Ngày 4-11, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đến Bắc Kinh và hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Chuyến đi phần nào làm rõ ý định của Đức trong nỗ lực tìm kiếm mối quan hệ kinh tế sâu sắc hơn với Bắc Kinh trên cơ sở bình đẳng, bất chấp hai bên còn tồn tại một số quan điểm khác nhau, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng phương Tây - Bắc Kinh vẫn âm ỉ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (bên phải) tiếp Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Bắc Kinh ngày 4-11. Ảnh: Sky News |
Chuyến công du thu hút sự chú ý của dư luận, đặc biệt sự dõi theo chặt chẽ của phương Tây, bởi Thủ tướng Scholz là lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đầu tiên đến thăm Trung Quốc trong 3 năm qua.
Theo Tân Hoa xã, tại cuộc hội đàm với Thủ tướng Scholz, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh, ông Scholz là nhà lãnh đạo châu Âu đầu tiên đến thăm Trung Quốc sau Đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc và đây là chuyến thăm đầu tiên của ông đến Trung Quốc trên cương vị Thủ tướng Đức. Chuyến thăm sẽ tăng cường hơn nữa hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau giữa hai bên và làm sâu sắc hơn hợp tác thiết thực trong các lĩnh vực, cũng như tạo ra kế hoạch hợp lý cho sự phát triển của quan hệ song phương trong giai đoạn tiếp theo.
Đặc biệt, nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định, năm nay đánh dấu 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Trung Quốc - Đức, và nửa thế kỷ qua cho thấy, nếu hai bên tuân thủ nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, tìm kiếm nền tảng chung trong khi vẫn giữ khác biệt, tiếp tục trao đổi, học hỏi lẫn nhau và theo đuổi hợp tác đôi bên cùng có lợi, thì quan hệ song phương sẽ tiếp tục phát triển đúng hướng và tiến triển bền vững. Với tư cách là những nước lớn có ảnh hưởng, Trung Quốc và Đức nên thúc đẩy hợp tác trong tình hình thế giới biến động và bất ổn, cũng như đóng góp tích cực hơn nữa đối với hòa bình và phát triển toàn cầu.
Trong khi đó, Thủ tướng Scholz nói rằng, Berlin đang tìm cách tăng cường hợp tác kinh tế với Bắc Kinh, dù thừa nhận cả hai có quan điểm khác nhau trong nhiều vấn đề. Hai bên cũng trao đổi về các vấn đề khác, gồm xung đột ở Ukraine, biến đổi khí hậu, khả năng tiếp cận thị trường đối ứng. Bên cạnh đó, tại cuộc gặp Thủ tướng Lý Khắc Cường, ông Scholz nói rõ: “Chúng tôi không tin vào ý tưởng tách rời kinh tế khỏi Trung Quốc nhưng chúng tôi muốn quan hệ thương mại bình đẳng, đặc biệt trong tiếp cận đầu tư”.
Chuyến thăm của ông Scholz bị phủ bóng bởi làn sóng chỉ trích từ đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do trong liên minh cầm quyền, cũng như sự nghi ngại từ Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ. Một số quan chức lo ngại tình trạng phụ thuộc kinh tế của Đức vào một nước khác như Trung Quốc, đặc biệt sau khi Đức lâm vào tình cảnh mất an ninh năng lượng do quá phụ thuộc vào khí đốt của Nga.
Tháng 10-2022, chính trường Đức tranh cãi gay gắt khi chính quyền Thủ tướng Scholz “bật đèn xanh” cho Công ty Vận tải biển Trung Quốc mua 24,9% cổ phần tại một trong ba bến cảng của Công ty hậu cần HHLA ở cảng Hamburg, cảng lớn nhất ở Đức và nhộn nhịp thứ ba châu Âu. Quyết định này vấp phải phản ứng của 6 bộ trong chính phủ khi họ viện dẫn lo ngại về an ninh.
Trong khi đó, Trung Quốc khẳng định, Mỹ không có quyền can thiệp vào quan hệ hợp tác Trung Quốc - Đức, sau khi Washington cảnh báo Berlin về việc lệ thuộc vào nguồn vốn Trung Quốc tại cảng này. Ngày 3-11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cáo buộc, sự can thiệp của Mỹ là biểu hiện của hành động ngoại giao cưỡng bức.
Theo giáo sư Wang Yiwei tại Trung tâm nghiên cứu châu Âu (Jean Monet) thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, xét về vai trò quan trọng của Trung Quốc trong các ngành công nghiệp chủ chốt của Đức từ đóng tàu đến xe điện, cùng với những “cơn gió ngược” chưa từng có mà kinh tế đầu tàu châu Âu đang đối mặt, Thủ tướng Scholz buộc phải tìm cách hợp tác với Trung Quốc ở mức độ cao hơn so với người tiền nhiệm Angela Merkel. Một chuyên gia khác cũng đồng quan điểm khi cho rằng, tình hình kinh tế hiện tại của Đức, với lạm phát lịch sử và nguy cơ suy thoái hiện hữu chính là lý do đằng sau chính sách của Đức đối với Trung Quốc cũng như thái độ mềm mỏng hơn đối với Bắc Kinh so với các cường quốc NATO khác.
Theo Nikkei Asia, quan hệ thương mại sâu sắc đang ràng buộc hai nền kinh tế lớn nhất của châu Á và châu Âu. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Đức với kim ngạch trao đổi hàng hóa giữa hai bên đạt 245 tỷ USD năm 2021. Khảo sát gần đây do tổ chức Ifo thực hiện cho thấy, gần một nửa các công ty công nghiệp Đức đang phụ thuộc đáng kể đầu vào từ Trung Quốc.
Rõ ràng chuyến thăm của ông Scholz cũng là phép thử của mối quan hệ giữa Trung Quốc và Đức, cũng như châu Âu, thậm chí cả phương Tây. Theo giới quan sát, dù Berlin đã tham vấn với các đối tác quan trọng ở Mỹ và châu Âu trước đó nhưng chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Scholz chẳng khác nào “cú hãm phanh” đối với xu hướng đối đầu Trung Quốc mà châu Âu đang theo đuổi, đồng thời báo hiệu sự thiếu vắng tiếng nói thống nhất trong khối về cách ứng phó với Bắc Kinh.
THƯ LÊ