Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) lần thứ 17 cùng kết quả bầu cử giữa kỳ ở Mỹ là hai sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua.
Logo Hội nghị cấp cao G20 tại Nusa Dua, Bali, Indonesia. Ảnh: Báo Tin tức |
Hội nghị cấp cao G20
Trong hai ngày 15 - 16-11, hòn đảo du lịch Bali của Indonesia đã trở thành tâm điểm chú ý của cả thế giới khi đăng cai Hội nghị cấp cao G20 lần thứ 17. Hội nghị có sự tham dự của hàng chục nguyên thủ, người đứng đầu chính phủ, lãnh đạo tổ chức quốc tế, cùng khoảng 600 đại biểu và trên 2.100 nhà báo từ hơn 410 cơ quan truyền thông quốc tế.
Đây là một trong những sự kiện quốc tế có quy mô lớn nhất từ trước đến nay được tổ chức tại khu vực Đông Nam Á và cũng là sự kiện quan trọng nhất đánh dấu nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Indonesia. Trên tinh thần “Cùng nhau phục hồi, Phục hồi mạnh mẽ hơn” của Chủ tịch G20 Indonesia 2022, hội nghị tập trung vào 3 chương trình nghị sự chính - gồm tăng cường cấu trúc y tế toàn cầu, chuyển đổi kinh tế kỹ thuật số và chuyển đổi năng lượng bền vững.
Trước nguy cơ kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái, các nhà lãnh đạo G20 đã nhấn mạnh những nỗ lực chung và biện pháp phục hồi hậu đại dịch COVID-19. Theo đó, G20 cam kết tăng đầu tư công và tiến hành cải cách cơ cấu, thúc đẩy đầu tư tư nhân, thương mại đa phương và tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm hỗ trợ tăng trưởng dài hạn, chuyển đổi bền vững và bao trùm, xanh và công bằng.
Phiên họp tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20, ở Nusa Dua, Bali, Indonesia, hôm 16-11. Ảnh: Báo Tin tức |
Theo hãng tin Reuters, dù không nằm trong chương trình nghị sự chính của hội nghị, cuộc xung đột tại Ukraine đã trở thành chủ đề chi phối các cuộc thảo luận. Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo cho biết hầu hết thành viên lên án mạnh mẽ cuộc xung đột ở Ukraine, song giới chức cũng thừa nhận có những quan điểm và đánh giá khác nhau về tình hình cũng như về các biện pháp trừng phạt, và cho rằng G20 “không phải là diễn đàn để giải quyết các vấn đề an ninh”.
Tuyên bố của các nhà lãnh đạo G20 cũng nhấn mạnh sự cần thiết duy trì luật pháp quốc tế và hệ thống đa phương nhằm bảo vệ hòa bình và duy trì ổn định, nhấn mạnh giải pháp hòa bình cho các xung đột, các nỗ lực giải quyết khủng hoảng, cũng như ngoại giao và đối thoại.
Đáng chú ý, trước hội nghị, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp song phương lần đầu tiên kể từ tháng 1-2021. Cuộc gặp kéo dài 3 giờ đã cho thấy những khác biệt lớn, đặc biệt là về vấn đề Đài Loan, các hạn chế thương mại và chuyển giao công nghệ. Song cả Mỹ và Trung Quốc đều nhất trí duy trì liên lạc cởi mở và tránh đối đầu. Giới chuyên gia nhận định dù không mang lại kết quả hữu hình, song nhìn chung đây là một cuộc gặp tích cực trong bối cảnh mối quan hệ giữa 2 siêu cường giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử hồi đầu năm.
Có thể thấy, những cam kết được G20 đưa ra tại hội nghị cho thấy quyết tâm hợp tác của khối trong việc đi đầu nỗ lực đối phó thách thức chung, cũng như sức mạnh của chủ nghĩa đa phương, gắn với đoàn kết, minh bạch và sự phối hợp toàn cầu, đồng thời một lần nữa cho thấy vai trò quan trọng của G20 trong việc dẫn dắt thế giới vượt qua các cuộc khủng hoảng, hướng tới phục hồi bền vững.
Tuy nhiên, những gì diễn ra ở G20 phần nào phản ánh bức tranh về hệ thống quốc tế gặp nhiều khó khăn khi đối mặt với những thách thức chung mang tính toàn cầu. Bà Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế, bình luận: “Chúng ta không thể giải quyết vấn đề chính trị bằng các biện pháp chính sách kinh tế. Kết thúc cuộc chiến ở Ukraine là động lực mạnh mẽ nhất để xoay chuyển tình hình kinh tế thế giới”.
Kết quả bầu cử giữa kỳ ở Mỹ đã ngã ngũ
Đảng Cộng hòa giành chiến thắng trong cuộc đua vào Hạ viện Mỹ năm 2022. Ảnh: Báo Tin tức |
Mặc dù “làn sóng đỏ” bầu cử không diễn ra, đảng Cộng hoà vẫn giành đủ 218/435 ghế - ngưỡng đa số tối thiểu để nắm quyền kiểm soát Hạ viện.
Theo hãng thông tấn AP, kết quả quyết định này tới từ tiểu bang California, sau khi Hạ nghị sĩ Cộng hòa Mike Garcia đã chiến thắng trong cuộc đua vào Hạ viện tại khu vực bầu cử số 27 của bang này , giúp đảng của ông đạt 218/435 ghế tại Hạ viện, ngưỡng đa số tối thiểu để thâu tóm quyền lãnh đạo cơ quan lập pháp này.
Việc đảng đảng Cộng hòa sẽ giành thế đa số tại Hạ viện đồng nghĩa với việc đảng này sẽ nắm ghế Chủ tịch Hạ viện trong Quốc hội Mỹ khóa tới. Sau khi kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ đã dần ngã ngũ, Nghị sĩ Kevin McCarthy, 57 tuổi, đã được bầu làm lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện trong cuộc bỏ phiếu kín ngày 15-11. Ông McCarthy đại diện bang California và là thành viên cấp cao trong ban lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện từ năm 2014. Với vị trí này, nhiều khả năng ông McCarthy sẽ trở thành Chủ tịch Hạ viện Mỹ, thay bà Nancy Pelosi của đảng Dân chủ.
Trong khi đó bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện Mỹ, ngày 17-11 đã tuyên bố từ chức lãnh đạo đảng Dân chủ, sau khi đảng Cộng hòa có đủ số ghế cần thiết để giành lại quyền kiểm soát cơ quan lập pháp này.
Cuộc đua vào Hạ viện Mỹ năm nay cũng cho thấy sự cạnh tranh sít sao và gay cấn giữa hai đảng và phải 1 tuần sau ngày bầu cử, kết quả mới ngã ngũ. Trước đó, theo kết quả kiểm phiếu tại Thượng viện công bố ngày 13-11, đảng Dân chủ của Tổng thống Joe Biden đã thành công trong duy trì quyền kiểm soát tại Thượng viện.
Ngày 8-11, cử tri Mỹ đã tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022 quyết định việc đảng nào chiếm đa số trong lưỡng viện Quốc hội. Năm nay, cử tri Mỹ bầu lại toàn bộ 435 ghế hạ nghị sĩ liên bang với nhiệm kỳ 2 năm; 35 trong tổng số 100 ghế thượng nghị sĩ liên bang nhiệm kỳ 6 năm. Ngoài ra, các cử tri cũng bầu chọn 36 ghế thống đốc bang, 30 ghế tổng chưởng lý và 27 ghế tổng thư ký bang, hàng nghìn nghị sĩ cấp bang và quan chức địa phương.
Các nhà phân tích cho rằng việc đảng Dân chủ tiếp tục kiểm soát Thượng viện, nhưng lại mất quyền kiểm soát Hạ viện vào tay phe Cộng hòa, cán cân quyền lực tại Mỹ sau cuộc bầu cử giữa kỳ năm nay sẽ thúc đẩy nhiều động lực hơn cho cả hai đảng, trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Biden tiếp tục triển khai các chính sách kiềm chế lạm phát, phục hồi nền kinh tế hậu đại dịch COVID-19.
Ngoài ra, việc kiểm soát Hạ viện sẽ giúp đảng Cộng hòa có thêm quyền lực để thúc đẩy, triển khai các chính sách quan trọng của Mỹ về cả đối nội và đối ngoại nhằm hướng tới cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.
Đáng chú ý, tuyên bố tái tranh cử của cựu Tổng thống Donald Trump cùng với việc có nhiều thành viên đảng Cộng hòa do ông hậu thuẫn giành chiến thắng trong kỳ bầu cử năm nay sẽ khiến cuộc đua vào Nhà Trắng và các cuộc tranh cử quan trọng khác của năm 2024 trở nên gay cấn và khó dự đoán hơn.
Theo Báo Tin tức