Nỗ lực bảo đảm Trung Đông hòa bình và ổn định

.

Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập có tầm ảnh hưởng lớn ở Trung Đông. Tuy nhiên, quan hệ song phương trở nên căng thẳng từ năm 2013, khi nhà lãnh đạo Ai Cập thuộc Phong trào anh em Hồi giáo, ông Mohamed Morsi, mà chính quyền của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ủng hộ, bị lật đổ. Cùng với đó là hàng chục nghi can bị tình nghi hoạt động gián điệp cho Thổ Nhĩ Kỳ và gia nhập một tổ chức khủng bố đã bị Ai Cập bắt giữ.

Ngay sau đó, hai nước liên tiếp triển khai các động thái “ăn miếng trả miếng” lẫn nhau. Ankara giáng cấp quan hệ với Cairo và không thừa nhận Ðại sứ Ai Cập tại nước này nhằm đáp trả quyết định tương tự trước đó của Cairo. Trong khi quan hệ song phương trở nên “nguội lạnh” thì khủng hoảng chính trị kéo dài tại Libya, nước láng giềng của Ai Cập, cũng góp phần làm leo thang căng thẳng giữa hai bên. Đáng chú ý, đầu tháng 7-2020, tình hình ở Libya vẫn vô cùng căng thẳng; trong đó khả năng Thổ Nhĩ Kỳ giao chiến trực tiếp với quân đội Ai Cập được đánh giá là nguy cơ hiện hữu.

Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường can thiệp quân sự vào Libya với ý định hậu thuẫn cho Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA) nhằm làm suy yếu Quân đội quốc gia Libya (LNA) do Tướng Halfar đứng đầu được Ai Cập hậu thuẫn, qua đó hướng đến mục tiêu lớn hơn là nắm quyền thăm dò, khai thác dầu khí ở Địa Trung Hải. Cairo kịch liệt chỉ trích sự can dự của Ankara vào Libya và để ngỏ khả năng đưa quân đội tham chiến.

Năm 2022, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi phát tín hiệu cứng rắn khi cho rằng, khu vực Sirte-Jufra là “ranh giới đỏ” đối với Ai Cập và GNA không được phép đi quá giới hạn này. Ông El-Sisi viện dẫn tầm quan trọng của việc bảo vệ biên giới làm cơ sở để can thiệp trực tiếp vào Libya. Theo đó, Ai Cập có quyền tự bảo vệ sau khi nhận thấy mối đe dọa trực tiếp từ các lực lượng Lybia được nước ngoài hậu thuẫn. Ông El-Sisi cũng để ngỏ khả năng điều chuyển lực lượng quân sự ra nước ngoài nhằm hối thúc Mỹ phải xem xét nghiêm túc yêu cầu của Ai Cập về thiết lập lệnh ngừng bắn tại Libya. Về phần mình, Ankara tuyên bố sẽ xây dựng các căn cứ quân sự mới tại Libya như đã làm ở nhiều nước khác.

Căng thẳng lại tăng nhiệt vào đầu tháng 10-2022, sau khi Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu và người đồng cấp Najla al-Mangoush của GNA có trụ sở tại Tripoli ký các thỏa thuận kinh tế sơ bộ với Thổ Nhĩ Kỳ; trong đó cho phép Ankara thăm dò năng lượng tại các vùng biển của Libya ở Địa Trung Hải. Động thái này lập tức vấp phải sự phản đối của nhiều nước như Hy Lạp và Cyprus khi họ cho rằng thỏa thuận vi phạm luật pháp quốc tế về biển, gây bất ổn ở khu vực và có ý phá hoại các dự án phát triển khai thác khí đốt ở đông Địa Trung Hải.

Dẫu vậy, bất chấp sự chia rẽ sâu sắc về chính trị, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn duy trì quan hệ về kinh tế. Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu danh sách các nước nhập khẩu hàng hóa của Ai Cập, chiếm tới 8% tổng kim ngạch trong nửa đầu năm 2022. Đặc biệt, cuộc gặp giữa Tổng thống Erdogan và người đồng cấp Ai Cập El-Sisi ngày 20-11 trước sự chứng kiến của Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al-Thani thu hút sự chú ý của dư luận. Cái bắt tay thân mật giữa ông Erdogan với ông El-Sisi tại Qatar có thể đánh dấu quá trình bình thường hóa quan hệ song phương.

Ông Erdogan hy vọng các bước cải thiện quan hệ với Ai Cập, bắt đầu bằng đối thoại ở cấp bộ trưởng, sẽ sớm đạt đến giai đoạn đàm phán cấp cao nhất. Trong khi đó, các quan chức Ai Cập cũng đánh giá cao cuộc gặp; đồng thời cho biết hai nhà lãnh đạo đã xác nhận “mối liên kết lịch sử sâu sắc giữa hai đất nước”. Theo các nhà quan sát, nếu Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ sớm “cài đặt” lại quan hệ thì tín hiệu tích cực này sẽ góp phần quan trọng trong nỗ lực bảo đảm một Trung Đông hòa bình và ổn định.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.