Ngày 14-12, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Liên minh châu Âu (EU) tiến hành hội nghị cấp cao trực tiếp đầu tiên ở Brussels (Bỉ). Sự kiện đánh dấu 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương, với kỳ vọng mở ra kỷ nguyên quan hệ kinh tế tốt đẹp hơn cũng như giúp các nhà sản xuất châu Âu tại châu Á đa dạng hóa các nguồn nguyên liệu thô.
Thủ tướng Phạm Minh Chính (thứ 3, bên phải sang) dự hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh ASEAN-EU lần thứ 10. Ảnh: TTXVN |
Sự kiện được xem là diễn đàn chính trị cho hai khối thể hiện cam kết chung đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, tôn trọng luật pháp quốc tế và thúc đẩy chủ nghĩa đa phương hiệu quả.
Tăng cường thương mại song phương
Ngày 13-12 (giờ Brussels), Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh ASEAN-EU bên lề hội nghị cấp cao kỷ niệm ASEAN-EU với chủ đề: “Tăng cường thương mại ASEAN-EU: Phát triển bền vững cho tất cả mọi người”. Thủ tướng đưa ra 5 thông điệp quan trọng, trong đó kêu gọi tăng cường đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương, hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn giữa các nước. “ASEAN và các đối tác chiếm gần một nửa dân số và 2/3 GDP toàn cầu. Trong đó, ASEAN và EU có diện tích tương đối lớn với dân số gần một tỷ người, chúng ta cần đoàn kết, cùng suy nghĩ, hành động, cùng hướng tới tương lai”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Các doanh nghiệp cần tăng cường kết nối, các nhà nước cần bảo đảm quy định dựa trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Thủ tướng cho rằng, biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu nên phải có cách tiếp cận toàn cầu, tăng cường đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương; đồng thời biến đổi khí hậu tác động tới mọi người dân nên phải có cách tiếp cận toàn dân, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể. Doanh nghiệp phải có nguồn tài chính xanh, công nghệ xanh, quản lý xanh, nhân lực xanh. Nhà nước phải thiết lập thể chế phù hợp, hướng tới phát triển kinh tế xanh, bền vững. Các nước phát triển phải giúp đỡ các nước đang phát triển về tài chính, nhân lực, công nghệ, quản trị và thể chế, bảo đảm công bằng với các nước nghèo, các nước đang phát triển.
Về quan hệ thương mại, các nước phải hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp tiếp tục phát huy năng lực, sáng tạo, trách nhiệm, kết nối mạnh mẽ hơn. Các nhà nước phải tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong quá trình này với việc đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do, hiệp định bảo hộ đầu tư, tránh đánh thuế 2 lần, thông quan hàng hóa nhanh chóng.
Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp tập trung vào một số lĩnh vực kinh tế số; kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu; an ninh lương thực; an ninh năng lượng; an ninh mạng. Xu thế quan trọng hiện nay là phát triển điện gió, điện mặt trời, những nguồn năng lượng không bị mất đi dù chiến tranh có xảy ra hay cạnh tranh chiến lược gay gắt.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; nhất quán quan điểm giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, “không chọn bên, mà chọn công lý và lẽ phải”.
Hướng đến hiệp định thương mại tự do ASEAN-EU
Theo DW, thời gian qua, EU tập trung xây dựng các hiệp định thương mại và đầu tư song phương với các nước ASEAN riêng rẽ, vốn có thể tạo nền tảng cho sự ra đời của hiệp định thương mại tự do ASEAN-EU trong tương lai, một trong những mục tiêu kinh tế chính mà hai bên đang hướng đến. Trong đó, các thỏa thuận với Singapore và Việt Nam đã hoàn tất và đàm phán thương mại với Indonesia vẫn đang diễn ra. Tại hội nghị, EU sẽ nối lại đàm phán thương mại với Thái Lan, Philippines và Malaysia.
Theo Reuters, các nước EU đang thúc đẩy đa dạng hóa các chuỗi cung ứng quan trọng trong bối cảnh xuất hiện các “lỗ hổng kinh tế” ở châu Âu. “Người châu Âu cần tái kết nối với ASEAN, một trong những khu vực năng động nhất thế giới,” Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi.
Tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von Der Leyen dự kiến công bố gói đầu tư khoảng 10,6 tỷ USD của EU vào các dự án ở ASEAN, bao trùm nhiều lĩnh vực như năng lượng tái tạo và nông nghiệp bền vững theo chiến lược “Cửa ngõ toàn cầu” để tạo đối trọng với sự hiện diện của Trung Quốc. Sáng kiến đề cập rõ rằng, EU có ý định theo đuổi quan hệ đối tác kết nối với ASEAN tương tự các quan hệ đối tác hiện có với Nhật Bản và Ấn Độ. Tuyên bố chung EU-ASEAN tập trung vào việc tăng cường quan hệ đa phương sẽ được đưa ra sau hội nghị này.
Hiện hai khối cũng đang phối hợp triển khai Kế hoạch hành động triển khai quan hệ đối tác chiến lược giai đoạn 2023-2027, trong đó phác thảo chi tiết hợp tác trong các lĩnh vực khác nhau như phục hồi sau Covid-19, thương mại bền vững, kết nối dựa trên quy tắc và bền vững, phòng chống thiên tai, hợp tác an ninh...
EU là đối tác thương mại lớn thứ ba của ASEAN, sau Mỹ và Trung Quốc, với kim ngạch thương mại hai chiều đạt gần 269 tỷ USD năm 2021, tăng 18,6% so với năm 2020 và tăng 16,7% so với năm 2017. EU cũng đứng thứ hai về tổng vốn đầu tư trực tiếp vào ASEAN năm 2021, đạt khoảng 26,5 tỷ USD, tăng 42,9% so với năm 2020. |
TTXVN - THƯ LÊ