Hàng loạt doanh nghiệp châu Âu đang chạy đua với thời gian để đổ đầy kho chứa dầu diesel trước khi lệnh cấm sản phẩm dầu mỏ Nga của Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu có hiệu lực vào năm sau, trong bối cảnh “lục địa già” vẫn “đỏ mắt” tìm các nguồn cung thay thế.
Từ ngày 5-12, EU sẽ cấm nhập hầu hết dầu thô Nga qua đường biển. TRONG ẢNH: Một tàu chở dầu cập cảng nhà máy lọc dầu ISAB của Lukoil (Nga). Ảnh: AP |
Trước đó, EU lên kế hoạch cấm dầu nhập khẩu từ Nga theo lộ trình cụ thể nhằm chặn nguồn tài chính Nga cấp cho chiến dịch quân sự tại Ukraine. Theo đó, từ ngày 5-12, EU sẽ cấm nhập hầu hết dầu thô của Nga qua đường biển và ngăn cản các doanh nghiệp trong khu vực này cung cấp dịch vụ tài chính hoặc bảo hiểm vận tải cho các lô dầu Nga. Cùng ngày, kế hoạch áp giá trần do Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) dẫn dắt cũng sẽ có hiệu lực. Kế hoạch này cho phép các doanh nghiệp phương Tây tiếp tục giao dịch dầu của Nga nhưng với điều kiện giá phải dưới hoặc bằng giá trần.
Sau đó, liên minh này sẽ cấm vận hoạt động vận chuyển các sản phẩm từ dầu của Nga từ tháng 2-2023. Cơ chế áp giá trần nằm trong tính tóan của phương Tây nhằm tiếp tục duy trì dòng chảy dầu của Nga trên toàn cầu để xoa dịu tình trạng khủng khoảng năng lượng song vẫn hạn chế doanh thu từ hoạt động xuất khẩu mặt hàng này của Moscow.
Reuters dẫn lời ông Pamela Munger, chuyên gia phân tích thị trường cao cấp tại công ty Vortexa cho biết, từ ngày 1 đến 12-11, lượng dầu diesel của Nga được vận chuyển đến khu vực lưu trữ Amsterdam-Rotterdam-Antwerp (ARA) chạm mức 215.000 thùng/ngày, tăng 126% so với tháng 10-2022. Theo Refinitiv, dầu diesel từ Nga chiếm 44% tổng lượng nhập khẩu nhiên liệu bằng đường bộ của châu Âu từ đầu tháng 11-2022 đến nay, trong khi con số này là 39% trong tháng 10-2022.
Thực tế, dù sự phụ thuộc của châu Âu vào nhiên liệu Nga đã giảm hơn 50% trước khi xung đột ở Ukraine diễn ra nhưng Nga vẫn là nhà cung cấp dầu diesel lớn nhất của lục địa này. Ông Eugene Lindell, chuyên gia tại FGE cho biết: “EU sẽ phải tìm được nguồn cung khoảng 500-600.000 thùng dầu diesel mỗi ngày để thay thế sản lượng từ Nga. Nguồn thay thế sẽ đến từ Mỹ, các khu vực phía đông Suez, chủ yếu là Trung Đông và Ấn Độ”.
Trước cả lệnh trừng phạt nói trên của EU, ICE Futures Europe, sàn giao dịch năng lượng hàng đầu châu Âu, cũng cấm dầu khí có hàm lượng lưu huỳnh thấp có nguồn gốc từ Nga. Từ ngày 30-11, các thương nhân phải bảo đảm rằng không có sản phẩm nào của Nga được đưa vào bất kỳ bể chứa nào trong khu vực ARA mở rộng sẽ được sử dụng để giao hàng vào tháng 1-2023 thông qua hợp đồng tương lai của ICE.
Châu Âu vẫn đang lo lắng về thị trường dầu diesel có nguy cơ khan hiếm. Trong khi đó, Trung Quốc xuất khẩu 1,06 triệu tấn dầu diesel trong tháng 10-2022 nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức 1,73 triệu tấn của tháng 9-2022. Các chuyên gia cho rằng: “Lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga cũng có thể tiếp tục phủ bóng đen lên thị trường nguồn cung dầu diesel ở “lục địa già”.
Trong khi đó, theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), xuất khẩu dầu thô Nga trong tháng 10-2022 vẫn tăng mạnh, bất chấp lệnh cấm sắp có hiệu lực. Tổng lượng dầu thô xuất khẩu tháng 10-2022 của Nga tăng 165.000 thùng/ngày lên 7,7 triệu thùng/ngày; trong đó, xuất khẩu sang EU là 1,5 triệu thùng/ngày. Dự kiến lệnh cấm sắp có hiệu lực sẽ làm giảm lượng xuất khẩu dầu Nga sang khối này khoảng 1,1 triệu thùng/ngày.
Hungary, Slovakia và Cộng hòa Czech tạm thời miễn áp dụng lệnh cấm nói trên khi viện dẫn khó khăn do không có nguồn thay thế cho dầu Nga. Cả ba nước này đang đều phụ thuộc lớn và đường ống Druzhba vận chuyển dầu trực tiếp từ Nga. Gần đây, Đức cảnh báo thiếu dầu cục bộ khi lệnh cấm có hiệu lực. Đây là một dấu hiệu nữa cho thấy sự gián đoạn mà cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu tiếp tục tàn phá nền kinh tế lớn nhất lục địa này. Vấn đề an ninh năng lượng ở miền Đông nước này, nơi có 2 công ty lọc dầu lớn phụ thuộc vào dầu thô của Nga đang trở nên đáng quan ngại. Chính phủ đang cố gắng tìm kiếm nguồn cung cấp thay thế thông qua hai đường ống khác - một chạy từ cảng Rostock của Đức ở Biển Baltic và một từ cảng Gdansk của Ba Lan. IEA dự báo, nguồn cung dầu toàn cầu sẽ tăng lên hơn 100 triệu thùng/ngày trong năm 2023. Tuy nhiên, thế giới vẫn sẽ thiếu khoảng 700.000 thùng/ngày do nhu cầu tăng lên.
Giá dầu xuống mức thấp nhất trong 2 tháng qua Giá dầu giảm xuống mức thấp nhất trong 2 tháng qua. Theo Reuters, lúc 15 giờ 15 ngày 21-11 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent giao tháng 1-2023 giảm 0,8% xuống còn 86,88 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 27-9. Giá dầu West Texas Intermediate (WTI) giao tháng 12-2022 tại Mỹ giảm xuống còn 79,4 USD/thùng. Giá dầu đã sụt giảm liên tiếp 2 tuần qua, với dầu Brent mất 9% và dầu WTI giảm 10%, cho thấy lo ngại về nguồn cung đã hạ nhiệt. Tina Teng, nhà phân tích của CMC Markets cho biết: “Bên cạnh dự báo về nhu cầu dầu suy giảm do các biện pháp phòng, chống Covid-19 của Trung Quốc thì sự phục hồi mạnh mẽ của đồng USD ngày 21-11 cũng là một yếu tố làm giảm giá dầu. Niềm tin của nhà đầu tư trở nên mong manh khi tất cả dữ liệu kinh tế của các nước lớn gần đây đều chỉ ra kịch bản suy thoái, đặc biệt là ở Vương quốc Anh và khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone)”. |
THƯ LÊ