Cuộc đua sản xuất chất bán dẫn và chip toàn cầu ngày càng khốc liệt trong bối cảnh các nước lớn muốn tự chủ và không chậm chân trong lĩnh vực này. Diễn biến gần đây cho thấy cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc về chip bước sang giai đoạn quyết liệt hơn và đang lan dần sang châu Âu.
Ngày 15-12, Bộ Thương mại Mỹ đưa 36 công ty Trung Quốc, gồm các nhà sản xuất chip máy tính tiên tiến hàng đầu vào danh sách thực thể bị hạn chế nghiêm ngặt trong việc tiếp cận bất kỳ công nghệ Mỹ. Các công ty bị ảnh hưởng gồm nhà sản xuất chip theo hợp đồng hàng đầu của Trung Quốc là SMIC, Hua Hong Semiconductor Ltd, cũng như các nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu YMTC và công nghệ bộ nhớ CXMT. Động thái mới nhất nhằm ngăn Trung Quốc tiếp cận, sử dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo phục vụ hiện đại hóa quân đội. Hồi tháng 8, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành đạo luật giảm lạm phát, trong đó đẩy mạnh sản xuất bán dẫn và công nghệ cao nội địa. Nước này chi hàng chục tỷ USD cho các dự án nghiên cứu và phát triển ngành này.
Bên cạnh tăng cường các hạn chế của riêng mình, Mỹ còn thúc ép đồng minh không để Trung Quốc kiểm soát các lĩnh vực then chốt. Trong động thái nối gót Mỹ, tháng 11-2022, viện dẫn lý do an ninh quốc gia, Anh yêu cầu Công ty Nexperia, vừa được một công ty có chủ Trung Quốc mua lại, phải bán đi 86% vốn của Newport Wafer, nhà máy sản xuất tấm silicon để tạo chip bán dẫn lớn nhất của nước châu Âu này. Theo London, việc Nexperia mua lại Newport Wafer gần đây tạo ra rủi ro rò rỉ công nghệ và kỹ thuật sang Trung Quốc.
Đặc biệt, việc nhà sản xuất chip bán dẫn lớn nhất thế giới TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) vừa thông báo tăng gấp 3 lần khoản đầu tư lên mức kỷ lục 40 tỷ USD để xây dựng nhà máy mới tại Arizona (Mỹ) là thắng lợi của Tổng thống Biden sau khi các vấn đề về chuỗi cung ứng khiến kinh tế Mỹ đình trệ trong thời gian đầu ông mới nắm quyền. Theo ông Mark Liu, Chủ tịch TSMC, ước tính doanh thu hằng năm của TSMC đạt khoảng 10 tỷ USD khi hai nhà máy sản xuất chip của tập đoàn này đi vào hoạt động tại Mỹ lần lượt vào các năm 2024 và 2026. Bên cạnh đó, các khách hàng sử dụng chip mà TSMC sản xuất tại Mỹ có thể đạt doanh thu hằng năm lên tới 40 tỷ USD. TSMC hiện cung cấp cho khoảng 52% thị trường toàn cầu, tỷ lệ này lên đến 90% đối với loại chíp hiện đại nhất, có độ dày 5 nanomet.
Ông Gu Wenjun, nhà phân tích cấp cao của công ty ICWise, lý giải: “Nỗ lực của Mỹ nhằm thúc đẩy năng lực sản xuất chất bán dẫn trong nước sẽ làm suy yếu phạm vi tiếp cận các nguồn tài nguyên quốc tế của Trung Quốc. Về lâu dài, nó có thể làm cạn kiệt chuyển giao công nghệ và gây ra tình trạng thiếu hụt người tài đối với Trung Quốc”. Global Times gọi việc TSMC xây nhà máy mới tại Mỹ là “khúc ngoặt tăm tối” cho ngành chất bán dẫn toàn cầu.
Trong bối cảnh Trung Quốc chưa dẫn đầu về chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu vì còn phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, nước này phải nỗ lực bắt kịp sản xuất chất bán dẫn và vật liệu để giảm phụ thuộc nhập khẩu. Đến nay, Trung Quốc chỉ sản xuất loại chip 28nm vốn được sử dụng chủ yếu trong thiết bị viễn thông, sản xuất ô-tô và điện tử tiêu dùng. Vì thế, nước này huy động nguồn lực phát triển năng lượng siêu máy tính và tìm cách đi đầu về trí tuệ nhân tạo vào năm 2030. Kế hoạch đầu tư 143 tỷ USD phát triển chất bán dẫn có thể bắt đầu từ năm 2023 và kéo dài 5 năm. Ngoài ta, Bắc Kinh cũng thực hiện nhiều biện pháp khác như mua các nhà sản xuất chip nước ngoài, chi hàng tỷ USD để trợ cấp các công ty chip trong nước và tránh biện pháp hạn chế của Mỹ.
Theo các chuyên gia, Trung Quốc và Mỹ đang bước vào giai đoạn hai của cuộc chiến chip bán dẫn đầy cam go sau khi Washington cùng các đồng minh ngăn chặn sự bành trướng của hai gã khổng lồ viễn thông Huawei và ZTE của Trung Quốc.
TUYẾT MINH