Dư luận thế giới tuần qua đặc biệt quan tâm đến cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ vì nó có tác động đến tình hình nội bộ của nước này và tiếp đó là ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Washington. Ngoài ra, hội nghị cấp cao ASEAN cũng thu hút sự chú ý lớn khi có sự tham dự của nhiều nhà lãnh đạo từ các cường quốc và tổ chức quốc tế.
Các cử tri Mỹ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử giữa kỳ. Ảnh: TTXVN |
Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ
Ngày 8-11, cử tri Mỹ bắt đầu đi bầu lại toàn bộ 435 ghế Hạ nghị sĩ liên bang với nhiệm kỳ 2 năm; 35 trong tổng số 100 ghế Thượng nghị sĩ liên bang nhiệm kỳ 6 năm, trong đó 15 ghế do đảng Dân chủ nắm giữ, 20 ghế do đảng Cộng hòa kiểm soát.
Tính đến ngày 12-11, theo số liệu thống kê của kênh CNN, Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa, mỗi đảng kiểm soát 49 ghế Thượng viện. Việc đảng nào giành được quyền lãnh đạo Thượng viện sẽ phụ thuộc vào kết quả bầu cử giữa kỳ tại hai bang Georgia và Nevada. Dự kiến, vòng bầu cử thứ hai giữa các ứng viên thượng nghị sĩ ở bang Georgia sẽ diễn ra vào ngày 6-12.
Hiện tại, Đảng Cộng hòa đang tiến đến gần mục tiêu tối thiểu 218 ghế cần thiết để giành quyền kiểm soát Hạ viện từ tay Đảng Dân chủ. Số liệu cập nhật đến ngày 12-11 cho thấy Đảng Dân chủ đã giành được 202 ghế Hạ viện, kém đảng Đảng Cộng hòa 9 ghế.
Theo nhận định của hãng tin Reuters, các cuộc đua cạnh tranh nhất, đặc biệt là ở các bang Arizona, California và Washington, vẫn chưa ngã ngũ, làm dấy lên khả năng kết quả cuối cùng vẫn rất khó đoán.
Do đó, kết quả các cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ sẽ phải mất một thời gian mới được hé lộ, khi việc kiểm phiếu tại các bang quan trọng vẫn tiếp diễn. Theo Bloomberg, cuộc đua kiểm soát Thượng viện có thể kéo dài đến tháng 12 khi bầu cử ở bang Georgia phải tiến hành vòng hai. Tuy nhiên, tờ New York Times cho rằng có thể phải mất nhiều thời gian hơn nữa để xác định chắc chắn những kết quả đó sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với phần còn lại trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Joe Biden.
Cuộc bầu cử giữa kỳ theo truyền thống này được cho là phép thử đối với Tổng thống Biden về thước đo sự ủng hộ các chính sách của chính quyền đương nhiệm, nhưng cũng có ý nghĩa đối với tình hình nội bộ nước Mỹ.
Cuộc bầu cử có ý nghĩa quan trọng trong nền chính trị Mỹ vì sẽ bầu ra một Quốc hội mới. Nó cũng rất quan trọng với Tổng thống Biden và đảng Dân chủ, bởi nếu đảng Dân chủ thất bại trong cuộc bầu cử này (mất thế đa số trong lưỡng viện hoặc chỉ kiểm soát được một trong 2 viện), Tổng thống Biden sẽ gặp nhiều khó khăn trong triển khai chính sách của mình.
Nếu nắm quyền kiểm soát một trong hai viện tại Quốc hội, về kinh tế, đảng Cộng hòa có kế hoạch siết chặt chi phí cho các các chương trình an sinh xã hội và Medicare cũng như thực hiện các biện pháp liên quan tới Đạo luật cắt giảm thuế và việc làm năm 2017, dự kiến sắp hết hạn. Tổng thống Donald Trump khi đó đã ký đạo luật này vào năm 2017, theo đó giảm vĩnh viễn thuế doanh nghiệp và bất động sản, đồng thời tạm thời hạ hầu hết các mức thuế thu nhập cá nhân trong khi tăng thuế suất cho một số đối tượng. Đảng Cộng hòa cũng có thể cân nhắc giảm trần nợ để cắt giảm chi tiêu và xem xét lại các hỗ trợ cho Ukraine.
Trong khi ông Biden vẫn có quyền phủ quyết, việc đảm bảo hoạt động của chính phủ và tránh vỡ nợ quốc gia có thể cần sự xem xét của nghị sĩ đảng Cộng hòa Kevin McCarthy, người đang muốn trở thành chủ tịch Hạ viện.
Bên cạnh đó, việc kiểm soát Thượng viện sẽ cho phép đảng Cộng hòa có quyền chặn các ứng cử viên được Tổng thống Biden lựa chọn cho các chức vụ tư pháp và hành chính. Ngay cả một thế đa số mong manh tại Hạ viện cũng đủ để đảng Cộng hòa chống lại Tổng thống Joe Biden trong 2 năm cầm quyền còn lại, cản trở các dự luật và thậm chí là khởi động các cuộc điều tra có khả năng gây tổn hại về mặt chính trị.
Tờ Thời báo Tehran (Iran) bình luận dù kết quả của cuộc bầu cử giữa kỳ như thế nào thì chúng cũng có thể gây tranh cãi và vẫn có khả năng hệ thống chính trị Mỹ sẽ phải đối mặt với những xáo trộn mới trong những năm tới.
Hội nghị cấp cao ASEAN
Ngày 11-11, Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 40, 41 đã chính thức được khai mạc tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam dự lễ khai mạc.
Các nhà lãnh đạo ASEAN+3 chụp ảnh chung. Ảnh: TTXVN |
Hội nghị cũng có sự tham gia của nhiều đối tác, trong đó có nhà lãnh đạo từ các cường quốc thế giới và khu vực như Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol,... Hội nghị diễn ra trong bối cảnh khu vực phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm tình hình Myanmar và sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa Mỹ - Trung Quốc cũng như cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Đây là dịp để lãnh đạo các nước trao đổi về nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN, tăng cường đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN, kiểm điểm và định hướng quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, thảo luận về nhiều vấn đề chiến lược ở khu vực và thế giới.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đề cao ý nghĩa kỷ niệm 55 năm thành lập ASEAN, đánh dấu chặng đường dài của liên kết và hợp tác khu vực, thúc đẩy sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình ASEAN vì mục tiêu chung là hòa bình, tự cường và phát triển. Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các hội nghị liên quan là dịp để các nước cùng nhìn lại và quyết tâm phấn đấu cho một tương lai đoàn kết, tự cường, bao trùm và dựa trên luật lệ.
Bên cạnh những thành quả, Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh cần nhận thức rõ ASEAN và khu vực đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, đặt ra yêu cầu cấp thiết cần có cách tiếp cận tổng thể, tầm nhìn, định hướng và chính sách đúng đắn. Ông Hun Sen cho rằng ASEAN cần dành ưu tiên cao nhất cho duy trì đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm để cùng nhau vượt qua thách thức, xây dựng cộng đồng tự cường cho tất cả người dân.
Theo Tân Hoa Xã, các nhà lãnh đạo của ASEAN ngày 11-11 đã thông qua nhiều tuyên bố nhằm mục đích thúc đẩy hơn nữa hợp tác để phục hồi sau đại dịch Covid-19 và để cùng nhau giải quyết những thách thức chính. Với lịch trình dày đặc hơn 20 hoạt động trong 3 ngày, lãnh đạo các nước ASEAN cùng 10 đối tác sẽ có dịp trao đổi sâu rộng về nhiều nội dung liên quan đến xây dựng Cộng đồng ASEAN, hợp tác giữa ASEAN với các đối tác, chia sẻ quan điểm về định hướng giải pháp cho nhiều vấn đề khu vực và quốc tế.
Dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 41 với trọng tâm thảo luận về quan hệ đối ngoại của ASEAN, cấu trúc khu vực và các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu chia sẻ nhận định về tình hình quốc tế và khu vực.
Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có nhiều cuộc gặp với lãnh đạo các nước, tổ chức khu vực và quốc tế như Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Quốc vương Brunei Darussalam Sultan Haji Hassanal Bolkiah,...
Bình luận về vai trò của Việt Nam trong ASEAN, chuyên gia Collins Chong Yew Keat, giảng viên Đại học Malaya (Malaysia), cho rằng Việt Nam luôn có những đóng góp tích cực vào hợp tác ASEAN, nỗ lực thúc đẩy đoàn kết trong ASEAN cũng như vai trò trung tâm của hiệp hội.
Theo Báo Tin tức