Ngày 13-12, hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - châu Phi lần thứ 2 diễn ra tại Washington D.C. sau khi bị ngắt quãng 8 năm. Với sự kiện quy mô lớn này, Tổng thống Joe Biden hy vọng cài đặt lại quan hệ song phương với “lục địa đen” vốn trở nên lạnh nhạt dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (bên phải) tiếp Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tại Nhà Trắng tháng 9-2022. Ảnh: Reuters |
Tại sự kiện kéo dài 3 ngày, Tổng thống Biden sẽ công bố hàng loạt khoản đầu tư mới của Mỹ ở “lục địa đen” cùng với các sáng kiến và thỏa thuận chung về đẩy mạnh hợp tác thương mại và đầu tư song phương.
Mỹ muốn đưa Liên minh châu Phi vào G20
Bên cạnh chương trình nghị sự bao trùm nhiều lĩnh lực, một điểm nhấn đáng quan tâm sẽ là tuyên bố của Tổng thống Biden về việc Mỹ ủng hộ Liên minh châu Phi (AU) trở thành thành viên của Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).
Theo ông Judd Devermont, cố vấn hàng đầu về châu Phi của Tổng thống Biden, việc ủng hộ AU tham gia G20 nhằm tạo cơ hội để các quốc gia châu Phi góp tiếng nói mạnh mẽ về các vấn đề mang tính toàn cầu như kinh tế, nền dân chủ và quản trị, biến đổi khí hậu, sức khỏe và an ninh...; đồng thời nhấn mạnh động thái này dựa trên chiến lược của Mỹ đối với khu vực châu Phi cận-Sahara. “Đã đến lúc châu Phi có ghế thường trực trong các tổ chức và sáng kiến quốc tế”, ông Devermont nói. Đến nay, trong G20 chỉ có một nước châu Phi duy nhất trong tổng số 55 quốc gia thành viên của AU: đó là Nam Phi.
Theo tuyên bố của AU, cuộc gặp lần này ưu tiên các vấn đề tương tự hội nghị lần thứ nhất năm 2014 và chú trọng hơn vào các sáng kiến đầu tư và thương mại song phương. Theo AFP, các bên dự kiến công bố kế hoạch nhằm tăng cường sự tham gia của Mỹ vào Hiệp định Khu vực thương mại tự do châu Phi (AfCFTA); thúc đẩy phục hồi kinh tế châu Phi, tăng cường hợp tác đầu tư và trao đổi thương mại hai chiều để nâng cao vị thế của châu Phi trong nền kinh tế toàn cầu; đầu tư vào cơ sở hạ tầng, y tế và năng lượng tái tạo... Ông Biden dự kiến tham gia phiên họp về thúc đẩy an ninh lương thực và khả năng phục hồi hệ thống lương thực khi châu Phi bị ảnh hưởng nặng nề bởi “bão giá” toàn cầu, một phần do sự sụt giảm các chuyến hàng từ nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn Ukraine.
Chủ đề nổi bật khác trong chương trình nghị sự là số phận của Đạo luật Cơ hội và Tăng trưởng châu Phi (AGOA) về việc cho phép các sản phẩm từ các quốc gia cận Sahara tiếp cận thị trường Mỹ miễn thuế. Do vậy, các nhà lãnh đạo châu Phi đang nỗ lực tìm kiếm thỏa thuận rõ ràng và bền vững trước khi AGOA dự kiến hết hạn vào năm 2025. Bên cạnh đó, hội nghị sẽ tiếp nối thành quả của hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) vừa qua bằng cách thúc đẩy thực hiện các cam kết quốc tế hỗ trợ các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu.
Khôi phục niềm tin
Từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Biden thể hiện quan điểm rõ ràng, ủng hộ việc giành một ghế cho người châu Phi trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Hồi tháng 8, Nhà Trắng công bố chiến lược mới của chính quyền Tổng thống Biden về châu Phi. Với hội nghị này, ông Biden có cơ hội xoa dịu những lo ngại ở châu Phi về việc liệu Mỹ có thực sự nghiêm túc trong việc củng cố mối quan hệ này hay không.
Cuộc cạnh tranh quốc tế về lợi ích quân sự, thương mại và ngoại giao ở châu Phi vốn có ảnh hưởng địa chính trị phát triển mạnh mẽ trong thập niên qua, đã mở rộng trong những năm gần đây với sự tham gia mạnh mẽ của Trung Quốc, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Kể từ năm 2014, thương mại của Trung Quốc với châu Phi tiếp tục tăng trưởng, đạt mức cao kỷ lục với 261 tỷ USD năm 2021 và các khoản nợ của các nước châu Phi đối với Trung Quốc cũng gia tăng đáng kể. Trong khi đó, thương mại của Mỹ với lục địa này giảm xuống còn 64 tỷ USD, chỉ chiếm 1,1% thương mại toàn cầu của Mỹ. Theo các nhà phân tích, Mỹ thường bị tụt lại phía sau trong cuộc cạnh tranh khắc nghiệt này. Do vậỵ, chính quyền Biden hy vọng sẽ đảo ngược thực tế này thông qua hội nghị này.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là Mỹ có thể cung cấp cho châu Phi những “món quà” nào mà những “gã khổng lồ” khác như EU, Trung Quốc và Nhật Bản không thể làm được. Một quan chức AU kêu gọi Mỹ giúp châu Phi ngăn chặn tình trạng thất thoát khoảng 89 tỷ USD mỗi năm do các dòng tài chính bất hợp pháp. Theo ông Arun Venkataraman, trợ lý Bộ trưởng Thương mại, dù Mỹ không thể yêu cầu các công ty của mình đầu tư vào châu Phi như Trung Quốc có thể làm nhưng họ có thể tạo ra một môi trường thuận lợi hơn cho hoạt động kinh doanh trên lục địa.
Trên Twitter, Tổng thống Joe Biden cho biết: “Các chuyên gia độc lập dự đoán rằng nền kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng nhanh hơn nền kinh tế Trung Quốc trong năm nay. Điều đó chưa từng xảy ra kể từ năm 1976”. Từ khi ông Biden nhậm chức đến nay, thị trường lao động Mỹ tạo được thêm 10,5 triệu việc làm. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nhận định, lạm phát ở Mỹ sẽ giảm dần trong năm 2023 và ở mức thấp hơn đáng kể vào cuối năm, nếu không có cú sốc bất ngờ nào. |
ANH THƯ