ASEAN - EU hướng tới hợp tác dài lâu

.

Tại hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên ngày 14-12 (giờ Bỉ), các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhất trí làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược thiết lập năm 2020 trên cơ sở đề cao luật pháp quốc tế, hợp tác bình đẳng và cùng có lợi, thúc đẩy phục hồi, phát triển xanh và bền vững.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel (trái) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen (phải) đón Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị ngày 14-12. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel (trái) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen (phải) đón Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị ngày 14-12. Ảnh: TTXVN

Đây là lần đầu tiên lãnh đạo ASEAN gặp gỡ đầy đủ lãnh đạo các nước thành viên EU. Hai bên khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ giữa hai tổ chức khu vực hàng đầu thế giới, những “đối tác hội nhập” của nhau.

Tăng cường quan hệ đối tác chiến lược bình đẳng

Theo TTXVN, phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hai bên cần kiên trì với mục tiêu, đổi mới tư duy, hành động kiên quyết, thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược phát triển cân bằng, bình đẳng, hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro; khẳng định, Việt Nam luôn đồng hành với doanh nghiệp EU đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Đề cập về cách tiếp cận ứng phó với các thách thức toàn cầu, Thủ tướng nhắc lại cam kết mạnh mẽ của Việt Nam với chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh, bền vững. Thủ tướng đề nghị EU hỗ trợ tối đa về tài chính và công nghệ trong khuôn khổ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng; chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ mới xanh, sạch và rẻ, và hợp tác sâu rộng hơn về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…, hợp tác với ASEAN phát triển tiểu vùng và Mekong.

Trước những biến chuyển của tình hình, Thủ tướng đề nghị ASEAN và EU lấy hòa bình là mục đích, coi đối thoại, hợp tác là công cụ; đề cao thượng tôn pháp luật, Hiến chương Liên Hợp Quốc (LHQ) và các giá trị chung. Thủ tướng đề nghị ASEAN, EU và các nước cùng phấn đấu xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững. Chia sẻ quan ngại về xung đột tại Ukraine, Thủ tướng đề nghị cần tôn trọng lợi ích hợp pháp, chính đáng và quan ngại của tất cả các bên, đồng thời khẳng định quan điểm chung của ASEAN về giải quyết hòa bình các mâu thuẫn, bất đồng trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia.

15,5 tỷ USD để thực hiện  chuyển đổi xanh

Theo Reuters, ngày 14-12, trong khuôn khổ hội nghị, các lãnh đạo của Việt Nam và nhóm đối tác quốc tế gồm Anh, EU và Mỹ đạt thỏa thuận Hợp tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), giúp Việt Nam giảm phụ thuộc vào than đá. Gói này bước đầu huy động 15,5 tỷ USD từ nguồn tài chính công và tư nhân trong vòng 3-5 năm tới để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh. Chương trình sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu tham vọng về đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, giảm phát thải khí nhà kính sớm hơn 5 năm và chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch. Việc thực hiện thành công các mục tiêu này sẽ giúp giảm phát thải khoảng 500 triệu tấn (một nửa giga tấn) từ giờ đến năm 2035.

Việt Nam là quốc gia thứ 3 sau Nam Phi và Indonesia ký thỏa thuận này với các đối tác quốc tế. Lãnh đạo một số nước đã chúc mừng và hoan nghênh động thái mang tính đột phá của Việt Nam. Theo Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, Việt Nam là nước tiên phong với khuôn khổ mới nhằm đạt được chuyển đổi năng lượng bền vững và công bằng hướng tới các nguồn năng lượng tái tạo. Tương tự, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh, cam kết lịch sử của Việt Nam sẽ là chất xúc tác cho tăng trưởng kinh tế và đầu tư, đồng thời tạo cơ hội đáng kể cho người dân và thúc đẩy cuộc chiến toàn cầu chống biến đổi khí hậu. Thủ tướng Anh Rishi Sunak ca ngợi mô hình JETP như một nhân tố thay đổi cuộc chơi trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, sử dụng viện trợ quốc tế để khơi thông hàng tỷ USD tài chính tư nhân. Thủ tướng Canada Justin Trudeau cam kết, nước này tiếp tục là đối tác cho chuyển đổi năng lượng sạch ở Việt Nam vì tương lai năng lượng sạch và bền vững ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tại hội nghị, lãnh đạo của hai khối đều kỳ vọng hội nghị sẽ mở ra một kỷ nguyên mới của những hợp tác kinh tế tốt hơn, giúp châu Âu có thể đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ, tránh được những lệ thuộc và gián đoạn như đã từng xảy ra trong Covid-19. Ông Charles Santiago, Chủ tịch Nhóm các nghị sĩ vì nhân quyền ASEAN, nhận xét: “EU đang tìm kiếm nguồn cung cho các vật liệu thô như lithium, đây là cái mà ASEAN có thể cung cấp”.

Các lãnh đạo thảo luận những thành tựu đạt được trong quá khứ và kế hoạch hành động trong tương lai trên nhiều phương diện hợp tác chiến lược, bao gồm hợp tác về an ninh, hòa bình; kết nối và chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng sạch; hợp tác kinh tế và thương mại; phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và năng lượng…Các lãnh đạo cũng khẳng định duy trì mục tiêu thiết lập Hiệp định thương mại tự do ASEAN-EU; tăng cường kết nối thông qua triển khai Tuyên bố chung về kết nối năm 2020 và Hiệp định vận tải hàng không toàn diện ASEAN-EU. Tất cả những nội dung thiết yếu này cũng được thể hiện cụ thể trong tuyên bố chung sau hội nghị ngày 15-12. “EU và ASEAN là hai tổ chức hợp nhất khu vực tiến bộ nhất thế giới. Chúng ta hiểu nhau rất rõ, chia sẻ các giá trị và tinh thần chung trong hợp tác”, ông Charles Michel, Chủ tịch Hội đồng châu Âu phát biểu tại hội nghị.

Thủ tướng có các cuộc gặp với lãnh đạo các nước và đối tác
Trong khuôn khổ các hoạt động của hội nghị, tối 14-12 (giờ địa phương), tại Brussels (Bỉ), Thủ tướng Phạm Minh Chính có các cuộc gặp với lãnh đạo các nước và đối tác gồm Ủy ban châu Âu (EC), Hội đồng châu Âu, Đức, Italy, Bồ Đào Nha, CH Czech, Ba Lan, Hy Lạp, Croatia, Litva, Hà Lan và Luxembourg. Thủ tướng đề nghị các nước và đối tác sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư EU - Việt Nam (EVIPA), ủng hộ EU sớm gỡ “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam, tăng cường hợp tác ở nhiều lĩnh vực.

TTXVN - TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.