Dự báo chính sách đối ngoại mới của Brazil dưới thời tân Tổng thống Lula

.

Khi Brazil muốn từ bỏ chính trị cánh hữu sau 4 năm, chính sách đối ngoại của chính quyền tổng thống mới đắc cử Lula lần thứ ba có ý nghĩa thế nào đối với khu vực và thế giới?

Ông Luiz Inacio Lula da Silva. Ảnh: AFP
Ông Luiz Inacio Lula da Silva. Ảnh: AFP

Sự trở lại của ông Luiz Inacio Lula da Silva cho nhiệm kỳ thứ ba với tư cách tổng thống Brazil, sau chiến thắng người đương nhiệm Jair Bolsonaro trong cuộc bầu cử diễn ra ngày 30-10 vừa qua, không chỉ là sự trở lại chính trường đáng chú ý, mà còn là thời điểm quan trọng đối với tương lai của quốc gia lớn nhất Nam Mỹ này.

Dưới thời Tổng thống Bolsonaro, GDP của Brazil đã giảm kể từ năm 2018. Vào năm 2010, Brazil là nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới và giờ đây nước này đã tụt xuống thứ 13, nạn đói ngày càng gia tăng, chưa kể đến gần 700.000 người chết vì Covid-19, cháy rừng và nạn phá rừng tăng cao ở Amazon, khiến cho “lá phổi của hành tinh” biến thành nguồn phát thải.

Ông Bolsonaro cũng bị chỉ trích đã gây ra chia rẽ trong xã hội Brazil vì lợi ích chính trị và cho phép mọi người tiếp cận súng đạn mà không có kiểm soát, cũng như không xử lý tốt đại dịch Covid-19. Có lẽ vì vậy, cử tri Brazil đã quyết định để ông Lula quay trở lại, sau khi đảng Công nhân (PT) do ông lãnh đạo, vốn nắm quyền trong giai đoạn gần đây nhất từ năm 2003 đến năm 2010 đã mang lại tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và giảm đáng kể bất bình đẳng.

Sau một vụ bê bối tham nhũng lớn liên quan đến phần lớn tổ chức chính trị Brazil, ông Lula đã bị bắt giam vào năm 2018, nhưng Tòa án tối cao của nước này đã ra lệnh trả tự do cho ông vào năm 2019 và sau đó hủy bỏ các cáo buộc.

Có thể nói bằng cách từ bỏ tầm nhìn cực hữu của Boslonaro, cử tri Brazil đã chọn đi theo nền tảng cánh tả của ông Lula, tập trung vào xóa nghèo và công bằng xã hội, bảo vệ nền dân chủ, bảo vệ môi trường và hàn gắn sự chia rẽ của đất nước.

Nhưng sau khi đảm nhiệm lại cương vị tổng thống vào ngày 1-1-2023, ông Lula sẽ không chỉ có các vấn đề trong nước phải giải quyết mà còn có nhiệm vụ tái khẳng định Brazil trên trường thế giới sau bốn năm suy giảm dưới thời Tổng thống Bolsonaro.

Chính sách đối ngoại mới

Việc ông Lula trở lại nắm quyền diễn ra vào đúng thời điểm chính trị Nam Mỹ đang chuyển hướng sang cánh tả, với một loạt các chính phủ cánh tả quay trở lại nắm quyền. Kể từ năm 2020, các chính phủ cánh tả đã nắm quyền ở Bolivia, Colombia, Chile và Peru. Theo Tatiana Prazeres, Giám đốc thương mại và quan hệ quốc tế của Liên đoàn các ngành công nghiệp của bang Sao Paulo, ông Lula dự kiến ​​sẽ tăng cường hợp tác giữa Brazil và nhiều nước trong số trên.

Nhưng bà Prazeres lưu ý: “Sự thay đổi này là một dấu hiệu cho thấy mọi người muốn những nhà lãnh đạo quan tâm sâu sắc hơn đến việc làm cho cuộc sống của người bình thường trở nên tốt hơn, đặc biệt là khi lạm phát và giá thực phẩm cũng như năng lượng tăng cao”.

Các chính sách môi trường được coi là một kế hoạch quan trọng để cải thiện hình ảnh của Brazil với phương Tây, khi ông Lula cam kết sẽ bắt đầu ngay lập tức ngăn chặn khai thác gỗ trái phép và sẽ tìm cách hồi sinh Quỹ Amazon - một quỹ quốc tế lớn có sự đóng góp của Na Uy và Đức. Một phân tích được thực hiện bởi tổ chức Carbon Brief dự báo rằng chiến thắng của ông Lula có thể cắt giảm gần 90% nạn phá rừng ở Brazil trong thập kỷ tới.

“Ông Lula đã nói rõ rằng sẽ coi Mỹ và châu Âu là những đối tác có giá trị đối với Brazil, đặc biệt là trong các lĩnh vực hợp tác thương mại và môi trường. Trong chính quyền tiếp theo, sự hợp tác của Brazil với Mỹ Latinh và Caribe sẽ không chỉ phụ thuộc vào mối quan hệ ý thức hệ mà còn phụ thuộc vào các lĩnh vực hợp tác thực tế”, Jason Marczak, Giám đốc cấp cao của Trung tâm Mỹ Latinh Adrienne Arsht nhận định.

Theo bà Prazeres, có tín hiệu cho thấy Brazil sẽ cần phải xây dựng lại hình ảnh quốc tế, cũng như ảnh hưởng toàn cầu và khu vực, lập luận rằng một trong những mối quan hệ song phương quan trọng sẽ là quan hệ giữa Brazil và Trung Quốc.

“Mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ giữa hai nước sẽ không phù hợp với mối quan hệ chính trị căng thẳng, vốn xuất hiện dưới thời chính quyền Bolsonaro. Với chính quyền Lula, chúng tôi có thể mong đợi Brazil và Trung Quốc khám phá các lĩnh vực khác để hợp tác”, bà Prazeres nêu rõ.

Theo vị chuyên gia này, tương lai của nhóm BRICS - bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - có thể có một bước ngoặt dưới thời Tổng thống Lula. Trong nhiệm kỳ trước của mình, ông Lula đã đưa ra các lập trường độc lập về một số vấn đề địa chính trị.

Về vấn đề lớn nhất hiện tại, cuộc xung đột Nga - Ukraine, ông Lula có thể sẽ đưa ra một lập trường cân bằng. Trong một cuộc phỏng vấn vào đầu năm nay, ông Lula tuyên bố rằng cả hai nước đều có lỗi dẫn đến cuộc xung đột.

Khi nói đến một vấn đề hóc búa khác - Israel và Palestine - ông Lula thẳng thắn ủng hộ Palestine và có khả năng "đoạn tuyệt" với chính sách của người tiền nhiệm Bolsonaro, vốn ủng hộ Israel. Năm 2010, chính quyền của ông Lula chính thức công nhận nhà nước Palestine.

Theo Báo Tin tức

;
;
.
.
.
.
.