Thảm họa sập cầu ở Ấn Độ

.

Tai nạn do cơ sở hạ tầng cũ và được bảo trì kém bao gồm cầu dường như khá phổ biến ở Ấn Độ. Song, vụ sập cầu treo ở thành phố Morbi (bang Gujarat) tối 30-10 gây thương vong lớn tiếp tục gióng hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng quản lý cơ sở hạ tầng ở nước này. Điều đáng nói là cây cầu gần 150 tuổi này chỉ vừa được bảo dưỡng xong và cho lưu thông trở lại.

Ngày 31-10, lực lượng cứu hộ làm nhiệm vụ tại hiện trường vụ sập cầu ở bang Gujarat (Ấn Độ). Ảnh: AFP
Ngày 31-10, lực lượng cứu hộ làm nhiệm vụ tại hiện trường vụ sập cầu ở bang Gujarat (Ấn Độ). Ảnh: AFP

Vụ sập cầu ở Morbi là một trong những vụ tai nạn có số thương vong lớn nhất ở Ấn Độ trong 10 năm qua. Các trang tin tức quốc tế cập nhật con số thương vong khác nhau. Theo BBC và NDTV, tính đến chiều 31-10, có ít nhất 141 người thiệt mạng, trong đó có nhiều trẻ em. Trong khi đó, theo tờ Times of India và Reuters, ít nhất 134 người chết. Hơn 177 người được cứu và lực lượng cứu hộ tiếp tục tìm kiếm những người còn mất tích. Điều bất lợi ở chỗ, vụ tai nạn xảy ra trong đêm, cùng với dòng nước chảy xiết, khiến người dân địa phương và lực lượng chức năng gặp khó khi cứu hộ.

Ngay sau vụ sập cầu, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chỉ đạo cơ quan chức năng khẩn trương giúp đỡ chính quyền Morbi và đẩy nhanh hoạt động cứu hộ và y tế khẩn cấp. “Chính quyền bang Morbi đã thành lập ủy ban để điều tra vụ việc”, ông Modi nói; đồng thời cho biết sẽ thị sát hiện trường vụ thảm họa vào chiều 1-11. Trong nỗ lực giải quyết hậu quả vụ tai nạn thương tâm này, chính phủ Ấn Độ công bố hỗ trợ 2 lakh rupee (hơn 2.400 USD) cho thân nhân của mỗi người thiệt mạng và 50.000 rupee (hơn 600 USD) cho mỗi người bị thương.

Ấn Độ đã lập cơ quan điều tra nguyên nhân vụ tai nạn thương tâm này. Quốc hội cũng yêu cầu điều tra hình sự về vụ sập cầu với các cáo buộc về “bất cẩn gây hậu quả nghiêm trọng” và “quản lý yếu kém”. Cảnh sát bang Gujarat đã bắt giữ 9 người liên quan đến vụ việc. Từ lời kể của các nhân chứng, truyền thông quốc tế đưa ra những nhận định ban đầu về sự vụ này. NDTV dẫn lời ông Vijay Goswam, một nhân chứng cho biết, các nhân viên làm việc tại cầu chỉ quan tâm đến việc bán vé mà không có kế hoạch kiểm soát đám đông. Trước khi tai nạn xảy ra, khi gia đình ông đang đi trên cây cầu thì chứng kiến một số thanh niên cố tình gây rung lắc cây cầu để dọa dẫm, khiến cho nhiều người khó đi lại. Gia đình ông cảm thấy bất an và rời khỏi chiếc cầu, thậm chí còn báo vụ việc cho nhân viên nhưng họ lại tỏ ra thờ ơ.

Trong khi đó, Press Trust of India dẫn nguồn tin cho biết cây cầu sập vì không chịu được sức nặng của hàng trăm du khách. Theo đó, khoảng 500 người có mặt trên cầu trong khi nó chỉ có sức chứa khoảng 125 người. Tình trạng quá tải khiến dây cáp bị đứt ở một đầu dẫn đến cấu trúc sụp đổ chỉ trong vài giây. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, chính công tác quản lý, bảo trì yếu kém dẫn đến tai nạn. Được biết, cây cầu dài 233m, rộng 1,5m, được khánh thành năm 1880. Nó đã đóng cửa để tu sửa trong vài tháng và mới được đưa vào hoạt động trở lại vào ngày 27-10 dù không có chứng nhận an toàn.

Tờ Times of India dẫn bản sao thỏa thuận giữa chính quyền Morbi và công ty tư nhân Ajanta Oreva, cho biết, công ty này phải giám sát công tác bảo trì trong 8-12 tháng. Tuy nhiên, cây cầu đã được thông xe chỉ sau 5 tháng bảo trì. Theo NDTV, một đoạn video quay từ ngày 29-10, một ngày trước thảm kịch, cho thấy cây cầu đã lắc lư dữ dội. Ông Harsh Sanghavi, người đứng đầu Nội vụ bang Gujarat cho biết, chính quyền bang đã khiếu nại hình sự đơn vị đảm nhiệm việc bảo trì cây cầu. Trong khi đó, Brijesh Merja, người đứng đầu cơ quan Lao động và Việc làm bang Gujarat nói rõ: “Chúng tôi hoàn toàn bị sốc. Chính quyền phải nhận trách nhiệm về thảm kịch này”.

Trước thảm họa ở Morbi, Ấn Độ cũng từng chứng kiến một số vụ tai nạn thương tâm liên quan đến sập cầu. Năm 2016, vụ sập cầu vượt trên con phố đông đúc ở thành phố Kolkata khiến ít nhất 26 người chết. Năm 2011, ít nhất 32 người thiệt mạng khi cây cầu chật kín đám đông dự lễ hội bị sập ở đông bắc Ấn Độ. Đáng chú ý, vụ sập cầu ở Morbi là thảm họa lớn thứ ba của châu Á liên quan đến đám đông chỉ trong một tháng, sau vụ giẫm đạp trong lễ hội Halloween ở Itaewon (Seoul, Hàn Quốc) ngày 29-10 khiến ít nhất 154 người thiệt mạng và vụ giẫm đạp xảy ra tại sân vận động ở Indonesia ngày 1-10 khiến 132 người thiệt mạng.

Chủ tịch nước và Thủ tướng gửi điện chia buồn

Ngày 31-10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi điện chia buồn tới Tổng thống Droupadi Murmu về vụ sập cầu xảy tại bang Gurajat khiến nhiều người thiệt mạng. Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng gửi điện chia buồn tới Thủ tướng Narendra Modi.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.