Chủ tịch tập đoàn hàng xa xỉ Pháp LVMH – ông Bernard Arnault đã trở thành công dân châu Âu đầu tiên đứng đầu Danh sách những người giàu nhất thế giới của Bloomberg, đẩy Elon Musk xuống vị trí thứ hai.
Ông Bernard Arnault. Ảnh: Reuters |
Theo Chỉ số tỷ phú Bloomberg ngày 13-12, ông Arnault sở hữu khối tài sản 171 tỷ USD, vượt qua 164 tỷ USD của CEO Tesla Elon Musk. Ông Arnault cũng “đánh bật” Musk khỏi danh sách tỷ phú của Forbes vào tuần trước đó.
Cổ phiếu LVMH trong năm nay khá ổn định, được hỗ trợ bởi doanh số bán hàng mạnh mẽ ở Mỹ và Châu Âu. Thị trường xa xỉ vẫn tương đối vững vàng trong năm nay, ngay cả khi lạm phát gia tăng khiến người tiêu dùng thay đổi thói quen chi tiêu của họ. LVMH có giá trị thị trường là 362,4 tỷ euro (386 tỷ USD).
Ông Arnault sinh tại Roubaix ở miền Bắc nước Pháp năm 1949. Ông đã tốt nghiệp ngôi trường danh giá về kỹ thuật École Polytechnique (Trường Bách khoa Paris). Sau đó ông làm việc tại công ty xây dựng của gia đình có tên Ferret-Savinel rồi trở thành chủ tịch doanh nghiệp này năm 1978.
Sáu năm sau đó, ông nhận được tin chính phủ Pháp đang tìm kiếm một nhà đầu tư mới để tiếp quản tập đoàn Boussac Saint-Freres. Tập đoàn dệt may bị phá sản này sở hữu tài sản quan trọng là Christian Dior - hãng thời trang nổi tiếng của Pháp.
Arnault đã mua quyền kiểm soát Boussac Saint-Freres, đưa nó trở lại hoạt động có lãi và tập trung vào triển khai chiến lược phát triển doanh nghiệp hàng xa xỉ hàng đầu thế giới. “Trong quá trình này, ông ấy đã tiếp thêm sinh lực cho Christian Dior làm nền tảng của tổ chức mới,” theo tiểu sử trên trang web LVMH.
Năm 1989, ông Arnault trở thành cổ đông lớn của LVMH, hai năm sau khi tập đoàn này được thành lập bởi sự hợp nhất của Louis Vuitton và Moët Hennessy. Ông Arnault là chủ tịch và giám đốc điều hành của LVMH kể từ đó.
Mặc dù tên riêng của Arnault có thể không được nhiều người nhận ra ngay lập tức, nhưng những thương hiệu mà ông đã góp phần phát triển - từ Christian Dior đến Dom Pérignon - đã trở thành những cái tên quen thuộc.
Sau 3 thập niên, ông Arnault đã biến LVMH thành một “ông lớn” hàng xa xỉ. Ảnh: Forbes |
Trong ba thập niên qua, Arnault đã biến LVMH thành một “ông lớn” hàng xa xỉ với 75 nhãn hiệu bán rượu vang, rượu mạnh, thời trang, đồ da, nước hoa, mỹ phẩm, đồng hồ, trang sức, du lịch và lưu trú khách sạn. Ông mở cửa hàng Louis Vuitton đầu tiên của Trung Quốc tại Bắc Kinh năm 1992. Tháng 1-2021, LVMH hoàn tất việc mua lại công ty trang sức nổi tiếng của Mỹ Tiffany & Co trị giá 15,8 tỷ USD, đây là thương vụ mua lại lớn nhất từ trước đến nay của ngành công nghiệp xa xỉ.
Nỗ lực thiện nguyện của ông Arnault chủ yếu được thực hiện thông qua LVMH, công ty tập trung bảo trợ cho nghệ thuật và văn hóa. Vào năm 2019, LVMH quyên góp 200 triệu euro (212 triệu USD) để giúp xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà Paris sau khi công trình này trải qua trận hỏa hoạn lớn.
Arnault từ lâu đã giữ danh hiệu người giàu nhất châu Âu và không hoạt động cá nhân trên bất kỳ nền tảng mạng xã hội lớn nào. Vào tháng 10, Arnault chia sẻ với Radio Classique thuộc sở hữu của LVMH rằng ông đã bán máy bay riêng của mình vì vấp phải chỉ trích trên Twitter về việc thường xuyên sử dụng phương tiện này.
Theo Bloomberg, ông Arnault đã kết hôn và có 5 người con, tất cả đều đang làm việc tại LVMH hoặc một trong những thương hiệu của tập đoàn này.
Theo Baotintuc.vn