Quan hệ Mỹ - EU: Liệu "cái sảy nảy cái ung"?

.

Ngay sau khi lên nắm quyền lãnh đạo nước Mỹ cách đây 2 năm, Tổng thống Joe Biden nhanh chóng tháo “ngòi nổ” xung đột thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương mà người tiền nhiệm gây ra khi cam kết Washington sẽ tránh tối đa các hành động đơn phương và luôn tham vấn các đồng minh mỗi khi đưa ra quyết sách quan trọng.

Tuy nhiên, tháng 8-2022, Tổng thống Biden ký đạo luật Giảm lạm phát do chính ông khởi xướng và đã được Quốc hội thông qua trước đó. Đạo luật trị giá 430 tỷ USD này dành 369 tỷ USD đầu tư vào các chính sách khí hậu và năng lượng. Điều đáng nói là châu Âu xem đạo luật như động thái đơn phương của Mỹ, biểu hiện rõ ràng của chính sách bảo hộ, đi ngược lại với các cam kết của Washington về chủ nghĩa đa phương và tự do thương mại.

Theo CNBC, dự luật gồm việc miễn trừ thuế đối với xe điện được sản xuất ở Bắc Mỹ và hỗ trợ chuỗi cung ứng pin của Mỹ. Các quan chức Liên minh châu Âu (EU) lo ngại, các rào cản thương mại mới có thể ảnh hưởng các nhà sản xuất xe điện châu Âu. Ủy viên phụ trách vấn đề cạnh tranh của Ủy ban châu Âu (EC) Margrethe Vestager nói rằng: “Về nguyên tắc, chúng ta không nên đặt ra các quy định chống lại bạn bè của mình”. Ngày 2-11, 27 quốc gia EU chỉ trích đạo luật của Mỹ cho thấy sự phân biệt đối xử đối với các nhà sản xuất EU vì nó chỉ giảm thuế cho người tiêu dùng đối với những mặt hàng được sản xuất tại Bắc Mỹ, qua đó khiến ô-tô điện sản xuất tại EU gặp bất lợi tại thị trường nội địa béo bở ở Mỹ.

Đặc biệt, đạo luật cũng gây khó cho Đức, quốc gia có ngành công nghiệp xe hơi đóng vai trò chủ chốt. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cảnh báo, các kế hoạch của Mỹ nhằm bảo vệ các công ty trong nước trước sự cạnh tranh từ nước ngoài có thể gây ra “cuộc chiến thuế quan lớn”. Thậm chí, tại cuộc gặp mới đây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Scholz tạm gác các bất đồng trong quan hệ song phương để đưa ra tuyên bố chung thể hiện sự quan ngại của các nước châu Âu; đồng thời khẳng định, nếu Washington không xem xét lại đạo luật thì EU sẽ có biện pháp đáp trả. Tuy nhiên, để giảm phản ứng mạnh mẽ từ các thành viên và không dồn Mỹ vào thế bí, Ủy viên thương mại EU Valdis Dombrovskis nói: “Có thể sẽ không dễ sửa đổi đạo luật nhưng EU phải can thiệp. Chúng tôi sẽ tạo cơ hội đàm phán trước khi đưa ra các cân nhắc tiếp theo”.

Trong diễn biến liên quan, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire chỉ trích việc Mỹ bán khí đốt tự nhiên hóa lỏng cho các công ty châu Âu với giá cao gấp 4 lần giá bán trong nước, qua đó gây nguy hiểm cho sân chơi bình đẳng và làm tăng nguy cơ cuộc chiến thương mại mới. Tổng thống Pháp cũng chỉ trích chính sách năng lượng và thương mại của Mỹ là “tiêu chuẩn kép”. Cụ thể, giá năng lượng ở Mỹ thấp trong khi cường quốc này bán khí đốt tự nhiên cho châu Âu với mức giá cao kỷ lục.

Thực tế, cả Mỹ lẫn EU đều không mong muốn sự bất đồng nói trên bùng nổ thành cuộc chiến thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương do cả hai phải củng cố “mặt trận đoàn kết” để ứng phó với Nga và tiếp tục ủng hộ Ukraine. Tuy nhiên, những ngày qua, nguy cơ rạn nứt mối liên kết này đang gia tăng tại Mỹ. Khi đảng Cộng hòa giành quyền kiểm soát Hạ viện, nước này nhiều khả năng sẽ không cung cấp viện trợ kinh tế-quân sự ồ ạt cho Ukraine như hiện nay. Hạ nghị sĩ Mỹ Matt Gaetz nhấn mạnh: “Những ngày viện trợ tiền và trang thiết bị quân sự cho Ukraine sẽ sớm kết thúc”.

Đáng chú ý, phát biểu tại cuộc họp báo ngày 17-11, Hạ nghị sĩ Cộng hòa James Comer, thành viên hàng đầu trong Ủy ban Giám sát Hạ viện nói: “Tại Quốc hội nhiệm kỳ mới, Ủy ban Giám sát Hạ viện sẽ đánh giá tình trạng mối quan hệ của Tổng thống Biden với các đối tác nước ngoài của gia đình ông ấy”. Ông Comer cũng cáo buộc gia đình ông Biden kinh doanh ngày một phát đạt thông qua các mối quan hệ của con trai ông là Hunter Biden.

Những bài toán hóc búa nói trên buộc Mỹ và EU phải cân nhắc thiệt hơn, tránh để “cái sảy nảy cái ung”, qua đó bảo đảm mục tiêu địa chính trị của cả hai tại “lục địa già” không bị phá vỡ.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.