. Trong khi đó, Thủ tướng Truss cũng đề cập khả năng tăng nợ công để bảo vệ kế hoạch “Ngân sách nhỏ” này. Ngay lập tức, đồng bảng Anh lao dốc, buộc Ngân hàng Trung ương Anh phải mua lại trái phiếu chính phủ với số lượng lớn để ổn định thị trường tài chính.

Trong nỗ lực nhằm xoa dịu tình hình, bà Truss bổ nhiệm ông Jeremy Hunt, người từng giữ chức Ngoại trưởng và Bộ trưởng Y tế, vào vị trí Bộ trưởng Tài chính để thay thế ông Kwasi Kwarteng. Đồng thời, bà Truss cũng thừa nhận thất bại và đồng ý hủy bỏ quyết định cắt giảm mức thuế thu nhập cao nhất 45%. Thay vào đó, bà tuyên bố giữ nguyên kế hoạch tăng thuế doanh nghiệp có hiệu lực kể từ năm 2023, dự kiến đem về cho ngân sách khoảng 20,1 tỷ USD. Sau tuyên bố này, giá trị đồng bảng Anh ngay lập tức giảm 1,2% so với đồng USD; giá trị của trái phiếu 2 năm của chính phủ cũng sụt giảm, qua đó ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của bà Truss. Đánh giá về diễn biến này, một đồng minh thân cận của Anh, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 16-10 cho hay: “Tôi không phải là người duy nhất nghĩ đó là một sai lầm”.

Không chỉ dừng lại ở sự sụt giảm uy tín, các nghị sĩ đảng Bảo thủ cấp cao đang lập kế hoạch thay thế Thủ tướng Truss sau những động thái bất ổn gần đây, trong đó có 3 nghị sĩ đảng Bảo thủ kêu gọi bà từ chức. Một cựu quan chức nội các cho biết, khả năng bà Truss nắm quyền đến Giáng sinh là 50/50 và cuộc bầu cử sớm có thể sẽ diễn ra. Trong khi đó, các quan chức khác nhận định, việc thay thế Thủ tướng Anh chỉ còn là vấn đề thời gian, đặc biệt nếu các cuộc thăm dò tiếp theo cho thấy đảng Bảo thủ tụt lại phía sau đảng Lao động hơn 30 điểm, tình huống sẽ dẫn đến chiến thắng cho phe đối lập.

Channel 4 dẫn lời cựu lãnh đạo đảng Bảo thủ William Hague cho biết, khoảng thời gian qua là “tập phim tồi tệ”; đồng thời nhận định vị trí Thủ tướng của bà Truss ở thế “nghìn cân treo sợi tóc”. The Guardian mô tả Thủ tướng Truss đang “chiến đấu để sinh tồn” sau khi các nghị sĩ đảng Bảo thủ cảnh báo bà chỉ còn một khoảng thời gian ngắn tại nhiệm. Thăm dò của hiệp hội đại diện chính thức của các nghiệp đoàn Anh cho thấy, nếu cuộc tổng tuyển cử diễn ra, đảng Lao động có thể giành chiến thắng, khiến 10 bộ trưởng của nội các hiện tại mất ghế.

Trong diễn biến liên quan, ngày 16-10, ngân hàng Goldman Sachs nêu rõ: Sau khi cân nhắc các yếu tố, gồm đà tăng trưởng ngày một yếu hơn, điều kiện tài chính thắt chặt hơn và thuế doanh nghiệp dự kiến tăng từ tháng 4-2023, ngân hàng này đã hạ triển vọng tăng trưởng của nước Anh; đồng thời dự kiến, kinh tế nước này sẽ đối mặt với suy thoái sâu hơn ước tính trước đó.

Như vậy, cùng với giá cả leo thang, năng lượng khan hiếm, thị trường tài chính bất ổn liên quan đến chính sách điều hành của Thủ tướng Truss đã khiến uy tín của đảng Bảo thủ giảm mạnh. Bà Truss không chỉ bị Công đảng đối lập chỉ trích nặng nề mà còn gây chia rẽ ngay cả trong nội bộ đảng cầm quyền. Một số nghị sĩ đảng Bảo thủ muốn bà Truss từ chức trong khi số khác cảnh báo đảng này sẽ đánh mất quyền lực nếu lật đổ lãnh đạo thứ hai chỉ trong vài tháng. Từ khi nước Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (EU) năm 2016, có 3 thủ tướng đã ra đi và bà Truss có nguy cơ trở thành người thứ 4 nếu “cuộc chiến sinh tồn” của bà thất bại.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.