Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên ở mức cao

.

Ngày 2-11, tình tình căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế khi Triều Tiên phóng tên lửa với tần suất cao nhất từ trước đến nay, khiến Hàn Quốc và các đồng minh phải ở tư tế sẵn sàng ứng phó. Đây rõ ràng là lời cảnh báo đáp trả cứng rắn của Bình Nhưỡng trước cuộc tập trận chung không quân quy mô lớn Mỹ-Hàn Quốc đang diễn ra trên bầu trời bán đảo Triều Tiên.

Truyền hình Hàn Quốc đưa tin vụ phóng tên lửa của Triều Tiên về vùng biển phía đông bán đảo Triều Tiên ngày 2-11. Ảnh: Yonhap
Truyền hình Hàn Quốc đưa tin vụ phóng tên lửa của Triều Tiên về vùng biển phía đông bán đảo Triều Tiên ngày 2-11. Ảnh: Yonhap

Việc Triều Tiên thường phóng tên lửa nhằm phản đối các cuộc tập trận như vậy không phải là điều ngạc nhiên. Song, theo Mỹ và Hàn Quốc, các vụ phóng tên lửa ngày 2-11 của Bình Nhưỡng là hành động khiêu khích quân sự nghiêm trọng chưa từng thấy, đặt tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên ở mức cao.

Động thái chưa từng có tiền lệ

Rõ ràng, động thái bất bình thường của Triều Tiên chỉ riêng ngày 2-11 cho thấy “những cái đầu tiên”. Theo đó, lần đầu tiên Triều Tiên phóng số lượng tên lửa nhiều nhất trong một ngày và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng rơi gần lãnh hải Hàn Quốc ở phía nam đường giới hạn phía bắc (NLL) kể từ khi bán đảo bị chia cắt.

Theo Reuters, tính đến chiều 2-11, Triều Tiên phóng ít nhất 23 tên lửa đạn đạo các loại ra biển, mức cao chưa từng thấy. Sau khi khai hỏa 3 tên lửa từ khu vực Wonsan ra biển sáng 2-11, Triều Tiên tiếp tục phóng thêm 20 tên lửa khác. Một tên lửa trong số đó vượt qua ranh giới trên biển, rơi xuống khu vực ngoài khơi cách thành phố Sokcho 57km về phía đông nam và đảo Ulleungdo 167km về phía bắc, đánh dấu lần đầu tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng bay qua ranh giới và rơi gần lãnh hải nước láng giềng kể từ khi chiến tranh kết thúc năm 1953.

“Đây là sự kiện rất hiếm và không thể dung thứ được”, quân đội Hàn Quốc tuyên bố; đồng thời khẳng định hợp tác với Mỹ để nghiêm khắc đáp trả động thái này. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol chỉ trích động thái của Bình Nhưỡng là “hành động xâm phạm lãnh thổ đầu tiên kể từ khi bán đảo Triều Tiên bị chia cắt”. Nhà Xanh tuyên bố sẽ phản ứng cứng rắn và nhanh chóng để ứng phó với Bình Nhưỡng; đồng thời chỉ thị quân đội duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu toàn diện để bảo vệ người dân, cũng như sẵn sàng trước nguy cơ Triều Tiên có thêm hành động khiêu khích và ở cấp độ cao.

Cùng ngày, Triều Tiên bắn hơn 100 phát đạn pháo từ bờ biển phía đông vào vùng đệm quân sự vốn được thiết lập trong khuôn khổ thỏa thuận quân sự liên Triều. Trong động thái đáp trả, quân đội Hàn Quốc phóng 3 quả đạn xuống vùng biển gần khu vực đặt bệ phóng tên lửa Triều Tiên, khoảng cách tương ứng với quả đạn rơi gần bờ biển Hàn Quốc.

Trong khi đó, Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) cho biết, một tên lửa của Triều Tiên có thể đã rơi bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio nói sẽ tổ chức cuộc họp an ninh quốc gia sớm nhất có thể về động thái của Triều Tiên. Theo Reuters, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ nêu rõ: “Các vụ phóng tên lửa đó chỉ rõ cách hành xử liều lĩnh của Triều Tiên và tác động gây bất ổn của các chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) bất hợp pháp của nước này”.

Triều Tiên muốn gửi thông điệp gì?

Các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh Hàn Quốc và Mỹ tiến hành tập trận không quân chung quy mô lớn Vigilant Storm từ ngày 31-10 đến 4-11, huy động 240 máy bay chiến đấu tàng hình. Trước đó, ngày 1-11, Bộ Ngoại giao Triều Tiên kêu gọi Mỹ và Hàn Quốc ngừng các cuộc tập trận quân sự chung quy mô lớn trong khu vực và cho rằng đây là hành động có thể dẫn tới “các biện pháp đáp trả mạnh mẽ hơn” từ Bình Nhưỡng.

Theo Bình Nhưỡng, nhìn vào quy mô của Vigilant Storm với số lượng máy bay chiến đấu tham gia, thì đây là cuộc tập trận quân sự gây hấn và khiêu khích nhắm vào Triều Tiên. Một quan chức Triều Tiên cảnh báo, lực lượng vũ trang nước này sẽ “tiến hành sứ mệnh chiến lược” khiến Mỹ và Hàn Quốc phải trả giá rất lớn.

Theo các chuyên gia, cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn Quốc là nguồn cơn chính dẫn đến các bước đi táo bạo của Triều Tiên. Ông Andrew O’Neil, chuyên gia về Triều Tiên và là giáo sư tại Đại học Griffith (Úc) cho biết, việc Triều Tiên bất ngờ phóng tên lửa về phía nam qua NLL gần các trung tâm dân cư lớn báo hiệu giai đoạn mới trong chiến lược hiện tại của họ; đồng thời nói thêm rằng, thời điểm của các vụ phóng không phải là ngẫu nhiên. Bình Nhưỡng muốn tiếp tục đẩy lùi mạnh mẽ việc hồi sinh các cuộc tập trận quân sự chung giữa Mỹ và Hàn Quốc trên bán đảo Triều Tiên nhưng có lẽ cũng nhằm gửi thông điệp tới chính quyền Tổng thống Yoon Suk-yeol vốn có cách tiếp cận cứng rắn hơn về vấn đề Triều Tiên so với người tiền nhiệm. Tuy nhiên, ông O’Neil cũng cho rằng, nếu Bình Nhưỡng đang tìm cách đe dọa Seoul bằng cách bắn tên lửa về phía nam biên giới trên biển thì phản ứng đáp trả sau đó của Hàn Quốc cho thấy chính quyền Tổng thống Yoon Suk-yeol sẽ không lùi bước nếu cuộc khủng hoảng trở nên trầm trọng.

Từ đầu năm đến nay, Triều Tiên đã phóng với hơn 60 tên lửa, bao gồm cả việc huấn luyện các đơn vị được cho là phụ trách vũ khí mang đầu đạn hạt nhân chiến thuật.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.