Vị thế mới của ASEAN

.

Sau 2 năm phải họp trực tuyến vì ảnh hưởng Covid-19, nước chủ nhà Campuchia đón tiếp lãnh đạo các nước ASEAN cùng nhiều lãnh đạo của các nước đối tác lớn tại hội nghị ASEAN lần thứ 40, 41 và các hội nghị thượng đỉnh liên quan từ ngày 10 đến 13-11.

Trên cương vị chủ nhà đăng cai hội nghị, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia, ông Prak Sokhorn phát biểu: “Chính vai trò trung tâm của ASEAN đã là động lực chính cho đối thoại và hợp tác quan trọng với các đối tác bên ngoài của chúng ta, nhất là trong các cơ chế do ASEAN dẫn dắt”. Ông Sokhorn cũng chúc mừng các thành tựu của ASEAN trong việc duy trì đối thoại, hội nhập kinh tế, số hóa, và hợp tác với bên ngoài.

Tổng thống Philippines Ferdinand Romualdez Marcos cho biết, hợp tác khu vực trong các lĩnh vực biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, y tế và phục hồi kinh tế sẽ là những nội dung được ưu tiên thảo luận tại sự kiện. Bên cạnh đó, các vấn đề quốc tế đáng chú ý như cuộc xung đột tại Ukraine, khủng hoảng năng lượng và lạm phát cũng sẽ được đề cập.

Các nước thành viên ASEAN nắm giữ những “khâu” khác nhau (thường là trung gian) trong nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu và liên quan tới các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Một số lượng lớn hàng hóa của Trung Quốc và nhiều nước khác đang sử dụng nguyên liệu, linh kiện ở Đông Nam Á hoặc được sản xuất tại đây. Do đó, không ngạc nhiên khi trong bối cảnh thế giới đối mặt nhiều khủng hoảng cùng lúc, hội nghị của ASEAN được dư luận quốc tế quan tâm hơn.

Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến tới Phnom Penh dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN tuần này, sau đó tới Bali (Indonesia) dự hội nghị G20. Theo ông Thomas Daniel, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu quốc tế và chiến lược Malaysia, với việc có mặt trực tiếp tại hội nghị, Tổng thống Biden muốn thúc đẩy những lợi ích của Washington và tái khẳng định cam kết của Mỹ với khu vực.

Tháng 5-2022, trong tuyên bố “tầm nhìn chung” được phát trên trang web Nhà Trắng, Mỹ và ASEAN quyết định sẽ nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện “có ý nghĩa, thực chất và cùng có lợi” từ tháng 11-2022. Đây là sự kiện mang tính biểu tượng rất lớn cho thấy ASEAN và Mỹ cùng muốn thúc đẩy và nâng cấp quan hệ hợp tác, và cũng đã đặt Mỹ lên tầm đối tác ngang Trung Quốc trong quan hệ với khu vực.

Trước hội nghị cấp cao ASEAN, ông Daniel Kritenbrink, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cho rằng, hội nghị tại Campuchia năm nay là dịp để các bên triển khai tốt hơn nữa một loạt các ưu tiên ngoại giao trên toàn khu vực, và tập trung hiện thực hóa mọi vấn đề đã cam kết thay vì thúc đẩy danh sách dài khác gồm những sáng kiến mới. “Sự hiện diện cấp cao của Mỹ tại những hội nghị thượng đỉnh như thế này sẽ thể hiện cam kết mạnh mẽ và lâu dài của chúng tôi với khu vực. Từ tổng thống cho tới ngoại trưởng, xuyên suốt trong toàn chính phủ Mỹ, chúng tôi hiểu rằng tương lai an ninh và thịnh vượng của nước Mỹ hoàn toàn phụ thuộc vào những gì xảy ra tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, ông Kritenbrink nói.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.