G20 chật vật tìm sự đồng thuận

.

Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước đang phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) năm nay diễn ra ngày 15 và 16-11 tại đảo Bali (Indonesia) trong bối cảnh các nước chật vật hồi phục sau Covid-19 và ứng phó với ảnh hưởng từ xung đột Nga-Ukraine. Nước chủ nhà G20 Indonesia kêu gọi các bên tạm gác những bất đồng, đạt sự đồng thuận để có thể đi đến hành động chung, góp phần bảo đảm thành công cho sự kiện.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo và lãnh đạo các nước tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 tại Bali (Indonesia) ngày 15-11. Ảnh: AP
Tổng thống Indonesia Joko Widodo và lãnh đạo các nước tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 tại Bali (Indonesia) ngày 15-11. Ảnh: AP

Trong 2 ngày diễn ra hội nghị với chủ đề “Cùng nhau phục hồi, phục hồi mạnh mẽ hơn”, nhiều vấn đề trọng tâm được thảo luận gồm sự phục hồi kinh tế thế giới, hệ thống y tế thế giới, biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, an ninh lương thực và năng lượng.

“G20 phải đạt thành công”

Guardian dẫn lời Tổng thống nước chủ nhà G20 Indonesia Joko Widodo trong bài phát biểu khai mạc hội nghị cho biết, thế giới đang đối mặt với các cuộc khủng hoảng nối tiếp nhau và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. Ông Widodo kêu gọi tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, tôn trọng luật pháp và nguyên tắc quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên Hợp Quốc; đồng thời thúc đẩy các giải pháp đôi bên cùng có lợi. “G20 phải là chất xúc tác cho sự phục hồi kinh tế toàn diện. Chúng ta không nên phân mảng thế giới. Chúng ta không được để thế giới rơi vào một cuộc chiến tranh lạnh khác. Đối với tôi, G20 phải thành công, không được thất bại”, ông Widodo nhấn mạnh.

Ngày 15-11, phiên thảo luận khai mạc G20 bàn về tình hình tại Ukraine, sau đó là các phiên bàn về y tế toàn cầu và các vấn đề số hóa. Trong trong khuôn khổ hội nghị, Indonesia chính thức công bố thành lập Liên minh tài chính hỗn hợp toàn cầu (GBF) hướng đến mục tiêu xây dựng năng lực tài chính hỗn hợp tốt hơn trong khu vực, bao gồm các hoạt động tài chính giữa các quốc gia, khu vực tư nhân và hoạt động từ thiện. Tổng thống Widodo tuyên bố nước này sẵn sàng hỗ trợ sáng kiến “Đối tác về cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu (PGII)” do Tổng thống Mỹ Joe Biden khởi xướng.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi các tổ chức tài chính quốc tế và ngân hàng thương mại  nên giảm nợ và giãn nợ cho các nước đang phát triển. Ông Tập Cận Bình cho biết, Trung Quốc đang thực hiện Sáng kiến hoãn thanh toán nợ (DSSI) của G20 trên mọi phương diện và đã đình chỉ số tiền thanh toán nợ lớn nhất trong tất cả các thành viên G20. Chủ tịch Trung Quốc cho rằng, thế giới cần kiên quyết phản đối âm mưu chính trị hóa các vấn đề lương thực và năng lượng, chấm dứt các biện pháp trừng phạt đơn phương và dỡ bỏ các hạn chế đối với hợp tác khoa học và công nghệ có liên quan.

Còn nhiều thách thức

Năm nay, các nước G20 đều nỗ lực để đạt được đồng thuận trong việc giải quyết nhiều vấn đề như phục hồi sau đại dịch, khủng hoảng năng lượng và lương thực, những rạn nứt, chia rẽ sâu sắc của các nước về vấn đề Ukraine và các lệnh trừng phạt phương Tây áp lên Moscow. Thực tế, với nhiều nước G20 không thuộc Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), những thách thức về kinh tế, thiếu lương thực và mối lo năng lượng còn quan trọng hơn vấn đề Ukraine. Do đó hội nghị G20 được cho là sẽ cần chú trọng hơn tới các giải pháp hỗ trợ những nước đó thay vì chỉ hối thúc họ lên án xung đột tại Ukraine như mong muốn của một số nước phương Tây.

Một quan chức cấp cao của Đức nói: “Chúng tôi muốn tránh việc hình thành những chiến tuyến tại G20. Chúng tôi muốn cởi mở trong đối thoại với các nước ngay cả khi họ không ủng hộ các lệnh trừng phạt Moscow”. Theo đó, những vấn đề như biến đổi khí hậu, sự phổ biến vũ khí hạt nhân, các đại dịch, năng lượng rất cần một diễn đàn để thúc đẩy sự quản trị toàn cầu và G20 là nơi hoàn hảo cho việc đó. Tuy nhiên chuyên gia này bày tỏ lo ngại, hội nghị  năm nay sẽ bị xung đột tại Ukraine lái theo những chủ đề chính trị mà không phải là chú trọng các giải pháp cho hồi phục kinh tế như nhiều quốc gia tham dự mong mỏi. DW dẫn lời chuyên gia Josh Lipsky, Giám đốc cấp cao tại Trung tâm địa kinh tế thuộc tổ chức Hội đồng Đại Tây Dương cho biết: “Thách thức thực sự với G20 lần này là sẽ không có nhiều khả năng đạt được kế hoạch khả thi hay thỏa thuận nào vì họ khó có thể đi tới được đồng thuận nào của khối”.

Trung Quốc và Ấn Độ, 2 trong số 6 nền kinh tế lớn nhất thế giới, vẫn giữ lập trường cân bằng về vấn đề Ukraine. Các thành viên khác của G20 như Saudi Arabia, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ cũng bày tỏ quan điểm không thuận theo yêu sách của phương Tây trong việc áp trừng phạt với Moscow. Financial Times dẫn lời ông Charles Kupchan, chuyên viên nghiên cứu cao cấp tại tổ chức nghiên cứu Hội đồng quan hệ đối ngoại có trụ sở tại Mỹ cho biết: “Đây thực sự là một hội nghị G20 diễn ra sau khi kết thúc một kỷ nguyên hậu chiến tranh Lạnh. Chúng ta đang quay trở lại một bối cảnh toàn cầu mà trong đó có sự đối đầu quân sự giữa phương tây và Nga. Và sự đối đầu đó giờ đang mở rộng sang cả Trung Quốc. Khả năng để G20 có thể hoạt động như một tổ chức hợp tác đang bị ngờ vực rất nhiều”.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.