Trong thế giới đầy biến động, những cảnh báo từ Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP27) tại Ai Cập đặt ra nhiều thách thức nghiêm trọng cho cộng đồng quốc tế.
Trước tiên là thực trạng hơn 50 nước có nguy cơ vỡ nợ. Ngày 10-11, Tổng Giám đốc Cơ quan phát triển của LHQ (UNDP) Achim Steiner cho hay: “Có 54 quốc gia đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Nếu tiếp tục có thêm cú sốc khác như lãi suất tăng cao, các khoản vay đắt đỏ, khủng hoảng năng lượng và lương thực trầm trọng hơn thì việc một số nước vỡ nợ là điều không thể tránh khỏi. Điều này sẽ tạo ra viễn cảnh tồi tệ, hãy nhìn những gì đã xảy ra ở Sri Lanka trong các lĩnh vực xã hội, kinh tế và chính trị”.
Trong báo cáo gửi đến COP27, UNDP kêu gọi xóa nợ khẩn cấp cho 54 nước nghèo. Theo UNDP, nếu không có biện pháp cứu trợ ngay lập tức, các nước này sẽ chứng kiến tình trạng nghèo đói gia tăng và các khoản đầu tư tối cần thiết cho việc thích ứng, giảm thiểu tác động của khí hậu sẽ không mang lại hiệu quả. Thực tế, các nước nghèo đang đối mặt với nhiều sức ép kinh tế và nhiều trong số này không thể thanh toán các khoản nợ hoặc tiếp cận nguồn tài chính mới.
Những rắc rối về nợ đã âm ỉ ở nhiều nước từ rất lâu trước khi Covid-19 bùng phát, trong khi đó, việc tạm đình chỉ nghĩa vụ trả nợ được áp dụng trong thời kỳ dịch bệnh đã hết hiệu lực. Có 46 trong số 54 quốc gia có nợ công tích lũy tổng cộng là 782 tỷ USD năm 2020, trong đó Argentina, Ukraine và Venezuela chiếm hơn 1/3 số tiền này. Tình hình đang xấu đi nhanh chóng khi 19 trong số các nước đang phát triển đã đóng cửa thị trường cho vay - tăng 10 nước so với đầu năm 2022.
Rõ ràng, đấy là những điều rất đáng lo ngại, bởi lẽ các nước bị ảnh hưởng lại thuộc nhóm dễ bị tổn thương nhất do lạm phát, khủng hoảng năng lượng, xung đột vũ trang và biến đổi khí hậu.
Vấn đề đáng quan tâm khác chính là tính cấp bách phải hành động chống biến đổi khí hậu. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho rằng, các quốc gia đang đối mặt với lựa chọn rõ ràng: ngay bây giờ phải cùng nhau làm việc để cắt giảm khí thải hoặc đánh mất các thế hệ tương lai vì thảm họa khí hậu. Lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tiếp tục tăng, nhiệt độ toàn cầu tăng cao khiến hành tinh đang tiến nhanh đến các điểm giới hạn, làm cho sự hỗn loạn khí hậu không thể đảo ngược.
Theo Tổ chức khí tượng thế giới (WMO), có 93% khả năng kỷ lục về năm nóng nhất trên toàn cầu sẽ bị phá vỡ trong vòng 5 năm tới. Cơ quan này cảnh báo, việc tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nhất là trong mùa đông năm nay tại châu Âu do khủng hoảng năng lượng, đồng nghĩa với việc có tới 48% nhiệt độ toàn cầu trung bình hằng năm tạm thời vượt quá 1,50C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp trong 1 năm của 5 năm tới. Trong khi đó, việc tài trợ cho thích ứng với biến đổi khí hậu đang thấp hơn từ 5 đến 10 lần so với nhu cầu, và khoảng cách sẽ ngày càng lớn.
Có thể nói, hai cảnh báo nói trên đang thật sự là mối đe dọa đến sự sống còn của nhân loại. Vì thế, không chỉ tại COP27 hay các diễn đàn quốc tế khác, nhất là tại các Hội nghị Thượng đỉnh của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đều diễn ra tại Đông Nam Á trong tháng này, giành phần lớn chương trình nghị sự cho các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới đánh giá, thảo luận và đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm “hóa giải” những thách thức mang tính thời đại.
TUYẾT MINH